Nuôi lung tung, trồng đủ thứ, chàng công nhân cao su ung dung "bỏ túi" trăm triệu/năm
Nuôi lung tung, trồng đủ thứ, chàng công nhân cao su tỉnh Kon Tum "bỏ túi" trăm triệu/năm
Hoàng Lộc
Thứ bảy, ngày 29/01/2022 14:30 PM (GMT+7)
Bên cạnh làm công nhân cao su, anh Tiến (huyện H'Dai, tỉnh Kon Tum) còn phát triển thêm chăn nuôi như hươu sao, bò sinh sản, dúi và trồng các loại cây kinh tế khác. Với sự cần cù, chịu khó, gia đình anh "bỏ túi" hàng trăm triệu mỗi năm từ việc chăn nuôi và trồng trọt.
Được sự giới thiệu của UBND xã Ia Dom (huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum), chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Xuân Tiến (trú tại thôn 4, xã Ia Dom) - một trong những hộ nông dân làm kinh tế giỏi của địa phương.
Trò chuyện với PV Dân Việt, anh Tiến cho biết, vào năm 2006, anh rời quê hương ở huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) vào xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (năm 2015 sau khi huyện Ia H'Drai được thành lập thì một phần xã Mô Rai tách ra trở thành xã Ia Dom) làm công nhân cao su cho Công ty TNHH MTV 78 (Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng).
Vợ chồng anh nhận khoán chăm sóc hơn 5 ha cao su cho công ty. Do đặc thù công việc, nên ngay từ 1h sáng, hai vợ chồng anh phải thức dậy đi cạo mủ cao su cho đến 5h sáng. Ban ngày, hai vợ chồng đi trút mủ và chăm sóc cây cao su. Với công việc này, mỗi tháng hai vợ chồng thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, đối với anh Tiến, công việc làm công nhân cao su khá nhàn rỗi, bên cạnh đó điều kiện kinh tế gia đình còn gặp khá nhiều khó khăn nên anh luôn ấp ủ giấc mơ vươn lên thoát nghèo. "Chính vì vậy, tôi suy nghĩ trăn trở xem nên trồng thêm, con gì, cây gì phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và đặc biệt cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã lên mạng tìm hiểu các mô hình kinh tế", anh Tiến nói.
Tình cờ trên mạng, anh Tiến biết được về mô hình chăn nuôi hươu sao lấy nhung và sinh sản. Sau khi tìm hiểu về các quy trình kỹ thuật nuôi hươu và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Ia H'Drai, anh nhận thấy đây là vật nuôi phù hợp.
Do vậy, đến năm 2016, anh quyết định mua 2 cặp hươu sao giống ở huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) về nuôi với tổng số tiền là 50 triệu đồng. Nhờ nắm bắt tốt các quy trình kỹ thuật, sau 6 năm nuôi, đàn hươu sao của gia đình anh sinh trưởng tốt và đã đạt được 20 con. Trong đó, có 10 hươu đực cho lấy nhung, còn lại là hươu cái để sinh sản bán giống. Trung bình mỗi năm, mỗi con hươu đực cho ra 1 cặp nhung với mức giá từ 7-8 triệu/cặp, còn con hưu giống có giá khoảng 10-15 triệu/con.
Ngoài ra, hiện nay anh Tiến còn nuôi thêm 6 con bò vỗ béo và bò sinh sản. Mỗi năm, anh xuất bán khoảng 3-4 con làm thịt thương phẩm và bán bò giống với mức giá từ 10-20 triệu/con. Ngoài ra, anh đang nuôi thử nghiệm 40 con dúi sinh sản và dúi thịt.
"Hươu sao và dúi đều bắt nguồn từ hoang dã nên nuôi rất dễ. Đặc biệt là hươu, tôi không phải chăn thả như trâu bò mà chỉ việc nhốt trong chuồng. Nguồn thức ăn dành cho các loài động vật này cũng rất đa dạng, tôi đều lấy ở ngoài tự nhiên như cỏ voi, rau lá rừng, ngô, chuối,... nên không tốn nhiều chi phí mua thức ăn", anh Tiến chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, anh Tiến còn đầu tư phát triển thêm 4 ha cao su, cây ăn quả như sầu riêng, bưởi, cam, chanh…Từ chăn nuôi và trồng trọt, mỗi năm gia đình anh Tiến thu nhập gần 250 triệu đồng sau khi trừ các chi phí.
Nhận xét về anh Tiến, ông Võ Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Ia Dom (huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) cho biết: "Anh Tiến là người tiên phong của huyện trong việc chăn nuôi một số mô hình như hươu sao, nuôi dúi. Ngoài việc làm công nhân cao su, anh còn siêng năng, luôn luôn tìm hiểu và phát triển thêm một số mô hình kinh tế để cải thiện thu nhập cho gia đình. Không những vậy, anh còn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt cho bà con nhân dân trong xã. Chúng tôi đang đề xuất lên UBND tỉnh Kon Tum để chọn anh Tiến làm tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương".
CLIP: Thăm chuồng nuôi "lung tung" của gia đình anh Nguyễn Xuân Tiến (thôn 4, xã Ia Dom, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum). Thực hiện: Hoàng Lộc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.