Chàng trai khuyết tật Tây Nguyên lặn lội về Bình Thuận xin học kinh doanh nông sản với mong muốn ai nghe cũng cảm động

Bùi Phụ Thứ hai, ngày 28/02/2022 16:19 PM (GMT+7)
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất tỉnh Kon Tum và chứng kiến bà con nông dân làm ra nông sản cực khổ nhưng bán giá thấp, chàng trai bị khuyết tật Nguyễn Toàn Thắng (Kon Tum) đã lặn lội về Bình Thuận xin học cách kinh doanh, với hy vọng góp một phần tìm đầu ra cho nông sản…
Bình luận 0

Người khuyết tật đi tìm đầu ra cho nông sản

Sáng 28/2, trong khóa học phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam do Công ty OBC (One Business Connection tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tổ chức tại TP. Phan Thiết (Bình Thuận) có hơn 100 vị giám đốc điều hành và quản lý doanh nghiệp khắp mọi miền đất nước tham dự, bất ngờ có một học viên bị khuyết tật 2 chân đi bằng đôi nạng đến xin học.

Ngay lập tức, nhiều vị giám đốc và doanh nghiệp trẻ đã tận tình hướng dẫn và ai cũng hy vọng chàng trai này mang kiến thức học được về quê nhà, góp phần tìm đầu ra cho nông sản của bà con… 

Chàng trai khuyết tật từ Tây Nguyên lặn lội về Bình Thuận xin học cách tìm đầu ra cho nông sản - Ảnh 1.

Nguyễn Toàn Thắng tại lớp học và được nhiều chuyên gia tận tình hướng dẫn. Ảnh: BP

Trao đổi với Dân Việt, chàng thanh niên khuyết tật cho biết mình tên là Nguyễn Toàn Thắng, gần 10 năm trước đã tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin trường Đại học Công nghiệp TP.HCM.

Thắng tâm sự: “Cha mẹ là cán bộ hưu trí. Năm 2 tuổi Thắng bị sốt bại liệt và liệt nửa người. Gia đình đã bán nhiều tài sản chữa trị nên Thắng được đi lại bằng đôi nạng và được cắp sách đến trường cho đến khi tốt nghiệp đại học. Trong cuộc rất nhiều khó khăn nhưng em luôn tâm niệm lúc nào cũng phải vươn lên nhờ sự thương yêu của cha mẹ, sự giúp đỡ của bạn bè, sự che chở của xã hội. Vì vậy, em thấy mình không hề đơn độc trong cuộc đời này…”.

Ngày Thắng đậu đại học ở TP.HCM, gia đình không dám cho Thắng đi học vì lo không có người chăm sóc. Nhưng với quyết tâm không để mình trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội nên cố vượt qua tất cả. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thắng được một công ty ở TP.HCM nhận vào làm việc, mức lương tạm sống ổn. Nhưng đầu năm 2021, dịch Covid -19 bùng phát mạnh nên Thắng đã khăn gói về quê ở vùng ngoại ô TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) cho đến nay.

“Bản thân em tật nguyền và thời gian sống ở quê nhà thấy bà con nông dân cực khổ khi làm ra nông sản, nhiều loại trái cây ngon ở Kon Tum nhưng đầu ra bấp bênh, giá thấp nên em rất thương. Mặc khác, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên những người khuyết tật như em sống rất khó khăn, vô tình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, em luôn suy nghĩ với kiến thức mình học được ở trường và nếu biết kinh doanh, kết nối cộng đồng doanh nghiệp khắp nơi sẽ giúp được phần nhỏ nào đó cho bà con nông dân và những người khuyết tật như mình có việc làm ổn định. Bởi thế, nên khi hay tin có khóa học kinh doanh này, bắt đầu từ một doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, em hy vọng mình có thể kết nối với nền tảng tri thức doanh nghiệp Việt Nam. Từng bước đưa cộng đồng, hội nhập vào nền tri thức doanh nghiệp toàn cầu. Vì vậy, em viết tâm thư gửi ban tổ chức xin được dự học…”, Thắng tâm sự.

Quyết tâm dũng cảm từ trái tim nhân hậu

Khi chúng tôi hỏi về sự thành công sau khóa học, Thắng khẳng định: “Bản thân em đã vượt qua hoàn cảnh của mình, nên em hy vọng lần đi học khóa kinh doanh này về quê, em sẽ góp phần giúp bà con nông dân và người khuyết tật. Em tin mình sẽ làm được như đã từng tốt nghiệp đại học. Quan trọng là mình đừng để những khó khăn trong cuộc sống đánh mất đi ngọn lửa quyết tâm của mình anh ạ!”.

Chàng trai khuyết tật từ Tây Nguyên lặn lội về Bình Thuận xin học cách tìm đầu ra cho nông sản - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Toàn Thắng trao đổi với PV Dân Việt. Ảnh: BP

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, giám đốc kiêm nhà sáng lập OBC Việt Nam thì đơn vị vừa thành lập vào đầu năm 2022.

Khi hay tin anh Nguyễn Toàn Thắng viết tâm thư xin dự khóa học, chúng tôi đã tạo điều kiện cho xe đưa đón Thắng từ Kon Tum về TP.HCM và Phan Thiết để kịp dự khóa học sáng nay.

Cũng theo ông Hòa, OBC Việt Nam giúp khai vấn, đào tạo các thành viên tham gia định vị được hoạt động doanh nghiệp. Xác lập mục tiêu cá nhân và vai trò doanh nghiệp, doanh nhân trong các hoạt động đóng góp cộng đồng. Từ đó đạt được các mục tiêu kinh doanh và phát triển bền vững các sản phẩm…

Khóa học lần này có sự tham gia của 15 trường đại học và cao đẳng uy tín từ Huế trở vào. Qua đó tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và trường học, giúp cho hoạt động định hướng đào tạo được thiết thực và hiệu quả, đồng thời doanh nghiệp tiếp cận được nguồn cung ứng lao động tại mỗi địa phương. Qua đó sẽ định hình và tổ chức thực hiện các hoạt động phối hợp giữa doanh nghiệp và trường học nhằm mang lại giá trị thiết thực cho 3 chủ thể: sinh viên, giảng viên và cộng đồng.

Đặc biệt là mở rộng các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ và tìm đầu ra cho các nông sản, sản phẩm của từng địa phương ra thị trường rộng lớn…



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem