Dân Việt

Trồng mai vàng Huế chỉ có thế rồng, vì sao lúc hoa mai vàng sốt giá, dân làng vẫn không mặn mà thương mại hóa?

Quỳnh Viên 04/03/2022 16:10 GMT+7
Cây mai vàng không chỉ là niềm tự hào của bạn mà của cả con dân làng Thế Chí Tây (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Mai nở bên vườn là mùa xuân đã về.

Bạn xách ba lô trở lại quê sau chục năm bôn ba thì những cây mai trạc tuổi được ông, cha gieo trồng ở sân vườn ngày trước, gốc đã to bằng cổ chân người, vươn mình, tỏa hương trong nắng. 

Cây mai vàng không chỉ là niềm tự hào của bạn mà của cả con dân làng Thế Chí Tây (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Mai nở bên vườn là mùa xuân đã về.

Trồng mai vàng Huế chỉ có thế rồng, vì sao lúc hoa mai vàng sốt giá, dân làng vẫn không mặn mà thương mại hóa? - Ảnh 1.

Những gốc mai đặc trưng của làng Thế Chí Tây, (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Không rõ cây mai bén duyên với vùng đất Thế Chí Tây từ lúc nào, nhưng có một điều chắc chắn rằng, dù tỉnh công nhận hay không công nhận thì thương hiệu mai cảnh nơi đây dường như đã được lịch sử định danh. 

Vốn là sản phẩm của văn hóa làng Thế Chí Tây, hoa mai quá nổi tiếng, từ lâu thoát ra khỏi dải đất Ngũ Điền tựa ánh trăng lưỡi liềm.

Về Thế Chí Tây ngó mà xem, bên những gốc mai già là những vườn xanh trên cát. Đó là vườn mai con cao chừng vài gang tay được dân làng ươm trồng đằng sau vườn nhà hay là khoảnh đất ruộng không trồng được lúa. 

Lạ thay, dù chất đất cát pha thịt nhưng mai vẫn xanh lá, vươn mình đón nắng. Dân làng bảo rằng, mai tươi tốt như vậy không chỉ nhờ kỹ thuật mà bởi tâm người trồng. Ngoài cây lúa là kế sinh nhai theo dặm dài năm tháng thì hoa mai là một phần máu thịt của con dân Thế Chí Tây.

Thế Chí Tây mấy trăm năm nay hiên nhà nào cũng có vài chậu mai. Tết đến, chuyện mai vì thế cũng rộn ràng hơn. Những gốc mai vào mùa trảy lá, nụ chuẩn bị bung nở khiến lòng người xuyến xao. 

Các lão mai không chỉ được trồng trong chậu mà hiên ngang, tạo thế từng dãy thẳng tắp trên cát.

Trồng mai vàng Huế chỉ có thế rồng, vì sao lúc hoa mai vàng sốt giá, dân làng vẫn không mặn mà thương mại hóa? - Ảnh 3.

Trảy lá mai vàng đón tết ở làng trồng mai Thế Chí Tây, (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Người ta biết đến hoa mai Thế Chí Tây cũng bởi cái thế. Thế mai ấy từ lâu không chỉ khiến cho giới chơi cây cảnh, mà ngay cả những người bình thường phải tò mò. 

Độ tháng Chạp âm lịch, khách tứ phương về vùng đất ven biển săn tìm mai chơi tết hẳn cũng để tìm cái thế độc, lạ.

Lâu nay, thế mai được giới sành chơi tìm kiếm phổ biến như, thế trực, thác đổ, tam đa, nhất trụ kình thiên, long đàn phượng vũ… nhưng ở làng Thế Chí Tây, dân uốn mai khiến người thưởng ngoạn nhìn đâu cũng thấy rồng tạo nên nét đặc trưng riêng có. 

“Nhất đế, nhì thân, tam tầng, tứ giống. Cây mai đẹp nghĩa là nhìn tứ phía đâu cũng thấy hình rồng”, chàng trai trẻ tên Tường giới thiệu gọn về cách chơi mai của người Thế Chí Tây rồi hướng chỉ tay đến một gốc mai có thế Long mẫu sinh long tử.

