Chủ xe khách liên tỉnh: Chưa kịp vui vì khách hàng ổn định, xăng dầu đã tăng ngất ngưởng

Chinh Hoàng Chủ nhật, ngày 27/02/2022 18:03 PM (GMT+7)
Khác với trước đó, tài xế và chủ xe liên tỉnh (bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh) háo hức khi các tuyến xe đã chạy đều mỗi ngày, khách và hàng hóa dần ổn định, nhưng nỗi lo vẫn hiện hữu khi xăng tăng ngất ngưởng…
Bình luận 0

Ghi nhận tại bến xe Miền Đông, những ngày gần đây, lượng khách và hàng hóa khá tấp nập. Các chuyến xe liên tỉnh tập trung đông đúc trong và ngoài bến.

"Trải qua đợt dịch thứ 4 vừa rồi tại TP.HCM, đến bây giờ tôi mới thấy chuyến xe của mình đầy đủ khách và lượng hàng hóa khá đến như vậy. Tuy nhiên chưa kịp vui mừng thì xăng dầu đang "leo thang" đỉnh điểm, chúng tôi vẫn còn gặp nhiều trở ngại…", một tài xế tuyến xe Bình Định đi bến xe Miền Đông nói.

Tài xế liên tỉnh vừa mừng, vừa lo

Nỗi lo của chủ doanh nghiệp vận tải, tài xế không chỉ dừng lại ở việc không có khách và hàng hóa. Giá xăng dầu "leo thang" ở thời điểm này khiến họ lao đao. Clip: Chinh Hoàng

Ông Huỳnh Đức Mạnh (tài xế xe khách Tín Nghĩa, tuyến Quảng Ngãi - bến xe Miền Đông) chia sẻ: Trừ những tháng dịch Covid-19 hoành hành, nhà xe buộc phải tạm nghỉ. Đầu tháng 10, khi mới bắt đầu hoạt động trở lại, nhà xe Tín Nghĩa hoạt động hết công suất với tổng lượng xe gần 40 chiếc neo đậu khắp các bến ở thành phố.

Chủ, tài xế xe khách liên tỉnh: “Chưa kịp vui vì khách và hàng hóa dần ổn định, xăng dầu tăng ngất ngưỡng” - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Đức Mạnh (tài xế xe khách Tín Nghĩa, tuyến Quảng Ngãi - bến xe Miền Đông). Ảnh: Chinh Hoàng

"Từ trước và sau Tết, khách và hàng hóa đều ổn định. Ra Tết có phần nhỉnh hơn trước vì vé máy bay giá cao, khách ưu tiên chọn đi xe nhiều hơn. Về hàng hóa, doanh nghiệp Tín Nghĩa xưa nay làm ăn mang thương hiệu. Vậy nên, trừ những lúc không dịch bệnh khó khăn, chúng tôi đều không sợ chết đói", ông Mạnh cho biết.

Theo ông Mạnh, xe ông đang lái là loại giường nằm cao cấp 42 chỗ đi và về có giá 590 nghìn đồng. Doanh thu những ngày sau Tết có phần tương đối giảm hơn vì xăng dầu "leo thang". Nhưng bù lại, trên chuyến xe của mình, ông và những đồng nghiệp ai nấy đều tươi cười bởi không còn cảnh đợi chờ khách và hàng như những tháng về trước.

Chủ, tài xế xe khách liên tỉnh: “Chưa kịp vui vì khách và hàng hóa dần ổn định, xăng dầu tăng ngất ngưỡng” - Ảnh 3.

Nhiều tài xế liên tỉnh neo đậu ở bến xe Miền Đông cho rằng: "Không còn cảnh vòng tay đợi khách hay hàng". Ảnh: Chinh Hoàng

"Khách hay hàng đều chưa ổn định lắm, xăng dầu lại cao ngất ngưỡng. Song, chúng tôi vẫn thấy vui vì vẫn có việc để làm. Chúng tôi hoạt động lại ở giữa tháng 11/2021 và tận đến hơn 20 Tết Âm lịch xe mới bắt đầu có khách để chở. Những ngày tháng về trước, đã có lúc tôi định từ bỏ nghề, bán xe để trả nợ…", ông Trương Bích, chủ xe Sáu Tình, tuyến xe Đà Nẵng đi bến xe Miền Đông trải lòng.

Ông Bích là trụ cột của gia đình có 4 thành viên, vợ của ông buôn bán hàng rong ở chợ địa bàn quận Liên Chiểu (Đà Nẵng). Trong 2 người con của ông, bé lớn nhất hiện đang học lớp 6. 

Lý giải về ý định bán xe để trả nợ, ông Bích nói: Làm nghề lái xe đã lâu, ở yên trong nhà suốt mấy tháng trời vì dịch bệnh không có thu nhập, nợ ngân hàng luôn phải trả đúng hạn không sót một đồng lãi. Xe này sắm ra để chạy kiếm lời, phần "đập" lãi ngân hàng, phần trả lương cho nhân viên và nuôi con ăn học. Xe đứng yên, người cũng đói theo nó!

Trên chuyến xe của ông Bích có 2 tài xế luân phiên nhau lái, 2 phụ xe mới trở lại sau Tết. Ông Bích cho biết, trung bình mỗi ngày cao nhất có 25 khách với giá vé 450 nghìn đồng/người. Hàng hóa sụt giảm nhiều so với ngày 20 Tết âm lịch. Tính hết chi phí xăng dầu, lương nhân viên, ông Bích chỉ còn lời chưa đến 1 triệu đồng. Thế nhưng ông vẫn suy nghĩ tích cực: "Có vẫn hơn không".

Điệp khúc nợ ngân hàng, nỗi lo của chủ doanh nghiệp vận tải

Chủ, tài xế xe khách liên tỉnh: “Chưa kịp vui vì khách và hàng hóa dần ổn định, xăng dầu tăng ngất ngưỡng” - Ảnh 5.

Bà Hồ Thị Thu Phượng (chủ nhà xe Phương Sa, tuyến Châu Đức - Bà Rịa Vũng Tàu đi bến xe Miền Đông). Ảnh: Chinh Hoàng

Hầu hết những chủ các hãng xe liên tỉnh neo đậu tại bến xe Miền Đông đều vay nợ ngân hàng sắm xe làm ăn. Không khách, không hàng hóa và trả lãi ngân hàng đúng hạn là điệp khúc khá mệt mỏi của họ.

Bà Hồ Thị Thu Phượng (chủ nhà xe Phương Sa, tuyến Châu Đức - Bà Rịa Vũng Tàu đi bến xe Miền Đông) kể: Trước kia, bà có 4 chiếc xe hoạt động ở bến Miền Đông này. Thời điểm bùng dịch Covid-19 ở TP.HCM, bà Phượng đã bán 2 chiếc để gồng gánh số lãi ngân hàng trước đó.

Bà Phượng cho rằng, tình hình làm ăn nhà xe của mình chỉ mới ở mức tạm ổn thời điểm cận và sau Tết. Hiện nay, bà vẫn đang gặp khó vì giá xăng dầu lại tăng cao chóng mặt.

"Bình quân mỗi tháng tôi trả lãi ngân hàng cho 2 chiếc xe còn lại, khoảng gần 50 triệu đồng. Những khoản thanh toán này phải đủ và đúng hạn, nếu không sẽ bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng. Và tôi là điển hình của những người nộp lãi trễ, phạt là chuyện bình thường", bà Phượng tâm sự.

Chủ, tài xế xe khách liên tỉnh: “Chưa kịp vui vì khách và hàng hóa dần ổn định, xăng dầu tăng ngất ngưỡng” - Ảnh 7.

Ông Võ Anh Tuấn (chủ tuyến xe Sông Ray, Đồng Nai đi bến xe Miền Đông) mừng khi có khách và hàng hóa, lo khi giá xăng cao. Ảnh: Chinh Hoàng

Cùng hoàn cảnh như bà Phượng, ông Võ Anh Tuấn (chủ tuyến xe Sông Ray, Đồng Nai đi bến xe Miền Đông) nhớ lại: Thời điểm khi chưa có dịch Covid-19, ông làm ăn khấm khá bởi vì công ty có 20 chiếc xe đan xen nhau chạy các tuyến lên TP.HCM. 

Trước kia, ông Tuấn có 3 chiếc neo đậu tại bến Miền Đông cùng 6 nhân viên, trong đó có cả lái và phụ xe. Hiện nay, những tuyến khác đã nghỉ xe "đắp chiếu" ở nhà, nhân viên cũng nghỉ xin việc khác để làm.

Chủ, tài xế xe khách liên tỉnh: “Chưa kịp vui vì khách và hàng hóa dần ổn định, xăng dầu tăng ngất ngưỡng” - Ảnh 8.

Ông Tuấn nhận hàng từ người lái xe ôm để mang về Đồng Nai. Ảnh: Chinh Hoàng

Duy nhất chỉ còn mỗi mình ông vừa tài xế kiêm luôn phụ xe. Ông bày tỏ: "Giờ tôi chỉ làm một mình, không có tiền để thuê nhân viên và gánh nặng lớn trên vai với trách nhiệm của người làm cha cùng khoản nợ ngân hàng phải trả". Cũng theo ông Tuấn, tiền vé 2 chiều từ Sông Ray đi bến Miền Đông có giá 56 nghìn đồng. Với mức giá này so với lượng khách và hàng hóa không đồng đều, thêm vào đó giá xăng hiện nay luôn là điều khiến ông đau đầu.

Trả lời Dân Việt chiều 27/2, Phó Giám đốc bến xe Miền Đông Đỗ Phú Đạt cho biết, hiện nay chưa có kế hoạch điều chỉnh giá vé khi giá xăng dầu tăng đối với các doanh nghiệp vận tải liên tỉnh đăng ký tại bến. Ông Đạt nhận định: "Doanh nghiệp vận tải hiện nay có doanh thu phụ thuộc vào tình hình lượng khách và hàng hóa, dĩ nhiên ở thời điểm này chỉ có thể nói là tạm ổn định. Theo số liệu thống kê, lượng khách cùng hàng hóa của các tuyến liên tỉnh khoảng thời gian này đạt 41% so với cùng kỳ mọi năm".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem