“Đánh” mạnh vào đầu cơ tích trữ
Khi biết Bộ Tài chính lấy ý kiến về các chính sách thu thuế đối với bất động sản, trong đó có thể nghiên cứu xây dựng Luật thuế Tài sản hay bất động sản để xây dựng đề cương báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi theo chỉ đạo của Chính phủ, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng phương án thu thuế trong dự thảo Luật thuế Tài sản mà Bộ Tài chính đưa ra năm 2018 không phản ánh đến cùng yêu cầu đối với Việt Nam hiện nay.
“Phải giữ nguyên tắc không phải tăng thuế tài sản mà là cải cách thuế tài sản. Tức là thuế này không đánh vào người nghèo mà đánh vào đầu cơ tích trữ nhà ở nên nội dung của luật phải đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và những căn nhà có giá trị cao; Đồng thời tăng thuế đất lên một mức độ nhất định”, GS. Võ nói.
Ông Võ cũng cho rằng, các nội dung cụ thể như thuế suất, ngưỡng chịu thuế… càng phải bàn thảo kỹ lưỡng khi Bộ Tài chính đưa ra dự thảo mới.
TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, muốn thực hiện được luật thuế này cần giải quyết vấn đề bất đồng bộ giữa các bộ luật, nhất là đối với vấn đề xác định giá đất để tính thuế.
Được biết, lần này Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý sửa đổi 9 luật, trong đó có ba luật liên quan tới đất đai và chuyển nhượng vốn liên quan đến đất là Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật thuế Thu nhập cá nhân.
Các nội dung góp ý này theo Bộ Tài chính có thể gồm đề xuất gộp Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, đồng thời bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng Luật thuế Tài sản hay bất động sản (nếu có).
Các góp ý cần đánh giá tác động của nội dung sửa đổi đối với kinh tế xã hội, doanh nghiệp, người dân và ngân sách nhà nước.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nếu được ban hành, Luật thuế Tài sản sẽ là công cụ chống đầu cơ đất đai, hạ giá đất và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách. Đây là nguồn thu bền vững, cố định vì diện tích chỉ có chừng ấy. Và nguồn thu này sẽ càng tăng khi quá trình đô thị hóa được đẩy mạnh.
Luật thuế Tài sản có thuận lợi ra đời?
Năm 2018, khi dự án Luật thuế Tài sản được Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bày tỏ sự ủng hộ bởi các nước đã dùng thuế thu từ đất và tài sản gắn liền với đất để đầu tư, nâng cấp và phát triển đô thị, phát triển hạ tầng đô thị từ rất lâu.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn chỉ trông đợi vào nguồn vốn ODA và một số nguồn khác, trong khi năm nào cũng kêu thiếu vốn. Do đó, GS. Đặng Hùng Võ khẳng định, về nguyên tắc, nguồn thu ngân sách phải dựa vào đất công và thuế đối với đất.
Là chuyên gia gắn với lĩnh vực đất đai nhiều chục năm, ông Võ cho biết, câu chuyện thuế tài sản đã được đưa ra từ năm 2000 và được đề cập trong các nghị quyết của T.Ư, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ suốt từ năm 2012 nhưng đều không thành; Lần gần đây nhất là năm 2018 cũng không thành công.
Tuy nhiên, khi vừa nhậm chức tại Bộ Tài chính, thông tin với Báo Giao thông, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết trong định hướng cơ cấu lại ngân sách thời gian tới sẽ mở rộng các khoản thu liên quan đến các mỏ vật liệu, hóa đơn, hoàn thuế… và các khoản thu đất đai do thu từ đất là một khoản thu tiềm năng; Trong đó chú trọng một số khoản thu từ chuyển nhượng đất đai, tiền thuê đất, những khu đất hoang hóa chưa đưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền thuê đất…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hồi tháng 9/2021 cũng gợi ý tỉnh Thanh Hoá nghiên cứu thí điểm chính sách thuế tài sản (thuế nhà ở) tại khu vực đô thị. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu Thanh Hoá thí điểm thành công thuế nhà ở, sau này có thể nghiên cứu áp dụng cho Hà Nội và TP.HCM.
Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đề xuất Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Luật thuế Tài sản theo hướng hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản; Đồng thời kiểm soát để không cho tăng giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi với phương châm ban đầu có thể ở mức thấp đủ để ngăn ngừa dòng tiền đầu cơ sau đó tăng dần như thông lệ các nước.
VAFI cho rằng, thực hiện được điều trên sẽ hạ nhanh lãi suất tiền gửi tiết kiệm, “nắn” dòng vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế.