Ông Bùi Quốc Yên - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề & HTND Quảng Nam (gọi tắt Trung tâm) cho biết: Trung tâm được thành lập cuối tháng 10/2003, trực thuộc Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam, chủ yếu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thực hiện các dịch vụ hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp; liên kết tư vấn tuyển sinh, đào tạo xuất khẩu lao động và du học nước ngoài… Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu chưa đáp ứng cho việc đảm bảo mở rộng các hoạt động dạy nghề và HTND.
Trước tình hình trên, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã thống nhất đầu tư triển khai dự án nâng cấp bổ sung trang thiết bị cho Trung tâm với tổng kinh phí gần 25 tỷ đồng. Trung tâm được khởi công xây dựng vào tháng 11/2015 với diện tích 6.483m2, gồm các hạng mục công trình như: Khối nhà ký túc xá 3 tầng, khối hội trường 2 tầng và khối nhà ăn; cải tạo công trình cũ, các công trình phụ trợ, bổ sung trang thiết bị nội thất và trang thiết bị dạy nghề…
"Sau thời gian xây dựng, cải tạo, Trung tâm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2019. Đến nay các lớp dạy nghề do Trung tâm triển khai thực hiện đã được đông đảo học viên nghiêm túc tham gia và đánh giá chất lượng, hiệu quả.
Hằng năm, Trung tâm đã mở từ 80 - 90 lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với 2.800 - 3.100 học viên tham gia, chiếm 50% số lượng lao động nông thôn và các lớp nghề được tổ chức tại cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp các học viên có thể tham gia đầy đủ. Hơn 85% các học viên qua đào tạo nghề đã có việc làm hoặc tự tổ chức việc làm, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đối với dịch vụ hỗ trợ nông dân như cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo, hộ nông dân khó khăn thiếu vốn, cung ứng cây giống có chất lượng, cung ứng máy nông cụ,... Kết quả, hằng năm Trung tâm đã cung ứng hơn 4.500 tấn phân bón và 65.000 cây giống các loại như cam, xoài, ổi, bưởi, sầu riêng, măng cụt.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp đào tạo nghề trình độ Trung cấp và Cao đẳng nghề với các Trường Cao đẳng nghề Dung Quất (Quảng Ngãi), Trường Trung cấp Vinashin (Đà Nẵng), Trường Nông lâm (Bình Định) được 542 học sinh, sinh viên. Liên kết với Công ty TNHH May Phước Như triển khai công tác dạy nghề cho lao động và bố trí việc làm cho lao động sau đào tạo", ông Yên nhấn mạnh.
Phát biểu tại lễ bàn giao, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính đánh giá cao về công tác quản lý xây dựng, cải tạo lại Trung tâm. Kể từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng và qua kết quả báo cáo thì hoạt động của Trung tâm rất phát triển, nhất là các hoạt động hỗ trợ cho nông dân, hội viên trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam.
"Nhờ kết quả đó đã nâng cao vị thế, vai trò tổ chức Hội. Nhất là các hoạt động đi vào thực chất, có chất lượng, có sản phẩm đầu ra và học viên có việc làm ngay sau khi học nghề.
Nhìn chung, các hoạt động của Trung tâm được triển khai trên phương châm "đồng hành cùng nông dân trong quá trình sản xuất" và "chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ" trước tổ chức Hội và hội viên. Các hoạt động của Trung tâm luôn đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu trong quá trình cung ứng các dịch vụ hỗ trợ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức cơ sở Hội và hội viên đánh giá cao, được đông đảo hội viên nông dân tích cực hưởng ứng, đồng tình và tin tưởng tham gia.
Với việc làm này, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của Trung tâm cùng là cánh tay nối dài của tổ chức Hội Nông dân, thể hiện rõ chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân; tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh và đời sống", Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính, sau khi bàn giao xong, đây là tài sản của tỉnh Quảng Nam, chính vì thế Trung tâm cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các ban, đơn vị, Hội Nông dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình với Trung tâm để làm sao mà hoạt động của Trung tâm ngày càng đáp ứng nhu cầu của nông dân, hội viên.
"Nhân đây, tôi cũng đề nghị các mô hình, dự án, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam tiếp tục nghiên cứu chuyển giao dần sang cho Trung tâm thực hiện.
Chúng ta làm vậy vừa phát huy được hiệu quả của trung tâm vừa đúng chức năng nhiệm, tránh việc "vừa đá bóng, vừa thổi còi" nhằm giúp Trung tâm sớm hoàn thiện cơ sở vật chất, phục vụ tốt nhất các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân. Đặc biệt, tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp nhằm giới thiệu sản phẩm đến đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh. Nhất là các sản phẩm OCOP và sản phẩm có thế mạnh của nông dân, doanh nghiệp sản xuất ra", ông Đính nhấn mạnh.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: "Trung tâm được xây dựng rất kiêng cố, nằm ngay vị trí đẹp của Tam Kỳ. Xây dụng trung tâm đẹp không phải để ngắm mà cần phát huy được công năng hơn nữa, đặc biệt là về công tác dạy nghề, theo tôi cần mở rộng đến tận miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm giúp nông dân, hội viên ổn định được cuộc sống, phát huy được sự phát triển của trung tâm".