Clip: Mô hình chăn nuôi tổng hợp "đa con" của anh Lò Văn Nghĩa, bản Ba Nhất 1, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có nguồn thu hàng năm lên tới hàng trăm triệu đồng. Có 4 loài vật chính được gia đình anh Nghĩa nuôi là con nhím, con trâu, con bò, con lợn.
Từ sự giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Thôm Mòn (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Lò Văn Nghĩa (SN 1987) ở bản Ba Nhất 1, xã Thôm Mòn.
Đây là mô hình nuôi nhím – con đặc sản có thân mình đầy gai nhọn như kim kết hợp nuôi trâu, nuôi bò nhốt chuồng và nuôi lợn thương phẩm.
Tìm đến bản Ba Nhất 1, hỏi nhà anh Nghĩa ở đâu, người dân nơi đây không ai là không biết. Ngôi nhà anh Nghĩa nằm cách quốc lộ 6 khoảng 500 mét. Đó là một ngôi nhà sàn khang trang mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc của người Thái.
Trò chuyện với anh Nghĩa, được biết, anh sinh ra và lớn lên ở vùng đất Thôm Mòn. Ngày xưa, bố mẹ anh chủ yếu làm ruộng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, ngay từ khi còn là một cậu học sinh cấp 3, cái máu làm giàu từ nông nghiệp đã luôn thôi thúc anh Nghĩa khởi nghiệp ngay trên chính mảnh đất mình sinh ra.
Khác với những người bạn cùng trang lứa, sau khi tốt nghiệp cấp 3, năm 2006, anh Nghĩa không theo học đại học mà ở nhà để thực hiện ước mơ làm giàu của mình.
Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, qua tìm hiểu, anh Nghĩa lựa chọn nuôi lợn thương phẩm để phát triển kinh tế. Ban đầu do gặp khó khăn về vốn nên anh Nghĩa chỉ nuôi 2 con lợn nái. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật chăn nuôi, đến nay, anh Nghĩa có 8 con lợn nái và 20 con lợn thịt.
Không chỉ nuôi lợn thịt, anh Nghĩa còn nuôi trên 50 con nhím thịt. Theo anh Nghĩa, nuôi nhím dễ thực hiện, chi phí bỏ ra ít, phù hợp với điều kiện của gia đình. Năm 2018, anh Nghĩa mạnh dạn đầu tư xây chuồng trại và chi hàng chục triệu đồng mua khoảng 30 con nhím từ 20 đến 30 ngày tuổi về nuôi.
Sau hơn 6 - 7 tháng nuôi, trung bình mỗi con nhím của gia đình anh Nghĩa đạt trọng lượng từ 10 – 12 kg. Bằng một số mối quan hệ trong làm ăn, anh Nghĩa đã tìm được đầu ra cho đàn nhím của gia đình. Đó là thị trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo anh Nghĩa, khi nào nhím đủ trọng lượng xuất bán chỉ cần gọi điện, thương lái ở Hà Nội sẽ đánh xe lên tận chuồng trại để bắt cả đàn.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi nhím, anh Nghĩa cho biết: Nhím là loài ăn tạp nên thức ăn rất dễ kiếm. Hầu như tất cả các loại rau, củ, quả nhím đều ăn. Mặt khác, nhím có sức đề kháng cao, rất ít bệnh nên rất dễ nuôi.
Để nhím sinh trưởng và phát triển tốt, cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo. Trung bình mỗi ngày vệ sinh một lần. Bên cạnh đó, nhím thường hay cắn nhau, bởi vậy anh Nghĩa mua thêm xương trâu, bò cho nhím gặm.
Bên cạnh đó, năm 2018, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng thịt trâu, bò tăng cao, anh Nghĩa đầu tư nuôi hơn 10 con trâu, bò theo phương thức vỗ béo. "Nuôi trâu, bò vỗ béo khá đơn giản.
Bởi thức ăn để vỗ béo chủ yếu là rau, cỏ voi, ngô, rơm; bổ sung thêm thức ăn tinh cám ngô, sắn. Mặt khác, cần tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại", anh Nghĩa tiết lộ kỹ thuật nuôi trâu, bò vỗ béo.
Anh Nghĩa cho biết: Với giá từ 200 – 230 nghìn đồng/kg, mỗi năm tôi xuất bán được 2 lứa nhím thịt, mỗi lứa lãi khoảng 100 triệu đồng. Cùng với đó, xuất được 4 tấn lợn thịt và vài con trâu, bò. Từ nuôi nhím, lợn và trâu, bò, tôi thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lường Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Thôm Mòn (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) cho hay: Anh Lò Văn Nghĩa là một trong những hộ dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh được cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Đây không chỉ là mô hình giúp gia đình anh Nghĩa nâng cao thu nhập mà còn là hướng đi giúp bà con nông dân nơi đây học tập, làm theo; góp phần giúp người nông dân từng bước nâng cao thu nhập.