Ngay khi có thông tin Nga nổ súng tại Ukraine, giá dầu thô đã nhanh chóng thiết lập mức giá kỷ lục kể từ năm 2014, lên trên 102 USD/thùng. Giá dầu Brent có thời điểm chạm mốc 105 USD/thùng.
Tại thị trường trong nước, hiện giá xăng đã vượt mốc 26.000 đồng/lít.
Chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, giá dầu có thể đạt tới 150 USD/thùng khi xung đột Nga - Ukraine leo thang. Giá xăng dầu thành phẩm Việt Nam khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
"Tôi cho rằng, đà tăng của giá xăng dầu trong nước sẽ chưa thể dừng lại. Giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng đến giá cả tất cả hàng hóa, dịch vụ trong mọi ngành, từ đó tạo áp lực lạm phát. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp, người dân sẽ rất khó khăn", ông Hiếu nói.
Theo dự báo của ông Hiếu, với tình hình diễn ra như phân tích trên, lạm phát của Việt Nam năm nay khó giữ được ở mức dưới 4%.
Đồng quan điểm TS. Võ Trí Thành – chuyên gia kinh tế cho rằng, chiến sự Nga - Ukraine leo thang không chỉ "kích thích" đà tăng của giá dầu, mà còn tăng giá nguyên liệu, kim loại trên thế giới.
Đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng, đẩy tình hình lạm phát của cả nền kinh tế tăng lên, không chỉ Việt Nam mà còn ở toàn cầu. Từ đó, sẽ ảnh hưởng tới những chiến lược, chính sách tiền tệ trong bối cảnh các doanh nghiệp mới đang hồi phục trở lại sau đợt Covid-19 vừa qua.
Chuyên gia phân tích tại Chứng khoán SSI Research nhận định, giá xăng tăng mạnh sẽ tác động tiêu cực cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của những gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ đang thực hiện trong năm nay.
Ngoài ra, giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa khác, từ đó sẽ khiến cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, còn thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Điều này khiến cho tiến trình phục hồi kinh tế bị chậm lại.
Đà hồi phục kinh tế bị chững lại do chiến sự Nga - Ukraine, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay cũng khó có thể đạt 6,5%.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho hay: "Yếu tố đầu vào là giá xăng dầu có tác động trực tiếp và gián tiếp đến mọi ngành kinh tế, từ các ngành ảnh hưởng trực tiếp như hàng không, phương tiện giao thông vận tải… cho đến ảnh hưởng gián tiếp như hoạt động sản xuất và tiêu dùng nào cần chuyên chở hay phân phối nguyên vật liệu, hàng hóa".
Như vậy theo ông Long, giá xăng dầu tăng chắc chắn tác động đến mặt bằng giá chung, làm tăng áp lực lạm phát trong nước.
Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế và lạm phát có mối quan hệ rất chặt chẽ. "Lạm phát tăng cao ở một số trường hợp đặc biệt có thể đi đôi với tăng trưởng mạnh lên nhưng trong trường hợp này, nếu lạm phát tăng cao do giá dầu tăng khi chiến sự Nga - Ukraine leo thang thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng theo chiều hướng tiêu cực".
Chỉ còn trông chờ vào xuất khẩu sang Trung Quốc
Nêu quan điểm của mình TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tác động nhãn tiền của cuộc chiến Nga – Ukraine là tâm lý bất ổn trên toàn cầu.
Đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, theo vị chuyên gia này, cuộc chiến sẽ khiến cho nền kinh tế thế giới đang phục hồi sẽ bị chững lại, một phần nguyên nhân đến từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng.
"Chiến sự leo thang, hàng loạt các biện pháp trừng phạt thương mại được tung ra, kèm theo đó là các cuộc chiến tiền tệ. Chưa kể, giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng cao, chi phí logistic cũng đội lên,... tất cả sẽ khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu đang hồi phục cũng sẽ bị chững lại, gián đoạn. Từ đó, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khập khẩu giữa các quốc gia", ông Nghĩa nói.
Riêng với quốc gia có độ mở kinh tế cao như Việt Nam, ông Nghĩa cho rằng, xuất nhập khẩu chắc chắn sẽ bị tác động mạnh. "Đà phục hồi của chuỗi cung ứng chững lại, chi phí logistic đắt đỏ, Việt Nam nhập khẩu kiểu gì, lấy tiền đâu ra nhập khẩu nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu. Xuất nhập khẩu vào châu Âu, Mỹ khó khăn, như vậy chúng ta sẽ chỉ còn trông chờ thị trường Trung Quốc. Đó mới là điều đáng lo", TS. Lê Xuân Nghĩa bày tỏ quan điểm.
Cho rằng, chiến sự căng thẳng gián tiếp làm tác động tới chuỗi cung ứng song TS.Võ Trí Thành cho rằng mức độ tác động tùy thuộc vào cường độ, độ dài của cuộc chiến tranh, bao gồm cả các trừng phạt của phương Tây cũng như cách chống lại của Nga.
"Chắc chắn là có ảnh hưởng theo cách tiêu cực đó là gián đoạn chuỗi cung ứng, nhưng ảnh hưởng như thế nào còn tùy thuộc vào mối quan hệ của các nước tham gia cuộc chiến Nga - Ukraine", ông Thành nói.