So với nhiều loài động vật, tuổi thọ của ve sầu đặc biệt ngắn ngủi. Loại sinh vật này thường chỉ sống được vài tháng dưới ánh nắng mặt trời, mỗi khi gió mùa Thu tới cũng là thời điểm tận cùng trong sinh mệnh của chúng. Mặc dù ve sầu là một loài côn trùng không đáng chú ý, nhưng nó lại để lại hình ảnh khá tốt đẹp và tích cực đối với con người qua các thời đại.
Cổ nhân có câu "Kim thiền thoát xác" (ve sầu thoát xác), thực ra trước khi thoát xác, ve sầu (ở dạng ấu trùng) sẽ ngủ yên trong lòng đất 5, 7 năm thậm chí lâu hơn, chỉ để một ngày 'trỗi dậy', báo hiệu một mùa Hè ồn ào.
Người xưa đã coi ve sầu là một trong những yếu tố của tang lễ từ rất sớm. Phổ biến nhất là người ta sẽ đặt những con ve bằng ngọc được chế tác cẩn thận vào miệng của người đã khuất rồi chôn chung. Họ tin rằng làm như vậy sẽ khiến những người đã chết giống như ve sầu, được tái sinh sau khi nằm dưới lòng đất. Từ những quan niệm mang tính tín ngưỡng như vậy, ve sầu đã liên tục xuất hiện trong các ngôi mộ cổ ở Trung Quốc.
Mộ cổ gồm thi hài của một người đàn ông và bốn người phụ nữ
Văn hóa tang lễ là một phần rất quan trọng trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Từ xa xưa người Trung Quốc cổ đại đã rất coi trọng văn hóa này, mọi lời nói, việc làm, cử chỉ trong đám tang đều phải tuân theo nghi thức.
Chế độ và quy mô của mộ táng cũng có sự khác biệt giữa các tầng lớp người dân khác nhau. Ví dụ, trong một số thời kỳ, khi tục tuẫn táng (chôn cùng) thịnh hành, thì số lượng người tùy táng cùng hoàng đế và số lượng người tùy táng cùng chúa cũng không giống nhau. Đối với dân thường thì hầu như không có chế độ tuẫn táng, hình thức phổ biến nhất là phu thê hợp táng.
Phong tục phu thê hợp táng đã có từ xa xưa, có thể bắt nguồn từ xã hội nguyên thủy, giống như ngôi mộ trên đây được các chuyên gia phát hiện ở huyện Wu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Rõ ràng đây là một ngôi mộ hợp táng phu thê. Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia ngạc nhiên là trong lăng mộ có tới 4 người phụ nữ và chỉ có một người đàn ông. Nếu tất cả những người phụ nữ này đều là bạn đời của người đàn ông, vậy thì thân phận của người chủ lăng mộ không hề tầm thường, nhất định nếu không giàu có thì phải có quyền uy. Sau khi tiến hành nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn, các chuyên gia mới 'ngã ngửa' khi biết rằng quả nhiên thân phận của người đàn ông không hề tầm thường. Ông là Trương An Vãn, một vị tiến sĩ của nhà Minh.
Người xưa vốn có câu ngạn ngữ "Tam thập lão minh kinh, ngũ thập thiếu tiến sĩ" – 30 tuổi mới thi Minh kinh (khoa cử dưới thời Hán Vũ Đế) là quá già, nhưng 50 tuổi mà thi đỗ tiến sĩ thì vẫn còn trẻ. Ngụ ý rằng thi Minh Kinh thì dễ, thi đỗ tiến sĩ mới khó và hiếm. Bởi vậy mà không thể phủ nhận, cho dù ở triều đại nào thì tiến sĩ đều là những người đứng trên đỉnh kim tự tháp. Bởi vậy, với học vị và danh tiếng, Trương An Vãn không chỉ có thể cưới được vợ, mà còn có thể đường đường chính chính nạp thêm ba thiếp. Đồng thời, xét theo vị trí quan tài của bốn người trong mộ, được bốn người bạn đời vây quanh bầu bạn, có thể thấy Trương An Vãn cùng vợ và thê thiếp đã có một mối quan hệ tương đối tốt đẹp và hài hòa.
Xuất hiện kim thiền đậu trên lá ngọc
Ai cũng cho rằng Trương An Vãn là một nhân vật có quyền thế trong triều đình, nên sẽ có rất nhiều vật phẩm quý giá tùy táng trong lăng mộ của ông. Tuy nhiên, trong quá trình khai quật, các chuyên gia cảm thấy khá ngỡ ngàng khi lăng mộ của Trương An Vãn không có gì nổi bật.
