Clip: Chị Đỗ Thị Hà, tổ 5 (phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) chia sẻ về mô hình nuôi thỏ Newzealand.
Gia đình chị Hà có "của ăn, của để" một phần là nhờ vào nuôi đàn thỏ tai dài, mắn đẻ đó.
Trại nuôi thỏ của chị Hà nằm ở bản Sin Páo Chải (xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu). Khi chúng tôi đến, chị Hà đang cặm cụi cắt cây chó đẻ trong vườn làm thức ăn cho đàn thỏ của gia đình.
Cắp chiếc sọt nhựa đầy ắp cây chó đẻ hoa vàng (hay còn gọi là cỏ đĩ) vừa mới cắt, chị Hà rảo bước tiền về căn nhà cấp 4 cũ kĩ.
Bước theo chị Hà vào căn nhà cũ, chúng tôi được "mục sở thị" đàn thỏ mấy chục con, trông như những "cục bông" di động, ngoan ngoãn bên trong lồng sắt. Hai dãy lồng sắt được đặt cao ngang lưng người lớn,ngăn thành từng ô nhỏ để cho đàn thỏ ở.
Vừa cho thỏ ăn, vừa tiếp chuyện phóng viên, chị Hà vui vẻ cho biết, sau một thời gian tìm hiểu, nhận thấy nuôi thỏ sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên tôi đã quyết định "thử sức" với đàn vật nuôi mới mẻ này.
"Năm 2019, tôi thuê thợ sửa lại căn nhà cấp 4, làm lồng sắt và mua 9 con thỏ cái, 2 con thỏ đực về nuôi. Tôi nuôi giống thỏ Newzealand. Từ đó đến nay, tôi vẫn duy trì đều đặn 9 con thỏ sinh sản, chứ không nhân đàn thỏ mẹ. Thỏ con sau sinh được tôi giữ lại nuôi và bán thương phẩm", chị Hà cho hay.
Qua câu chuyện với chị Hà, được biết, sở dĩ chị chọn nuôi thỏ sinh sản là vì chi phí đầu tư nuôi thỏ thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh. Hơn nữa, nuôi thỏ không đòi hỏi khắt khe về kĩ thuật.
"Thỏ rất dễ nuôi. Chuồng nuôi thỏ phải đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Loài vật nuôi này ưa sạch nên cần phải dọn dẹp vệ sinh chuồng trại mỗi ngày. Thỏ có thể ăn được các loại: Cỏ voi, lá rau, lá chuối, cỏ đĩ...", chị Hà tiết lộ.
Theo chị Hà, thức ăn, nước uống cho thỏ cũng phải sạch để hạn chế bệnh tật xảy ra. Thỏ thường mắc bệnh ghẻ, nên trong quá trình chăm sóc cần phải chú ý quan sát.
Khi phát hiện thỏ bị ghẻ thì phải bôi thuốc trị ghẻ cho nó. Có như vậy thỏ mới sinh trưởng, phát triển tốt...
Mỗi ngày, chị Hà cho đàn thỏ ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Ngoài cho ăn cỏ voi, lá rau, chị Hà còn cho đàn thỏ ăn bổ sung thức ăn tinh như: Lúa, ngô. Nhờ chăm sóc, cho ăn cẩn thận, đàn thỏ nhà chị Hà luôn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh.
Theo chị Hà, giống thỏ này không chỉ dễ nuôi, mà còn mắn đẻ. Chúng đẻ rất dày, thường thì mỗi năm thỏ đẻ từ 6 – 7 lứa, mỗi lứa từ 8 – 12 con. Tùy vào khả năng nuôi dưỡng của thỏ mẹ, mà chị Hà quyết định giữ lại số lượng thỏ con cho thỏ mẹ nuôi. Chị Hà thường giữ từ 8 – 10 con cho thỏ mẹ nuôi dưỡng.
"Trước khi đẻ, thỏ mẹ thường nhổ lông để làm ổ cho con. Khi thỏ cái có biểu hiện đó, tôi đặt chiếc rổ tre vào chuồng để cho nó làm ổ. Ngay sau khi thỏ đẻ, tôi mang rổ đựng thỏ con ra ngoài, chứ không để ở đó, tránh tình trạng thỏ mẹ giẫm chết thỏ con...", chị Hà bổ sung.
Theo chị Hà, vào buổi sáng mỗi ngày, tôi lại đặt rổ đựng thỏ con vào để thỏ mẹ cho bú, sau đó lại đưa ra.
Cứ như vậy chừng 20 ngày, thì chị cho thỏ mẹ và thỏ con ở chung lồng. 10 ngày sau đó, chị mới tách đàn và cho thỏ mẹ phối giống. Khoảng độ 1 tháng sau khi phối giống thành công, thỏ mẹ lại cho "ra lò" lứa tiếp theo...
Trong 2 chuồng nuôi của gia đình chị Hà, mỗi chuồng thường có từ 60 – 80 con thỏ ở các độ tuổi khác nhau.
Vì nuôi gối đầu nên lúc nào chị Hà cũng có thỏ thịt bán ra thị trường. Chị Hà thường bán thỏ thương phẩm cho các tiểu thương ở các chợ và các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố Lai Châu.
Mỗi năm, bán ra thị trường khoảng 1,5 tấn thỏ hơi, với giá bình quân khoảng 90.000 đồng/kg, chị Hà thu hơn 100 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi năm chị Hà lãi hơn 60 triệu đồng từ bán thỏ thương phẩm ra thị trường.