Hôm 23/2, Razil Malikov, một người lính lái xe tăng trong quân đội Nga, đã gọi điện cho gia đình và nói rằng những cuộc tập trận quân sự của đơn vị anh ở Crimea sắp kết thúc, anh chuẩn bị về nhà rồi.
Sáng hôm sau, Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, và gia đình Malikov không còn nghe tin tức gì của anh kể từ đó.
"Malikov không biết rằng mình sẽ đến Ukraine", anh trai của Malikov, Rashid Allaberganov, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ khu vực Bashkortostan, trung tâm nước Nga. "Mọi người đều bị sốc!"
Tình hình căng thẳng hiện bao trùm nước Nga.
Hôm 2/3, Bộ Quốc phòng Nga lần đầu tiên công bố con số tử vong của quân nhân nước này trong cuộc xung đột. Moscow cho biết đã có 498 binh sĩ thiệt mạng trong bảy ngày tiến hành chiến dịch, con số lớn nhất trong bất kỳ hoạt động quân sự nào của họ kể từ cuộc chiến ở Chechnya, đánh dấu sự bắt đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Vladimir V. Putin vào năm 1999.
Trong bối cảnh đó, Điện Kremlin ngày càng quyết liệt hơn trong việc phòng chống tin giả. Tuần này, các nhà lập pháp đã đề xuất mức án 15 năm tù đối với những người đăng "giả mạo" về chiến tranh hoặc những tin đồn xoay quanh việc biên giới sắp đóng cửa hay thiết quân luật.
Tại Moscow, văn phòng khu vực của Liên minh Uỷ ban các bà mẹ binh sĩ Nga đã nhận được 2.000 cuộc gọi mỗi ngày kể từ 24/2.
"Câu hỏi đầu tiên của mọi người là: 'Điều gì đã xảy ra với con tôi?'" Aleksandr Latynin, một quan chức cấp cao của ủy ban cho biết. "Liệu nó còn sống không?"
Ngày 27/2, các nhà chức trách Ukraine đã ra mắt một trang web chứa thông tin binh sĩ Nga thiệt mạng hoặc bị bắt trong chiến dịch nhằm giúp gia đình tìm được người thân, trang web có tên 200rf.com. Các cơ quan chính phủ Ukraine cũng công bố video phỏng vấn một số người Nga, chẳng hạn như Viktor A. Golubev. Golubev cho biết anh "không muốn tham gia chiến dịch này" và kêu gọi Tổng thống Vladimir V. Putin "tìm một thỏa hiệp để tránh chiến tranh".
Đối với một số người Nga, thiệt hại về nhân mạng là lý do đủ để phản đối chiến tranh.
Nhiều thành viên của giới tinh hoa Nga cũng lên tiếng. Lyudmila Narusova, một thành viên của Thượng viện Nga, nói với kênh truyền hình Dozhd hôm 27/2 rằng những người lính Nga thiệt mạng ở Ukraine đã "không được chôn cất tử tế, thậm chí một số trường hợp còn không thể xác định được vì bị đốt cháy". Bà Narusova nói: "Tôi nghĩ chính những người lính cũng không biết mình đang làm gì. Họ chỉ làm theo mệnh lệnh!"
Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, một tổ chức tư vấn do chính phủ tài trợ, đã xuất bản một bài báo của một chuyên gia nổi tiếng mô tả chiến dịch này có thể là một thất bại chiến lược. Chuyên gia Ivan Timofeev cho biết xã hội Ukraine giờ sẽ "không thể chấp nhận Nga trong vài thập kỷ tới". Mặc dù vậy, có vẻ như sự bất mãn không ảnh hưởng đến chiến dịch của ông Putin, khi nhiều thành phố lớn của Ukraine tiếp tục bị bao vây.
Một số nguồn tin cho biết, mặc dù chiến dịch khiến nhiều người Nga bất ngờ, nhưng không ít người đã chấp nhận nó, đặc biệt là sau các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây. Hôm 2/3, đồng rúp giảm mạnh sau khi nhiều công ty như Siemens và Oracle thông báo họ sẽ giảm hoạt động tại Nga. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Nga vẫn phải đóng cửa, hoạt động giao dịch liên quan đến nợ công của Nga cũng không thể thực hiện.
Tại một trung tâm mua sắm ở Moscow hôm 2/3, một cặp vợ chồng trẻ đang xếp hàng rút tiền mặt tại máy ATM, cả hai nói rằng họ phản đối chiến tranh. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh, cách thế giới trừng phạt họ vì hành động đó là không công bằng.