Trong bản tin Thị trường nông, lâm thủy sản mới nhất, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, chiến sự Nga - Ukraine sẽ làm ảnh hưởng lớn đến thương mại thịt toàn cầu, giá thực phẩm, trong đó có giá thịt lợn có thể sẽ tăng cao hơn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Ukraine và Nga cùng là những thị trường cung cấp lúa mì, ngô và dầu hướng dương lớn trên thế giới, khiến các nước nhập khẩu từ châu Á đến châu Phi và Trung Đông bị khó khăn bởi giá bánh mì và thịt tăng cao nếu nguồn cung bị gián đoạn, điều đó làm tăng giá thực phẩm.
Hiện, Nga vẫn chưa thể tự túc về thịt và điều đó đã được dự đoán trước bởi Nga đã ký thỏa thuận thương mại tự do với Brazil cho phép nhập khẩu 200.000 tấn thịt bò và 100.000 thịt lợn vào thị trường Nga mà không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào.
Điều đó cũng có thể báo hiệu Nga sẽ cấm xuất khẩu thịt bò và thịt lợn trong tương lai.
Đối với thịt gà, sản lượng thịt gà của Nga năm 2021 giảm 2% xuống 6,2 triệu tấn, trong đó Tập đoàn Cherkizovo đứng đầu về sản lượng với 813.000 tấn, trong đó đã xuất khẩu 62.000 tấn, chủ yếu sang Trung Quốc.
Sản lượng thịt gà trong tương lai cũng có thể được giữ lại để tiêu thụ tại thị trường nội địa, vì các biện pháp trừng phạt kinh tế chắc chắn sẽ được áp dụng đối với các bên thứ ba có liên quan đến thương mại với Nga.
Mặt khác, Ukraine là một trong những nước sản xuất thịt gà hàng đầu trên thế giới cũng dự kiến sẽ giữ nguồn cung cấp thịt cho thị trường trong nước để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực cho cả quân đội và người dân.
Tại thị trường trong nước, giá lợn hơi tại các tỉnh trên cả nước liên tiếp giảm kể từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay.
Hiện giá lợn hơi trên toàn quốc dao động từ 50.000-55.000 đồng/kg, giảm 4.000-6.000 đồng/ kg so với cuối tháng 1/2022.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, năm 2022, thị trường chăn nuôi sẽ tiếp tục khó khăn, chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao nhất là sau chiến sự Nga - Ukraine, việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Hiện cả nước có khoảng 28 triệu con lợn; trong đó, đàn lợn thịt cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; đặc biệt 16 doanh nghiệp lớn vẫn duy trì khoảng 6,5 triệu con lợn thịt, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 1.390 tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 6,92 triệu USD, so với tháng 1/2021 giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng 17,4% về trị giá.
Về nhập khẩu thịt, Nga không còn là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lợn lớn nhất của Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2022, Việt Nam nhập khẩu 53.700 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 114,13 triệu USD, tăng 4,3% về lượng và tăng 17,9% về trị giá so với tháng 12/2021; tuy nhiên so với tháng 1/2021 giảm 2,8% về lượng nhưng tăng 6,2% về trị giá.
Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam. Tháng 1/2022, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ đạt 13.890 tấn, trị giá 42,95 triệu USD, tăng 150,9% về lượng và tăng 166,1% về trị giá so với tháng 12/2021.