Lương không đủ trang trải cuộc sống, xa gia đình
Sau khi ra trường vào năm 2008, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Trâm (trú tại TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đến nhận công tác tại Trường Tiểu học Pờ Ê (xã Pờ Ê, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) và giảng dạy từ đó cho đến khi nộp đơn xin nghỉ việc.
Tháng 5/2020, sau khi xã Pờ Ê được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bản thân cô Trâm và nhiều giáo viên khác đang giảng dạy trên địa bàn xã không còn được hưởng các chế độ các trợ cấp của vùng đặc biệt – khó khăn theo nghị định 76/2019 của Chính Phủ, do đó mức lương cũng bị giảm theo.
"Thú thật mà nói, sau khi xã Pờ Ê lên nông thôn mới, mức lương của tôi ngang bằng với các giáo viên tại TP.Kon Tum dù điều kiện dạy học và sinh hoạt trên này của tôi khó khăn hơn nhiều so với dưới đó. Trong khi đó, trong 1 tháng có biết bao nhiêu khoản để chi tiêu. Nào là chi phí ăn uống, đi lại ở trên này rồi còn cả chi phí lo cho 2 đứa con của tôi ăn học dưới TP nữa. Đó là chưa kể những chi phí phát sinh thêm như bệnh tật, thuốc men. Nhà tôi lại ở dưới TP, cách trường gần 100km nên mỗi tuần tôi phải về thăm nhà 1 lần. Có nhiều trường hợp khi đang dạy ở trường, dưới nhà có việc, con cái đau ốm bệnh tật tôi cũng phải chạy về xem tình hình thế nào, chi phí đi lại khá nhiều.
Nếu thêm cả mức lương giáo viên của chồng tôi thì thu nhập của 2 vợ chồng 1 tháng cũng chả dư giả được bao nhiêu. Với mức lương ít ỏi như vậy không thể nào đủ để trang trải cho cuộc sống nên tôi đành nộp đơn xin nghỉ việc và đơn của tôi đã được chấp thuận vào đầu tháng 12/2021", cô Trâm chia sẻ.
Tương tự cô Trâm, cô giáo Nguyễn Thị Hương (trú tại TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cũng đã quyết định nộp đơn xin nghỉ việc tại Trường Tiểu học Pờ Ê.
Cô Hương tâm sự, mặc dù xã Pờ Ê đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng đời sống của bà con người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây rất khó khăn. Bố mẹ các em học sinh mải lo công việc nương rẫy không mấy mặn mà với việc học tập con em mình. Tình trạng các em bỏ học thường xuyên diễn ra. Vì vậy, giáo viên phải vất vả đến tận nhà để vận động, thậm chí phải chở các em học sinh từ nhà lên lớp.
"Công việc của giáo viên vùng sâu vùng xa ngày càng vất vả. Chưa kể, đường sá giao thông ở đây ở đây đi lại khó khăn nữa, nhất là đoạn Quốc lộ 24 đang thi công từ TP.Kon Tum đến trường. Mùa nắng thì bụi bay mù mịt, mùa mưa thì sình lầy, khó di chuyển. Giáo viên chúng tôi ngã xe là chuyện "cơm bữa".
Sau khi xã Pờ Ê lên nông thôn mới, mức lương của giáo viên chúng tôi giảm trong khi bao chi phí phải lo cho bản thân và đặc biệt cho 2 đứa nhỏ nhà tôi đang tuổi mới lớn. Bên cạnh đó, có một số em học sinh gia đình khó khăn, không có tiền đủ mua sách vở, dụng cụ học tập, áo quần, giáo viên chúng tôi hàng tháng phải bỏ tự bỏ tiền túi ra để hỗ trợ cho các em. Với mức lương thấp như vậy nên tôi đã xin phép nghỉ dạy", cô Hương bộc bạch.
Cũng theo cô Trâm: "Gần chục năm gắn bó với nghề này, tôi đã thấu hiểu được những khó khăn của các em học sinh vùng sâu vùng xa và tôi yêu mến, coi các em như con cái vậy. Nhưng vì điều kiện khó khăn, xa gia đình, chồng con nên chúng tôi phải đi đến quyết định đầy khó khăn này"
Không có chuyện giáo viên xin nghỉ dạy vì xã lên nông thôn mới
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum), từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện có 12 giáo viên xin nộp đơn xin nghỉ việc, trong đó tập trung ở xã Pờ Ê và Thị trấn Măng Đen – những địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Võ Xuân Tựu, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plong cho biết, qua tiếp nhận đơn thư xin nghỉ việc, nhiều giáo viên trình bày do làm việc xa gia đình, xa con nhỏ, lương thấp không đủ chi phí để trang trải cho cuộc sống, đường sá đi lại khó khăn,…
"Ngay sau khi nhận được đơn xin nghỉ việc của các giáo viên, phòng giáo dục của huyện cũng đã động viên, tìm hiểu nắm bắt tâm tư nguyện vọng và mong muốn các thầy cô, cố gắng khắc phục mọi khó khăn để bám trường bám lớp. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị chuyển công tác các giáo viên này về các trường có điều kiện thuận lợi hơn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên họ không đồng ý nên chúng tôi buộc phải giải quyết theo luật lao động", ông Tựu nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho hay, qua tìm hiểu, việc xã lên nông thôn mới không phải là nguyên nhân chính khiến các giáo viên nộp đơn xin nghỉ việc. Vị Giám đốc Sở lấy dẫn chứng, trong 2 năm 2020 và 2021 có 4 giáo viên xin nghỉ dạy vì chuyển sang nghề làm vườn có thu nhập cao hơn và qua tìm hiểu, họ xin nghỉ việc không xuất phát từ việc xã lên nông thôn mới.
Bà Trung thừa nhận, khi xã lên nông thôn mới đã ảnh hưởng trực tiếp chế độ, chính sách cho các giáo viên ở vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, việc nhiều giáo viên xin nghỉ việc tại các trường vùng sâu vùng xa ít nhiều tác động đến tư tưởng của những giáo viên khác hiện đang giảng dạy, đặc biệt là người sống xa gia đình, con cái.
"Thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên quan tâm, động viên tinh thần, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho các giáo viên vùng sâu vùng xa ổn định tư tưởng, yên tâm công tác. Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị lên các cấp ngành Trung ương quan tâm, có một chính sách đặc thù để hỗ trợ cho đời sống của họ", bà Trung cho biết.