Trồng na bở đặc sản trên cao nguyên đá, một chi hội nông dân Hà Giang thu 4 tỷ
Trồng na bở đặc sản trên cao nguyên đá, nhiều mô hình Chi, Tổ Hội nông dân Hà Giang thu tiền tỷ
Minh Ngọc
Thứ hai, ngày 28/02/2022 18:30 PM (GMT+7)
Nhờ triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 04 ngày ngày 5/8/2019 của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các Chi, Tổ Hội, HTX trồng na bở đặc sản, cam đặc sản... của tỉnh Hà Giang đã có thu nhập tiền tỷ.
Trồng na bở đặc sản trên cao nguyên đá, chi hội thu 4 tỷ
Ngày 13/10/2020, Chi Hội nghề nghiệp trồng na phường Quang Trung, thành phố Hà Giang đã được thành lập. Hiện nay, Chi Hội có 60 thành viên, với diện tích 30ha, hoạt động trồng và kinh doanh cây na giống và sản phẩm na quả.
Chị Trần Thị Hằng, thành viên Chi Hội trồng na phường Quang Trung cho biết, gia đình chị đang trồng 1,5ha giống na bở cho thu nhập 150 triệu đồng/vụ.
"Trồng giống na bở lúc nào cũng bán được giá cao hơn so với na dai, khi xuất hàng về xuôi cho thương lái, đều được khách hàng khen tíu tít. Trồng na bở tương đối đơn giản, không kỳ công như trồng các loại cây ăn trái khác. Bận rộn nhất là thời gian làm cỏ, cũng ít khi phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, bởi cây na ít sâu bệnh. Từ khi bắt đầu trồng, sau 3 đến 4 năm là cây cho trái", chị Hằng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Chi Hội trưởng Chi Hội trồng na phường Quang Trung chia sẻ, Chi Hội đã tích cực tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ thành viên; chủ động tìm địa chỉ cung cấp phân bón, cây giống cho các thành viên; xây dựng nhãn, mác để quảng bá thương hiệu cho sản phẩm na của địa phương. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện các bước chăm sóc đúng quy trình nên chất lượng quả na ngày càng được nâng cao, mẫu mã đẹp và tiêu thụ tốt.
Năm 2021, Chi Hội đạt doanh thu trên 4 tỷ đồng, lợi nhuận hộ có thu nhập cao nhất từ 200 - 210 triệu đồng/vụ, hộ thấp nhất từ 65 - 70 triệu đồng/vụ.
Đánh giá về hoạt động của Chi, Tổ hội nông dân nghề nghiệp các huyện, thành phố trong tỉnh, ông Trần Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang khẳng định, các Chi, Tổ Hội đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả, tạo sự gắn kết hội viên có chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, tạo thương hiệu, sức cạnh tranh hàng hóa ra thị trường.
Điển hình là Hội nông dân huyện Bắc Quang thành lập 9 Chi hội, 10 Tổ hội nghề nghiệp với trên 200 thành viên tham gia, ngành nghề chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Tính đến ngày 31/12/2021, toàn tỉnh Hà Giang có số Chi Hội nông dân nghề nghiệp được thành lập là 13 Chi Hội, với 246 thành viên; 157 Tổ Hội với 1.511 thành viên.
Xây dựng mô hình Chi, Tổ Hội nông dân giúp nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Hội
Huyện Bắc Quang có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển cây cam. Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã thành lập các Chi, Tổ Hội nông dân trồng cam mang lại hiệu quả cao. Điển hình là Chi Hội nghề nghiệp trồng cam thôn Vĩnh Ban, xã Vĩnh Phúc với 35 thành viên, quy mô diện tích gần 40ha, năng suất bình quân 12 tấn/ha, tổng sản lượng trên 429 tấn, doanh thu ước đạt 4,2 tỷ đồng/năm.
Ngày 24/2/2021 Tổ Hội nghề nghiệp trồng cam thôn Vĩnh Ban, xã Vĩnh Phúc cũng đã được thành lập với 20 thành viên tham gia.
Để hỗ trợ Tổ Hội nghề nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Hà Giang đã giải ngân cho vay tổng số tiền 600 triệu đồng nguồn Trung ương ủy thác để thực hiện mô hình dự án thâm canh cam theo hướng VietGAP.
Bên cạnh việc kết hợp với đầu tư nguồn vốn cho vay, Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Hà Giang đã tổ chức buổi tập huấn, hướng dẫn quy trình thực hành sản xuất VietGAP cho cây cam. Thông qua hoạt động này đã giúp các hộ thành viên tham gia vay vốn thực hiện mô hình dự án, nắm chắc hơn về KHKT, đầu tư sử dụng vốn vay hiệu quả; đồng thời góp phần nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu cam của Hà Giang.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang Trần Xuân Thủy, Hội Nông dân tỉnh luôn xác định mô hình Chi, Tổ Hội nông dân nghề nghiệp là chủ trương lớn trong việc nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Hội, là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội, do đó khi các Chi, Tổ Hội được thành lập Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân sẽ khảo sát và cho hội viên vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân nếu có nhu cầu.
Tính đến nay đã có 8 Chi, Tổ Hội vay vốn với số tiền 3,8 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ sở Hội, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đã giao cho Hội nông dân trực tiếp thực hiện một số mô hình phát triển kinh tế-xã hội, số tiền hỗ trợ trên 1 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc mới đây tại xã Ngam La, huyện Yên Minh (Hà Giang), Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính nhấn mạnh, thông qua mô hình Chi, Tổ Hội nghề nghiệp sẽ nâng cao thu nhập, đời sống cho hội viên nông dân. Bên cạnh đó, sử dụng nguồn lực được hỗ trợ có hiệu quả.
"Các mô hình phải gắn với việc thành lập Chi, Tổ hội nghề nghiệp. Thông qua hoạt động của Chi, Tổ hội nghề nghiệp từng bước vận động thành lập Tổ hợp tác, HTX, đúng như tinh thần của Nghị quyết số 04 của TƯ Hội NDVN", Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.