Trên thực tế, điều này cũng có thể nằm trong dự đoán của họ. Bởi vì trong một số thời kỳ đặc biệt dưới triều Minh, phong cách liêm chính chốn quan trường trở nên thịnh hành. Đồng thời yêu cầu của hoàng đế đối với các quan chức trong triều vô cùng nghiêm ngặt. Bởi vậy mà mới xuất hiện những vị đại quan trung thực liêm chính nổi tiếng như Hải Thụy.
Ngay khi các nhà khảo cổ học cảm thấy hụt hẫng, một phát hiện bất ngờ lại khiến họ lập tức hưng phấn trở lại. Hóa ra là mặc dù đồ tùy táng của Trương An Vãn không có gì đáng chú ý, nhưng trên đầu của một vị thiếp lại đặt một bảo vật.
Đây là một bảo bối làm bằng vàng và ngọc với độ chế tác vô cùng tinh xảo, chia làm hai phần, phía trên là một con ve sầu bằng vàng, mặc dù kích thước không lớn nhưng mức độ tinh xảo và kỹ thuật chế tác tỉ mỉ của nó khiến những người từng trải như các chuyên gia cũng phải sáng mắt lên trầm trồ.
Con ve sầu có đôi cánh chuẩn bị dang rộng, hai hàng chân đang bò được chạm khắc sinh động như thật. Chất liệu chế tác bằng vàng không chỉ làm cho ve sầu mang đậm khí chất cao quý, mà còn vô cùng rực rỡ khi đặt dưới ánh sáng.
Phía dưới của ve sầu là một chiếc lá màu trắng ngà, được trau chuốt chế tác tỉ mỉ từ Dương chi bạch ngọc, một loại đá quý hiếm cực phẩm. Kỹ thuật chạm khắc tinh xảo thể hiện trên những đường vân lá âm dương xen kẽ, khiến chiếc lá ngọc trở nên vô cùng ảo diệu. Cặp đôi "kim thiền ngọc diệp" này đã khiến giới chuyên môn càng cảm thấy độ trân quý của nó. Tuy nhiên, ai cũng tò mò, tại sao một bảo vật quý giá như vậy lại chỉ xuất hiện trên thân thể của một vị thiếp?
Các chuyên gia suy đoán rằng, "kim thiền ngọc diệp" này có thể không phải là một đồ tùy táng đơn thuần, nó có thể là vật trang trí trên tóc của người phụ nữ, sau đó được chôn cất cùng chủ nhân có thể chỉ nhằm mục đích làm đẹp chứ không như ý nghĩa truyền thống về việc cầu mong cho người chết an nghỉ dưới lòng đất và nhanh chóng tái sinh.
Tuy rằng Trương An Vãn là một tiến sĩ, nhưng trong lăng mộ của ông không có nhiều bảo vật quý hiếm, duy chỉ có cặp kim thiền ngọc diệp này là một bảo bối đáng giá nhất. Tuy nhiên, nó lại chỉ được một người thiếp nắm giữ, đến chính thất chưa từng có được. Có thể thấy, khi còn sống Trương An Vãn đã rất yêu thương cưng chiều người thiếp này. Có thể tình yêu này là tình yêu đích thực như thời hiện đại, chứ không phải loại tình yêu chiếm hữu theo quan niệm phong kiến.
Nếu những suy đoán của các chuyên gia là đúng, thì Trương An Vãn quả thật là một người đàn ông đáng quý. Bởi lẽ thời cổ đại luôn phổ biến quan niệm trọng nam khinh nữ, rất nhiều đàn ông không có tình yêu thương với chính thê thiếp của họ, đa số chỉ là niềm vui sau khi mong muốn chiếm hữu được thỏa mãn. Vì vậy, địa vị của tiểu thiếp ở thời cổ đại vô cùng thấp những gì họ nhận được trong gia đình không bao giờ có thể so sánh với chính thất. Bởi vậy có thể cho rằng Trương An Vãn đã phá bỏ những tư tưởng phong kiến thời đó.
Con ve vàng và chiếc lá ngọc bích được khai quật từ ngôi mộ cổ ở Giang Tô này là một báu vật quý hiếm. Nó không chỉ tinh tế trong việc lựa chọn nguyên liệu, tinh xảo trong nghĩ nghệ trạm khắc, mà suy luận kỹ hơn, nó còn có thể là dấu hiệu cho những manh nha giải phóng tư tưởng phong kiến vào thời nhà Minh. Bởi vậy kim thiền ngọc diệp có ý nghĩa phi phàm và đáng quý. Các chuyên gia ước tính giá trị của bảo bối này ít nhất là 900 triệu nhân dân tệ (khoảng 3254 tỷ đồng). Hiện nó đã được lưu giữ ở Bảo tàng Nam Kinh và tiếp tục nhiệm vụ kể lại câu chuyện thời nhà Minh cho toàn nhân thế.