Bờ biển Bến Tre lại bất ngờ xuất lộ con đặc sản gì mà chất chồng cả đống to tướng, dân chỉ việc "hốt bạc"?

Thứ bảy, ngày 26/02/2022 05:11 AM (GMT+7)
Hàng năm, cứ đến mùa gió chướng, hàng ngàn tấn ốc viết bị sóng đánh vào bờ biển nên người dân vùng ven biển xã Thới Thuận, huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) lại được “hốt bạc” từ lộc của biển ban tặng.
Bình luận 0

Tùy theo con nước thủy triều, chị Nguyễn Thị Tú, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) cùng 3 người khác lập thành đội đi bắt ốc viết. Thời gian bắt ốc cũng phải chạy đua với thủy triều để cố gắng thu được nhiều ốc có thể.

Bờ biển Bến Tre lại bất ngờ xuất lộ con đặc sản gì mà chất chồng cả đống to tướng, dân chỉ việc "hốt bạc"? - Ảnh 1.

Người dân bắt ốc viết tại cồn Chày Mười, xã Thới Thuận (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre).

Chị Tú chia sẻ, có đêm nước rút sớm, 1 giờ sáng chị đã phải đội đèn đi bắt, người có kinh nghiệm lựa chọn những ụ ốc tập kết, có khi chỉ ngồi 1 chỗ hốt ốc vào bao. 

Để hỗ trợ cho nhau nên lập thành đội vừa vận chuyển, vừa bắt, khi đó sản lượng sẽ nhiều hơn. Năm nay ốc về nhiều, bà con trúng mùa. Mỗi ngày, một người có thể bắt từ 300 - 400kg ốc.

Theo chị Tú, ốc viết có từ tháng 9-2021, tuy nhiên thời điểm hiện nay là nhiều nhất, số lượng rất lớn. Có nhiều ụ ốc tập trung gần cả tấn, người dân chỉ việc lùa và hốt ốc vào bao. 

Năm nay ốc về nhiều nên giá bán giảm, chỉ còn 2.000 đồng/kg, thời điểm mùa nghịch, giá ốc viết có thể lên hơn 20 ngàn đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Kim Thủy, ngụ xã Thới Thuận, huyện Bình Đại cho hay, bà theo nghề bắt ốc viết từ nhỏ. Những tháng không có ốc viết thì bà đi bắt các loại ốc khác. Từ 3 giờ sáng về đến nhà 11 giờ, hai vợ chồng bà Thủy bắt được hơn 800kg ốc viết.

Theo bà Thủy, lúc mới xuất hiện, bà đi lượm từng con, nhưng hiện nay ốc viết tập trung nhiều, thành từng đống, người dân chỉ việc lựa ốc hư bỏ ra rồi hốt ốc vào bao để chở về. 

Nếu giao thông thuận lợi, người dân vận chuyển ốc viết dễ dàng hơn, thu nhập sẽ tăng lên. Ngoài việc tự đi bắt, bà Thủy còn thu mua ốc của các hộ dân khác để chuyển lên TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác để tiêu thụ.

Cô Lê Thị Tư, xã Thới Thuận chia sẻ, ốc viết tập trung nhiều nhất tại khu vực cồn Chày Mười, với hơn 5km. Đây là nguồn thu nhập mỗi ngày của người dân ven biển xã Thới Thuận. 

Vào mùa gió chướng, cứ đến con nước ròng, người dân theo bắt ốc viết, vào các tháng khác sẽ có loại ốc khác nhau tấp vào bờ để người dân khai thác. Do đó, nguồn thu nhập của người dân ổn định hơn nhờ dựa vào sản vật của biển.

Theo người dân địa phương, với giá khoảng 2.000 đồng/kg, mỗi người có thể kiếm được 400 - 600 ngàn đồng/ngày từ việc bắt ốc viết. Mùa gió chướng, hầu hết người dân làm việc thời vụ tạm ngưng công việc để theo nghề bắt ốc viết vì thu nhập cao hơn. 

Ốc viết có thể làm được rất nhiều món như ốc viết luộc sả chấm muối tiêu chanh, ốc viết hầm nước cốt dừa, ốc viết xào sả ớt… được các hàng quán tại các tỉnh, thành ưa chuộng.

Ông Nguyễn Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Thới Thuận cho biết: “Hàng năm, vào mùa ốc tạo công ăn việc làm cho bà con, từ đó thu nhập của bà con được nâng lên. Ngoài ra, có nhiều hộ dân sống nhờ khai thác sản vật của biển như bắt ốc hương, ốc len, ốc mỡ… tùy theo mùa có những sản vật riêng giúp người dân tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. 

"Bên cạnh đó, bãi ốc viết có từ rất lâu đời, sau nhiều năm hình thành bờ cao như tuyến đê ốc viết rất đẹp, trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng tại địa phương được nhiều người tìm đến tham quan, khám phá”, Chủ tịch UBND xã Thới Thuận Nguyễn Văn Chinh.

Phúc Nhân (Báo Đồng Khởi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem