Dân Việt

Diễn viên điện ảnh, kiến trúc sư, giám đốc doanh nghiệp đi học kinh doanh nông sản

Bùi Phụ 03/03/2022 06:28 GMT+7
Những ngày đầu tháng 3/2022, PV Dân Việt được tham gia một khóa học ngắn ngày về kết nối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, phương thức kinh doanh và đặc biệt là tiêu thụ các sản phẩm và nông sản do nông dân làm ra…

Diễn viên điện ảnh học kinh doanh nông sản

Khóa học phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam do Công ty OBC (One Business Connection tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tổ chức tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận) có hơn 100 vị giám đốc điều hành và quản lý doanh nghiệp khắp mọi miền đất nước tham dự.

Chúng tôi thật bất ngờ khi khóa học còn có nhiều vị giám đốc thành đạt của các công ty có thương hiệu và những diễn viên điện ảnh nổi tiếng, người khuyết tật đến từ Tây Nguyên và cả những nghệ nhân người Chăm ở Làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận)…

Diễn viên điện ảnh, kiến trúc sư, giám đốc doanh nghiệp đi học kinh doanh nông sản - Ảnh 1.

Diễn viên Trường Thịnh đang thảo luận cùng giám đốc các doanh nghiệp khác tại lớp học. Ảnh BP

Một trong những người tham gia khóa học là diễn viên điện ảnh Trường Thịnh (đã đóng các bộ phim: Như một huyền thoại, Giã từ dĩ vãng, Sương gió biên thùy, Nắng ở trên đầu, Xe lăn, Họ từng chung kẻ thù, Hạt bụi hạt đời, Xóm cũ, Hoa dã quỳ, Dưới một mái nhà, Nơi chốn ta trở về,…)

Trao đổi với PV Dân Việt, diễn viên Trường Thịnh cho biết, sỡ dĩ anh đăng ký khóa học này nhằm mục đích được kết nối với các doanh nghiệp từ khắp mọi miền đất nước để tiêu thụ nông sản của nông dân. Bởi hiện tại Trường Thịnh đang thu mua và tiêu thụ mặt hàng rong nho (sản phẩm thiên nhiên do nông dân nuôi trên biển) và trà bồ công anh.

“Dù là diễn viên điện ảnh nhưng tôi lúc nào cũng hướng về vùng nông thôn và đặc biệt các mặt hàng nông sản do bà con nông dân làm ra. Đọc báo nghe thông tin nông sản bà con cực khổ làm ra nhưng rớt giá tôi xót xa lắm. Mới nhất là nghe thanh long giá thấp, bà con nông dân thua lỗ tôi thương lắm anh ạ! Bởi vậy lần này quyết đi học thêm để bổ sung phần kiến thức cùng góp một phần nhỏ tìm đầu ra cho nông sản của bà con khắp vùng miền đất nước…”.    

Tham dự lớp học có chị Nguyễn Thị Tố Nhi, là giám đốc của nhà hàng Vườn Bia (TP.Phan Thiết) cùng chồng là kiến trúc sư Thái Hoàng Long, Giám đốc Cty TNHH Thiết Kế Xây Dựng Life Space.

Chị Nhi cho biết, hai vợ chồng khởi nghiệp nhà hàng từ 10 năm về trước. Hai năm qua do dịch Covid-19 nên mọi việc “bếp bênh, chênh vênh” nên hai vợ chồng ý định chuyển hướng kinh doanh mới. Nhận thấy quê hương Bình Thuận có nhiều đặc sản biển và nông sản mà cả nước và thế giới đều thích như trái thanh long, gạo hữu cơ Tánh Linh. Trước đó, hai vợ chồng chị Nhi đi rất nhiều nơi trong nước và nước ngoài. Nơi đâu cũng thấy người ta xem trái thanh long như một món ăn món ăn quý tộc, có giá trị cao...

“Thế nhưng, gần đây, nghe tin thanh long Bình Thuận giá thấp nên vợ chồng tôi có ý định chuyển hướng tìm đầu ra tiêu thụ trái thanh long và các sản phẩm chế biến từ trái thanh long. Chưa biết bắt đầu từ đâu thì hay tin có khóa học này vợ chồng tôi cùng đăng ký tham gia. Hy vọng, kiến thức thu thập được và sự quyết tâm liên kết, kết nối cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ khắp 63 tỉnh thành cùng những chân rết nước ngoài cùng liên kết thì đầu ra cho trái thanh long sẽ đi xa và tốt hơn...”, chị Nguyễn Thị Tố Nhi tâm sự.

