Cũng theo ông Tùng, tình hình hạn mặn năm nay không quan ngại lắm so với cao điểm hạn mặn 2015-2016 và 2019-2020.
Thưa ông, hiện các địa phương ở ĐBSCL ứng phó với hạn mặn năm nay ra sao?
-Hiện, các vùng có nguy cơ hạn mặn đã thu hoạch hết lúa. Những nơi có vườn cây ăn trái, từng hộ nông dân đều có mương tích trữ nước trong vườn. Đồng thời, các địa phương cũng bố trí các đoạn sông để chứa nước ngọt. Các hệ thống cống ở khu vực nhiễm mặn phục vụ cho sản xuất hiện cũng đã hoàn thiện và được củng cố.
Tâm thế nông dân trước hạn, mặn ra sao, thưa ông?
-Đối với ở những vùng nhiễm mặn thường xuyên, nông dân đã có bước chuẩn bị sớm ứng phó hạn, mặn khá tốt.
Tuy nhiên, những vùng giao thoa mặn, ngọt nhìn chung nông dân còn tâm lý chủ quan.
Nguyên nhân là bởi xưa nay ở những vùng này chưa bị ảnh hưởng hạn, mặn.
Nhưng khi hệ thống cống chặn mặn ở cửa sông - nơi những vùng bị hạn mặn đóng lại, nước mặn không vào nội đồng thì khả năng xâm nhập mặn ở những nơi chưa bị hạn, mặn sẽ cao hơn.
Những địa phương như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp nguy cơ trở thành những vùng bị mặn xâm nhập sau này.
Cục Trồng trọt đã khuyến cáo các tỉnh này ra sao, thưa ông?
-Chính quyền địa phương phải củng hố hệ thống công trình. Bà con nông dân trồng cây ăn trái, hoa màu phải hết sức chú ý, cảnh giác mặn xâm nhập nội đồng. Tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn biến thường xuyên.
Thực tế cho thấy, hạn, mặn năm nay nông dân trồng sầu riêng tổ chức trữ nước tưới tốt hơn nông dân trồng thanh long?
- Thực tế, nông dân trồng thanh long chưa chú trọng lắm việc đầu tư chống hạn, mặn.
Vùng trồng thanh long không bố trí được ao chứa nước vì đất có giới hạn. Bà con nông dân phải tìm cách này, cách kia để tích nước phục vụ tưới, như: Làm ao nổi, làm hệ thống tưới tiết kiệm…
Trong tình cảnh khó khăn như vậy, nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên phải đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm. Nông dân trồng thanh long phải quản lý nước hợp lý hơn để ứng phó hạn, mặn.
Tổng nguồn nước từ sông Mekong về ĐBSCL khoảng 450 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, thời gian và lưu lượng nước về thay đổi theo ngày, tháng. Việt Nam sẽ bị thiệt hại kép nguồn nước do ở hạ lưu: Thiếu sẽ thiếu rất nhiều, và thừa sẽ thừa rất nhiều.
Điều này, về mặt vĩ mô, nông dân phải thay đổi mùa vụ xuống giống, cơ cấu mùa vụ, cây trồng, hệ thống canh tác cho phù hợp lượng nước cung cấp.
Nếu trước đây làm 3 vụ lúa thì nay làm 2. Ngoài ra, bà con nông dân trồng xen màu, cây ngắn ngày, mô hình tôm-cá... để tăng thu nhập.
Về mặt vi mô, đã có các giải pháp kỹ thuật. Nông dân, chính quyền địa phương trong từng vùng cụ thể phải có giải pháp tưới nước phù hợp. Từng nông hộ phải chủ động ứng phó hạn, mặn. Đó là điều chắc chắn phải làm, sớm hay muộn.
Ông có lời khuyên nào với nông dân vùng hạn, mặn?
-Bà con nông dân phải có cách trữ nước ngọt. Nếu đất vườn ít thì hùn đất để đào ao trữ nước. Không được chủ quan để cây chết, nhất là cây giá trị kinh tế cao, bởi thiệt hại rất lớn và lâu dài.
Xin cảm ơn ông!