Dân Việt

Dầu có thể lên 150 USD/thùng, giá xăng trong nước sẽ thế nào?

Thanh Phong 28/02/2022 06:46 GMT+7
Trước tình trạng căng thẳng Nga – Ukraine, giới chuyên môn dự báo kịch bản giá dầu có thể lên 150 USD/thùng.

Ngày 24/2 vừa qua, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, giá dầu đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào, chạm mức cao nhất kể từ năm 2014.

Trước những diễn biến căng thẳng ngày càng leo thang, các chuyên gia dự báo, tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu sẽ khiến giá dầu trong thời gian tới tiếp tục tăng mạnh.

Cụ thể, đại diện Ngân hàng UBP (Thụy Sĩ) nhận định: "Trong trường hợp những diễn biến liên quan đến nguồn cung từ Mỹ hoặc các cuộc đàm phán ở Vienna không diễn ra như kỳ vọng, giá dầu có thể chạm mốc 150-170 USD/thùng".

Dầu có thể lên 150 USD/thùng, giá xăng trong nước sẽ thế nào? - Ảnh 1.

Giá xăng dầu có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong kỳ điều hành tới. (Ảnh: PVN)

Đồng quan điểm Công ty Oanda (Mỹ) cũng đưa ra dự báo về việc khi Nga tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch quân sự, giá dầu sẽ tăng mạnh lên mức khoảng 120 USD/thùng.

Tháng trước, Công ty JPMorgan Chase & Co. của Mỹ cũng cảnh báo nếu giá dầu chạm ngưỡng 150 USD/thùng thì tăng trưởng kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm nay có thể xuống mức dưới 1%.

Về thị trường trong nước, theo nhận định của giới chuyên môn, với những diễn biến nêu trên, trong kỳ điều chỉnh tới (ngày 1/3), giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng cao.

Cụ thể, giá xăng sẽ tiếp tục tăng mạnh từ 600-700 đồng/lít. Dự kiến giá cơ sở đối với xăng RON 95 tăng 700 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng/lít, dầu DO tăng 500 đồng/lít.

Tuy nhiên, với giới kinh doanh xăng dầu trong nước ngoài khó khăn về nguồn hàng nhập, các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang phải chịu cảnh mức "chiết khấu 0 đồng" thay vì được khoảng 150 đồng/lít như trước.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, để bảo đảm nguồn cung trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định giao 10 công ty đầu mối nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu các loại trong quý II/2022.

Theo đó, các doanh nghiệp được giao tăng sản lượng nhập khẩu xăng dầu phải thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn sản lượng xăng dầu giao bổ sung.

Đồng thời phải chứng minh được hoạt động xuất, nhập khẩu bằng các hóa đơn, chứng từ xuất, nhập xăng dầu trong mỗi tháng, báo cáo về Bộ Công Thương tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 20 hàng tháng.

Theo Bộ Công Thương, lượng nhập khẩu tăng thêm này để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước không đạt kế hoạch, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục vụ kinh tế đất nước.

Trong tổng sản lượng nhập khẩu tăng thêm là 2,4 triệu m3, lượng xăng là 840.000m3 và dầu là 1,56 triệu m3. Doanh nghiệp được giao nhập khẩu nhiều nhất là Petrolimex với hơn 1 triệu m3, tiếp đến là PVOil với gần 489.000m3.