Con rồng biểu trưng cho nguồn cội của giống nòi. Rồng hóa thân thành hình tượng của quyền lực tối cao. Trong sinh hoạt đời thường của con dân nước Việt, rồng cũng biểu tượng cầu mưa, ước mong phồn thực.

Trồng mai vàng Huế chỉ có thế rồng, vì sao lúc hoa mai vàng sốt giá, dân làng vẫn không mặn mà thương mại hóa? - Ảnh 5.

Vườn mai được người dân ươm trồng.

Nghề nông được xem là “bản nghệ”, con rồng cũng trở thành phúc thần cho người làm ruộng. Dân Thế Chí Tây quanh năm cũng bám mặt vào ruộng đồng. Ở vùng đất lọt thỏm giữa biển và đầm phá đầy nắng gió ấy, theo thời gian, con người vẫn cứ kiên cường vươn lên. 

Có người nhờ vào cây mai để có tiền cất lại cái nhà, nuôi con ăn học hay dựng vợ gả chồng, nhưng có người dù sở hữu mai tiền tỷ vẫn quyết không bàn đến chuyện bán mua. 

Bởi vậy mà khi hoa mai sốt giá, nhiều thời điểm mai Thế Chí Tây lập đỉnh, nhưng dân làng vẫn không mặn mà với việc thương mại hóa. Trong ý niệm của họ, bán đi cây mai như bán cả cuộc đời. Cũng đúng thôi, bởi để tạo nên thế long vân, long giáng, họ phải chờ đến tận 1/3 cuộc đời.

Trò chuyện anh bạn gốc làng Thế Chí Tây, hình ảnh mộc mạc bỗng dưng hiện lên. Đó là một ông lão buổi sớm mai trước khi vác cuốc ra đồng, ghé vườn mai uốn nắn từng nhành cây, chăm chút từng chiếc lá; đến chiều tà, chân còn lấm bùn cẩn thận tạo thế rễ mai lộ mình trên lớp cát, để tạo nên cái nhất đầu tiên tiên là đế trong việc định giá trị cho hoa mai. 

Những giống hoa mai như hoàng trúc mai, hoàng diệp mai, diệp cúc mai... được người dân làng Thế Chí Tây gieo trồng, uốn nắn, lưu truyền qua rất nhiều thế hệ. Già khuất núi, trẻ kế thừa khiến những nhành mai vẫn vươn mình theo thế rồng, bằng cái tâm thật thà, đôn hậu nhưng rất sâu sắc!

Bây giờ, cây mai vàng làng Thế Chí Tây đã xuôi ngược bắc nam. Thế rồng của mai Thế Chí Tây được tạo nên từ những con người chân lấm tay bùn không biết từ bao giờ khiến những người đam mê mai vàng lùng sục, mong muốn sở hữu. 

Qua bàn tay của giới buôn cây cảnh, những gốc mai làng Thế Chí Tây có giá hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng.

Tết đến xuân về, xã Điền Hòa cũng có hội mai, trưng bày những gốc mai tiêu biểu của làng Thế Chí Tây. Ở đó, người ngắm mai Thế Chí Tây không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của loài hoa “tâm xuất tướng”, mà còn hiểu được cả văn hóa của ngôi làng có lịch sử hàng trăm năm.

Dẫu không còn quá quan trọng, nhưng việc công nhận làng nghề mai vàng truyền thống ở Điền Hòa như một dấu mốc. 

Tôi mường tượng đến một tương lai không xa, hơn 5.000 cây hoa mai vàng ở Điền Hòa vàng rực một màu. 10 gốc mai ở cổng làng Thế Chí Tây và hơn 50 cây mai trồng dọc theo tuyến đường Hạnh Phúc sẽ khiến cho bước chân khách thập phương về trẩy hội đu tiên mùng 2 tết phấn khích hơn. 

Thành phố Hoàng mai là ở tương lai, nhưng làng mai thế rồng đã tồn tại hôm qua, hôm nay và cả mai sau.