Khi Dân Việt liên lạc để phỏng vấn, Cao Bá Nhất liên tục từ chối với lý do: "Chuyên môn của tôi còn non nớt và thấp kém lắm nên đừng có viết, kẻo mắc công tôi ngại". Dù vậy, sau khi thuyết phục, anh cũng nhận lời chia sẻ với bạn đọc Dân Việt về quá trình thực hiện bộ phim Bão ngầm.
Trước khi nhận lời làm đạo diễn võ thuật phim Bão ngầm, anh có từng đảm trách công việc tương tự ở phim nào khác không?
- Tôi đã từng làm đạo diễn võ thuật cho phim Tôi ghét anh, một bộ phim của Ấn Độ có bối cảnh quay ở Hội An (Quảng Nam). Rồi phim Trà táo đỏ của đạo diễn Trần Việt Hùng, và một số phim khác nữa.
Cơ duyên nào anh được mời làm phim Bão ngầm?
- Tôi nghĩ là vì tôi làm cascadeur đã lâu. Đứng dạy nghề cascadeur đã 12 năm nay, và cũng tham gia nhiều phim nên được nhà sản xuất cũng như đạo diễn Đinh Thái Thụy tìm hiểu kỹ và chú ý. Bão ngầm là phim mang tính chất về hình sự, nên rất cần những cảnh đánh cận chiến. Và rồi tôi may mắn được đề cử ra Hà Nội để đào tạo cascadeur.
Quả thật khi được ngỏ lời, lúc đầu tôi cũng trăn trở nhiều lắm. Nhưng rồi tôi nhận lời cùng quyết tâm là cố gắng hết sức để cùng chung tay thực hiện bộ phim thành công, có những cảnh quay hành động võ thuật tốt nhất có thể.
Mọi người vẫn thắc mắc công việc đạo diễn võ thuật trong phim Bão ngầm sẽ làm những gì?
- Tôi là người trực tiếp đào tạo cho toàn bộ diễn viên và cascadeur tại Trung tâm học viện quốc tế võ thuật Việt Nam liên tục suốt 3 tháng. Khi phim bấm máy, tôi luôn luôn song hành với đạo diễn Đinh Thái Thụy. Trước khi bấm máy, tôi với nguyên ekip tổ quay chính cùng nhau bàn bạc về từng cảnh quay, cách đặt góc máy như thế nào, diễn viên sẽ hành động ra sao.
Sau đó cho chạy thử đường dây. Khi cảm thấy mọi thứ hoàn hảo thì mới cho diễn hành động, bài trí bối cảnh... Riêng tôi, trước khi diễn viên đánh, thì tôi thực hiện động tác trước để diễn viên làm theo, ngã theo, lăn lộn theo, đánh theo...
Tôi kể thật nhé, làm phim này làm tôi rách tới 3 quần jean. Bê bết hết. Mà cũng có kỷ niệm vui. Có lần, tôi mải mê làm việc, tôi đâu biết nhà sản xuất cũng có mặt ở phim trường. Vì thấy làm tốt nên nhà sản xuất "thưởng nóng" cho tôi luôn.
Trong quá trình quay phim, giữa anh là đạo diễn võ thuật và đạo diễn phim Đinh Thái Thụy có khi nào "lệch sóng" nhau không?
- Không có chuyện đấy. Là vì công việc đạo diễn võ thuật được tách biệt toàn bộ. Hai anh em chúng tôi có liên kết với nhau. Khi diễn hành động đạo diễn Đinh Thái Thụy giao toàn bộ cho tôi quán xuyến. Tôi chạy bài, tập bài cho diễn viên. Tôi có trợ lý để đi đường dây thêm ở ngoài bối cảnh. Tôi ngồi vào monitor để xem hình ảnh có tốt hay không. Khi tôi cảm nhận được diễn viên đánh cảnh đó tốt thì đạo diễn phim sẽ "Ok". Còn nếu chưa tốt thì tôi bắt phải làm lại. Thế nên giữa tôi và đạo diễn Đinh Thái Thụy chưa bao giờ "chênh" nhau ở quan điểm hay "lệch sóng" nhau cả.
Khi nhận lời làm đạo diễn võ thuật cho Bão ngầm, anh có áp lực không?
- Có chứ. Áp lực nhiều lắm. Có những đêm tôi không thể nào ngủ được. Cứ trước khi có cảnh hành động, là phải lo hướng dẫn cho diễn viên, lo nhân sự, lo cảnh đó có bao nhiêu người, suy nghĩ vạch ra đường dây đó nên đánh như thế nào. Rồi lên kế hoạch sắp xếp nhân vật nào đứng ở đâu, đánh với ai... Nên rất áp lực. Áp lực vô cùng. Nhất là khi được đạo diễn phim và nhà sản xuất tin tưởng. Làm phim này, tôi "hao gầy" đến 5 ký.
Phim đã được phát sóng, anh xem lại có hài lòng với những cảnh hành động, những pha võ thuật mà chính anh làm đạo diễn không?
- Nói chung là "ngọc còn có vết". Cái gì cũng có thiếu sót chứ không thể nào toàn vẹn hết được. Có những cái mình mong muốn nhưng đôi khi diễn viên diễn chưa thật sự hoàn hảo 100%.
Với diễn viên Cao Thái Hà và Hà Việt Dũng, anh nhìn nhận thế nào với diễn xuất trong những cảnh hành động, võ thuật của họ?
- Tôi rất ấn tượng với hai em. Tôi cảm thấy rất thương hai em. Cao Thái Hà là một cô bé rất đam mê về võ thuật, rất có năng khiếu, tố chất về võ thuật và diễn xuất về hành động rất tốt. Còn Hà Việt Dũng thì sức khỏe rất tốt, qua mỗi ngày, cách diễn xuất, hành động của Hà Việt Dũng càng tiến bộ.
Trở lại với nghề cascadeur. Anh từng là cascadeur, sao lại bén duyên với diễn viên chuyên nghiệp, rồi lại được đảm trách cả vị trí đạo diễn võ thuật?
Ngày trước, tôi là học trò của võ sư, đạo diễn Quốc Thịnh, làm việc ở nhóm cascadeur Quốc Thịnh (TP.HCM). Các nhà sản xuất làm phim hay gởi diễn viên về nhóm cascadeur Quốc Thịnh. Tôi được phân công đào tạo. Rồi trời thương, tôi được các đạo diễn cho vai diễn. Tôi may mắn được ăn cơm tổ, cứ được đóng vai suốt. Đến nay, tôi cũng đã được đóng trong hơn 80 bộ phim rồi. Chủ yếu là vai đại ca, ông trùm, giang hồ...
Ban đầu cũng bỡ ngỡ lắm, vì thuở mới vào nghề cascadeur đâu có biết gì đâu. Rồi được dạy, nên học dần. Rồi khi đi đóng phim, được các anh chị đi trước bày dạy. Được các diễn viên Mã Trung, Hoàng Nhân hay các đạo diễn Châu Huế, Tường Phương... chỉ bảo thêm, dần dần tôi có kinh nghiệm hơn và được như ngày hôm nay.
Trong những năm tháng làm nghề, có bao giờ anh gặp tai nạn mà đến giờ vẫn không thể nào quên?
- Có một chuyện mà tôi nhớ mãi trong đời là khi tham gia bộ phim Mỹ nhân kế. Tôi vào vai nhà sư xuất hiện ở cảnh đầu phim. Tôi có đeo dây tràng hạt vào cổ. Có cảnh đánh nhau trên không, khi rớt xuống thì bị dây tràng hạt đánh vào sau gáy làm bất tỉnh luôn. Tôi bị chấn thương tưởng chết. Sau đó phải nhanh chóng cấp cứu ở Khánh Hòa rồi cấp cứu tiếp ở TP.HCM. Đó là một câu chuyện buồn.
Nhưng sau đó anh vẫn tiếp tục theo nghề cascadeur?
- Đúng vậy. Tôi luôn theo nghề cascadeur chứ chưa bỏ ngày nào. Dù rằng nghề này cực khổ, vất vả vô cùng trong khi tiền công không được bao nhiêu. Những năm 2000, tiền công mỗi ngày chỉ được khoảng 270.000 đến 300.000 đồng. Tiền công tùy thuộc mức độ công việc, và cũng tùy phim nữa. Dẫu vậy, tôi yêu thích và biết ơn nghề này. Hơn nữa, nhờ nghề cascadeur mà cho tôi được mọi người biết đến, được có cơ hội làm đạo diễn võ thuật như công việc trong phim Bão ngầm.
Anh mong gì cho riêng anh cũng như cho những đồng nghiệp cascadeur?
- Điều tôi trăn trở nhất là những cascadeur hiện nay không được mua bảo hiểm. Mong sao cascadeur được công nhận là một nghề như nhiều nghề, được có chế độ bảo hiểm thì khi đi làm sẽ an tâm hơn. Chứ quả thật, có đôi lúc đi làm vì đam mê nhưng cũng mông lung.
Anh có chia sẻ gì với anh em đồng nghiệp cascadeur của mình không?
Tôi mong mọi người bình an trong quá trình làm nghề. Và cũng mong thành công sẽ đến với mọi người. Hiển nhiên, mỗi người phải luôn cố gắng, dành hết tâm huyết của mình khi làm nghề.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Cao Bá Nhất (sinh năm 1977) là võ sư Thiếu Lâm. Anh đạt danh hiệu cao nhất: cấp Bạch đai 18/18. Hiện, Cao Bá Nhất là võ sư của Liên đoàn võ thuật Việt Nam, đồng thời võ sư cao cấp của Học viện quốc tế võ thuật Việt Nam.
Trong phim Bão ngầm, ngoài vai trò là đạo diễn võ thuật, Cao Bá Nhất còn thủ vai Dũng "dưa", đàn em của Tú. Cao Bá Nhất chia sẻ: "Thật ra tôi được nhận một vai rất lớn. Nhưng đóng vai lớn thì không có thời gian để làm đạo diễn võ thuật. Nên tôi làm một vai nhỏ là Dũng "dưa". Tôi hay xe ô tô để dò la tin tức của nhân vật do Cao Thái Hà, Hà Việt Dũng đóng nhằm báo cáo với đại ca của mình".