Giá heo hơi giảm mạnh, 8 triệu con heo tồn đọng trong chuồng, nhập khẩu thịt vẫn tăng 70%

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 12/10/2021 09:08 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, người chăn nuôi quy mô nông hộ, trang trại đang đứng trước muôn vàn khó khăn bởi giá heo hơi đang giảm rất mạnh, nhiều nơi xuống dưới 40.000 đồng/kg, heo quá lứa khó bán.
Bình luận 0

Giá heo hơi giảm mạnh, heo giống cũng chẳng ai ngó ngàng

Nói về tình hình giá heo hơi hôm nay ở khu vực Đồng Nai và các tỉnh phía Nam, ông Nguyễn Kim Đoán dùng từ "khủng hoảng".

"Trong thời điểm tỉnh Đồng Nai còn thực hiện giãn cách xã hội, giá heo hơi còn được trên 50.000 đồng/kg, thế mà khi nới lỏng giãn cách, giá heo hơi giảm dần, mấy ngày qua chỉ còn khoảng 40.000 đồng/kg, thậm chí heo quá lứa chỉ còn dưới 40.000 đồng/kg - ông Đoán nói.

Cũng theo ông Đoán, hiện, thương lái thu mua heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rất cầm chừng, chỉ bằng khoảng 30% so với trước đây và họ cũng chỉ chọn heo đẹp để mua, còn heo quá lứa, trọng lượng từ 120 - 140kg/con rất khó bán.

Thực tế, lượng heo quá lứa trong các trang trại còn rất nhiều. Theo số liệu của Bộ NNPTNT, lượng heo quá lứa chưa thể xuất bán hiện nay còn khoảng 8 triệu con, tương đương 30% tổng sản lượng. 

Trong khi đó, tính hết tháng 9/2021, tổng đàn heo đã tăng 5% so cùng kỳ, đạt 28 triệu con, gần tương đương với số lượng lợn trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra.

Giá heo hơi tiếp đà giảm, 8 triệu con heo tồn đọng trong chuồng, nhập khẩu thịt vẫn tăng 70% - Ảnh 1.

Giá heo hơi hôm nay tiếp đà giảm, nhiều nơi xuống dưới mức 40.000 đồng/kg, heo quá lứa rất khó bán. Trong ảnh: Nông dân Sơn La chăm sóc đàn heo. Ảnh: Tuệ Linh.

"Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, lượng heo quá lứa tồn đọng đã lên đến cả trăm nghìn con do giãn cách xã hội, sức tiêu thụ sụt giảm nghiêm trọng. Bình thường, thị trường TP.HCM tiêu thụ 6.000 - 7.000 con heo mỗi ngày, trong đó phần lớn là từ các trang trại heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Vừa qua do các chợ đầu mối đóng cửa, lượng heo tiêu thụ giảm đáng kể nên heo tồn đọng nhiều, lại nuôi thêm 2 tháng giãn cách, trọng lượng mỗi con heo tăng lên càng khiến sản lượng heo tồn đọng trong chuồng tăng vọt" - ông Đoán nói.

Ông Đoán cho rằng, so với thời điểm giá heo hơi giảm xuống mức sâu nhất là cuối năm 2017 do khủng hoảng thừa thì thời điểm này người chăn nuôi còn khó khăn hơn nhiều, bởi giá heo hơi thì giảm mà giá thức ăn chăn nuôi lại tăng phi mã.

Không chỉ giá heo hơi giảm, ông Đoán cho biết những người sản xuất heo giống cũng đang "ngồi trên đống lửa" vì chẳng có ai mua, giá heo giống đã xuống dưới 1 triệu đồng/con, giảm quá nửa so với thời điểm đắt nhất cách đây 2 năm.

"Thậm chí, có những hộ buộc phải cắt lỗ bằng cách hủy luôn heo con mới đẻ, không dám nuôi tiếp" - ông Đoán nêu một thực tế.

Giá heo hơi trong nước giảm, nhập khẩu thịt lợn vẫn tăng 70%

Trong khi giá heo hơi đang giảm sâu thì nhập khẩu thịt trong 8 tháng đầu năm vẫn tăng. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2021, 8 tháng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 504.900 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 986,86 triệu USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 33,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Nga, Mỹ, Brazil, Ba Lan và Ấn Độ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam. 

Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam trong tháng 8/2021, với 10.490 tấn, trị giá 23,14 triệu USD, tăng 38% về lượng và tăng 31,2% về trị giá so với tháng 8/2020, chiếm 17,4% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam trong tháng.

Giá nhập khẩu bình quân nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ thị trường Nga ở mức 2.505 USD/ tấn, giảm 5% so với tháng 8/2020.

Đáng chú ý, trong tháng 8/2021, Việt Nam nhập khẩu 14.560 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 33,52 triệu USD, giá nhập khẩu trung bình đạt 2.302 USD/tấn, giảm 1,2% so với tháng 8/2020. 

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 109.990 tấn, trị giá 254,79 triệu USD, tăng 70,1% về lượng và tăng 67% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, trong bối cảnh nguồn cung trong nước còn đang tăng quá cao so với nhu cầu, việc nhập khẩu thịt vẫn tăng mạnh cũng ảnh hưởng phần nào đến thị trường trong nước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), xu hướng nhập khẩu thịt giảm trong một hai tháng gần đây.

"Thịt lợn nhập khẩu chủ yếu phục vụ phân khúc chế biến trong khi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn là thịt tươi nóng" - ông Trọng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem