Cứ theo tư duy lý trí và thực tế thì ai cũng cho rằng nước Nga sẽ không tấn công Ukraine. Nước Nga vượt trội Ukraine về quân sự nhưng Mỹ và các đồng minh trong khối Phương Tây sẽ trợ giúp Ukraine như có thể được về chính trị, tài chính và quân sự cũng như sẽ tiến hành gây khó dễ tối đa cho Nga, đặc biệt về kinh tế, thương mại và tài chính.
Ngoài ra, nếu Nga thắng trận rồi ở Ukraine nhưng sẽ xử lý hậu quả và hệ luỵ của cuộc chiến ở đó như thế nào. Một khi chiến tuyến quân sự đã được thiết lập, bạn thù đã được xác định thì tác dụng và hiệu ứng của cuộc chơi với cảnh báo và răn đe, với chiến tranh tâm lý và thông tin không còn nữa. Lợi trước không đủ để cân đối cái hại sau về lâu dài đối với nước Nga.
Nhưng ông Putin đã quyết định tấn công Ukraine trong khuôn khổ hoạt động quân sự mà ông định nghĩa là "chiến dịch quân sự đặc biệt". Không cần phải đợi đến khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự này mà chỉ việc ông Putin công nhận hai vùng lãnh thổ ly khai ở miền đông Ukraine (Luhansk và Donezk) là nhà nước độc lập, tổng thống Mỹ Joe Biden đã coi đấy là hành động của Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine. Vì mọi bước đi đều đã được phía Nga chuẩn bị kỹ càng và bài bản từ trước đấy nên không thể có chuyện ông Putin không ý thức được đầy đủ mọi cái lợi cũng như bất lợi đối với nước Nga từ mỗi bước đi, đặc biệt từ việc tấn công Ukraine hay chiến tranh với Ukraine.
Vì thế, việc ông Putin không dừng lại mà dấn tiếp xem ra có thể có những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, đấy là quyết sách theo tư duy quyền lực của người nắm giữ quyền lực tuyệt đối ở Nga. Tư duy ấy dẫn đến chủ tâm sử dụng sức mạnh và ưu thế quân sự hiện có để đạt được mục đích trong quan hệ quốc tế. Chắc chắn ông Putin và cộng sự đã tin rằng trong bối cảnh và cục diện tình hình hiện tại ở châu Âu, phía Nga có làm gì Ukraine thì Mỹ, NATO và đồng minh cũng sẽ không cứu Ukraine bằng cách tham chiến trực tiếp chống Nga ở Ukraine mà chỉ có thể trừng phạt Nga và trợ giúp tài chính cũng như quân sự cho Ukraine.
Thứ hai, ông Putin cho rằng hiện tại là thời cơ và thời điểm thích hợp để giải quyết dứt điểm "vấn đề Ukraine" đối với nước Nga. Giải quyết dứt điểm ở đây thể hiện trên 3 phương diện. Một là, ông Putin có quan điểm rất đặc biệt về nguồn gốc nhà nước Ukraine hiện tại, về mối gắn kết lịch sử giữa Nga và Ukraine, hàm ý nhìn nhận phần lớn lãnh thổ hiện tại của Ukraine vốn thuộc về Đế chế Nga khi xưa. Quan điểm này của ông Putin bị Phương Tây kịch liệt phê phán và lên án. Nhưng ông Putin coi đó là bất cập lịch sử và bây giờ chủ ý khắc phục nó. Hai là ông Putin muốn tạo sự đã rồi ở Ukraine và liên quan đến Ukraine để đất nước này vĩnh viễn không thể gia nhập NATO, để NATO không thể dùng Ukraine đe doạ trực tiếp an ninh của Nga và ai cầm quyền ở Ukraine từ nay cũng đều không thể theo đuổi chính sách thù địch Nga. Ba là, Nga muốn có đất nước Ukraine khác với lâu nay về ranh giới địa lý và chính trị làm một trong những thành tố của trật tự hoà bình và cấu trúc an ninh chung mới cho châu Âu.
Thứ ba, ông Putin phản ứng về việc Mỹ, NATO và đồng minh không những không quan tâm thoả đáng đến những quan ngại mới của Nga về an ninh, thể hiện trong những điều kiện và yêu cầu của Nga đối với Mỹ và NATO, mà chỉ xoáy vào việc tiếp tục trừng phạt Nga để buộc Nga không mưu tính tấn công Ukraine. Xem ra, ông Putin cho rằng phía bên kia đã đánh giá quá thấp quyết tâm của ông Putin lần này làm thay đổi trật tự hoà bình và cấu trúc an ninh chung lâu nay ở châu Âu mà ông nhìn nhận rất bất lợi và tiềm ẩn nguy cơ an ninh đối với nước Nga. Ông Putin hành động quân sự ở Ukraine nhưng thông điệp chính lại được phát đi nhằm tới Mỹ và NATO.
Thứ tư, ông Putin ở trong tình thế chỉ có thể tiếp tục dấn tới chứ không có đường lùi sau tất cả những gì đã chuẩn bị và triển khai, phát ngôn và hành động liên quan đến Ukraine và hai vùng lãnh thổ ly khai ở miền đông Ukraine.
Bây giờ, một thời kỳ lịch sử mới đã bắt đầu ở châu Âu. Không ai dám chắc thời kỳ này kéo dài bao lâu và tốt xấu như thế nào đối với châu lục.