Kỹ sư, giám đốc cũng học kinh doanh nông sản

Cùng tham gia khóa học có anh Hoàng Văn Trí, Giám đốc Công Ty TNHH Nông nghiệp Điền Xanh (TP.HCM) chuyên sản và kinh doanh phân bón, thu mua nông sản của nông dân.

Diễn viên điện ảnh, kiến trúc sư, giám đốc doanh nghiệp đi học kinh doanh nông sản - Ảnh 3.

Anh Hoàng Văn Trí (giữa), Giám đốc Công Ty TNHH Nông nghiệp Điền Xanh tại lớp học. Ảnh BP

Xuất thân là kỹ sư kinh tế nông nghiệp, anh Hoàng Văn Trí cho biết, nông nghiệp là một ngành chủ lực của đất nước. Những năm qua rất nhiều dự án được triển khai trong đó có dự án OCOP. Các doanh nghiệp startup trong lĩnh vực nông nghiệp thành lập ngày càng nhiều. Tuy nhiên, khó khăn cho các doanh nghiệp non trẻ này là đầu ra sản phẩm và nguyên liệu đầu vào có giá thành cao cũng như việc quản trị doanh nghiệp.

"Qua khóa học này chúng tôi cảm thấy được sự kết nối của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Khóa học đã hướng đến chia sẻ kiến thức cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam. Các doanh nghiệp khi tham gia vào cộng đồng doanh nghiệp này sẽ tìm thấy cho mình nhiều cơ hội để phát triển, đặc biệt là liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông sản từ các vùng miền và tìm đầu ra bền vững. Chúng tôi thấy mình tự tin hơn khi được các chuyên gia cung cấp được những giá trị mà thực sự doanh nghiệp chúng tôi đang thiếu và cần trong tình hình hiện nay cũng như sau này…”, anh Hoàng Văn Trí chia sẻ.

Diễn viên điện ảnh, kiến trúc sư, giám đốc doanh nghiệp đi học kinh doanh nông sản - Ảnh 4.

Các học viên đang thực nghiệm với mô hình đầu ra cho sản phẩm và nông sản. Ảnh BP

Từ tỉnh Hậu Giang xa xôi, anh Mai Ngọc Lợi, giám đốc điều hành một doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên kinh doanh tôm giống, thuốc thủy sản cũng vượt gần 600 km về Bình Thuận tham gia khóa học.

Anh Lợi cho biết, nhiều năm qua đi thu mua và cung cấp hàng ở các tỉnh ven biển ĐBSCL nên thấu hiểu được những khó khăn, thử thách và sóng gió mà các chủ công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ đi lên từ con số 0. Nên việc thu mua tôm, các mặt hàng khác của bà con nông dân để cung cấp ra thị trường tiêu thụ đảm bảo an toàn thực phẩm là một hành trình rất gian nan. Nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ không liên kết lại với nhau thì khó có thể tìm đầu ra an toàn, bền vững cho bà con. “Nếu làm được việc này, nông dân và doanh nghiệp đều có lợi và người tiêu dùng sẽ an tâm khi sử dụng các sản phẩm có sự liên rõ ràng và an toàn cho sức khỏe…”, anh Mai Ngọc Lợi tâm sự.

Doanh nghiệp siêu nhỏ rất có vai trò đặc biệt trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc kiêm nhà sáng lập OBC Việt Nam, đơn vị vừa thành lập vào đầu năm 2022. OBC Việt Nam giúp khai vấn, đào tạo các thành viên tham gia định vị được hoạt động doanh nghiệp. Xác lập mục tiêu cá nhân và vai trò doanh nghiệp, doanh nhân trong các hoạt động đóng góp cộng đồng. Từ đó đạt được các mục tiêu kinh doanh và phát triển bền vững các sản phẩm…

img

Các đại biểu đang tham gia đóng góp ý kiến tại khóa học. Ảnh BP

Khóa học lần này có sự tham gia của 15 trường đại học và cao đẳng uy tín từ Huế trở vào. Qua đó tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và trường học, giúp cho hoạt động định hướng đào tạo được thiết thực và hiệu quả, đồng thời doanh nghiệp tiếp cận được nguồn cung ứng lao động tại mỗi địa phương. Qua đó sẽ định hình và tổ chức thực hiện các hoạt động phối hợp giữa doanh nghiệp và trường học nhằm mang lại giá trị thiết thực cho 3 chủ thể sinh viên, giảng viên và cộng đồng.

“Những doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ có vai trò đặc biệt trong việc mở rộng các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ và tìm đầu ra cho các nông sản, sản phẩm của từng địa phương ra thị trường rộng lớn…”, ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.