Isak Dinesen là bút danh của Karen Blixen (1885 – 1962), một nữ bá tước người Đan Mạch. Năm 1913 bà cùng chồng sang Kenya mua một đồn điền dưới chân rặng núi Ngong sản xuất cà phê hạt. Nhưng sau 17 năm kinh doanh thất bại, lại thêm người chồng phản bội, bà đã phải bán đồn điền và trở về nước năm 1931. Từ đó bà bắt đầu viết. Năm 1935 bà viết "Châu Phi nghìn trùng" trong sáu tháng liền và cho xuất bản năm 1937. Cuốn sách lập tức gây tiếng vang lớn ở Mỹ và châu Âu, vì thế bà liền tự mình dịch sang tiếng Đan Mạch cho người dân nước mình đọc.
CHÂU PHI NGHÌN TRÙNG
Tác giả: Isak Dinesen (Đan Mạch)
Dịch giả: Hà Thế Giang
Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2021
Số trang: 407 (khổ 15,5x23,5cm)
Số lượng: 1200
Giá bán: 165.000đ
Đây là một cuốn sách phi hư cấu (non-fiction) mang tính tự truyện. Isak Dinesen kể về cuộc sống của một mệnh phụ da trắng là mình làm chủ một đồn điền ở châu Phi trong gần hai mươi năm. "Tôi có một đồn điền tại châu Phi, dưới chân rặng Ngong" – đó là câu mở đầu cuốn sách. Nó cho thấy tư thế bà chủ của Karen Blixen khi tới Kenya đầu thế kỷ XX. Đây là thời kỳ các đế quốc châu Âu đang tranh nhau xâu xé lục địa châu Phi. Từ châu Âu người phụ nữ này phải đối diện nhiều thách thức tại vùng đất mới khác lạ cả về địa lý, lịch sử, chủng tộc, văn hóa, lối sống, tín ngưỡng. Người đi khai thác thuộc địa dễ mang tâm lý và cái nhìn của kẻ chinh phục, khai hóa. Cuốn sách này của Isak Dinesen vì vậy có thể đọc dưới góc độ một tác phẩm trong dòng viết hậu thuộc địa.
Nhưng tác giả viết cuốn sách này với một tâm thế khác, sau một độ lùi thời gian đủ để mình ngẫm nghĩ về châu Phi, về sự hiện diện của giống người da trắng ở đó, về quan hệ giữa người bản xứ và người ngoài. Năm 1933, khi được hỏi sao chưa thấy viết gì về châu Phi, Karen Blixen đã nói: "Nếu có khi nào tôi viết về châu Phi, sẽ không tránh khỏi việc cuốn sách sẽ chứa đựng vô vàn chua chát và oán thán cách người Anh xử sự với xứ sở và con người nơi đó, cũng như cách họ mặc sức triển khai nền văn minh cơ khí và vụ lợi của chúng ta tại đấy. Trên bất kỳ phương diện nào, cuốn sách sẽ chẳng phải là một tài liệu tuyên truyền chính trị mà là tiếng nức nở lòng tôi, với đầy chua chát trước chế độ nông nô cũng nhiều như của nhà văn Turgenev trong Bút ký người đi săn." (tr. 7).
Và "Châu Phi nghìn trùng" đã được viết đúng như dự định của tác giả. Bà đã kể lại trong sách bằng một giọng văn giản dị cuộc sống thường ngày ở đồn điền với cây cối, muông thú, lễ hội. Đặc biệt bà nói về những phận người của những người dân Kenya sống trong đồn điền của mình, làm việc cho mình. Họ mang những nét đặc trưng của chủng tộc và cá nhân, nhưng họ là những con người đòi hỏi phải được tôn trọng và yêu thương. Karen Blixen đối xử với họ trong tình người và Isak Dinesen viết lại về họ đầy chất nhân văn. Bà cùng hai người bạn của mình ở Kenya, hai người đàn ông da trắng, là Berkeley Cole và Denys Finch-Hatton, gắn bó với người dân da đen bản địa châu Phi bằng một thứ tình cảm như là "bản năng gốc" của giống người, không phân biệt màu da. "Lòng gắn bó đặc trưng, mang tính bản năng mà tất cả dân bản địa châu Phi dành cho Berkeley và Denys, cũng như vài người giống họ, khiến tôi đi đến nhận định là hẳn người da trắng thời xưa, bất kể trước đây bao lâu, thấu hiểu và cảm thông với những chủng tộc da màu hơn chúng tôi, những con người của thời kỳ Công Nghiệp. Ngay khi khối động cơ hơi nước đầu tiên được chế tạo, đường đi của các chủng tộc trên thế giới đã dần lìa xa, và chúng ta chẳng bao giờ còn tìm lại được nhau." (tr. 228)
Karen Blixen đã thất bại trong kinh doanh và phải bán đồn điền về nước. Nhưng bù lại bà đã sinh ra cho mình nhà văn Isak Dinesen sâu nặng tâm hồn với đất và người châu Phi ở Kenya. Ở đó bà còn kỷ niệm chôn chặt trong nấm mồ của người tình phóng túng lãng tử Denys Finch-Hatton. Ở đó bà còn rặng núi Ngong như một chốn thiêng, một nơi hành hương vẫy gọi trở về. Mở đầu sách là núi Ngong. Và kết sách là: "Từ đây, xa trông về hướng Tây Nam, tôi vẫn thấy rặng Ngong. Dải sơn mạch trập trùng nét lượn sóng cao sang, thuần một sắc lơ đứng sừng sững giữa miền đất bằng phẳng xung quanh." (tr. 404). Châu Phi nghìn trùng là thế, trong tâm tưởng của một phụ nữ da trắng đã ra khỏi nó nhưng không thể dứt khỏi nó. Từ sách này một bộ phim cùng tên của đạo diễn đoạt giải Oscar Sydney Pollack đã ra đời năm 1985 với vai Karen Blixen do nữ diễn viên nổi tiếng Meryl Streep đóng. Bộ phim đã giành được 7 giải Oscar, trong đó có giải cho Phim xuất sắc nhất, Nhạc phim xuất sắc nhất.
Và vì thế dịch giả đã dịch tên sách "Out of Africa" thành "Châu Phi nghìn trùng". Cái tên tiếng Anh đó có thể hiểu là rời khỏi châu Phi, xa rồi Phi châu. Nhưng Hà Thế Giang đã chọn hai chữ "nghìn trùng" để chuyển đến người đọc tiếng Việt nỗi lòng của Isak Dinesen tám mươi năm trước đã buồn bã cảm xúc thế nào khi đặt những dòng viết của mình về Phi châu nơi đã trở thành máu thịt đời mình khi trắng tay ra về sau cuộc làm ăn không thành. Châu Phi nghìn trùng xa ngóng rặng Ngong! Đó là Isak Dinesen. Đó là Hà Thế Giang – một dịch giả còn khá lạ tên với bạn đọc nhưng đã có một bản dịch tiếng Việt đẹp trong chọn lựa câu chữ, trong việc chuyển ngữ tôn trọng cú pháp nguyên tác, trong cả công phu tự mình chú thích các văn liệu tác giả sử dụng trong sách. Bằng bản dịch này Hà Thế Giang, bút danh của một kỹ sư dầu khí vẫn đang làm việc tại Vũng Tàu, đã được trao giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021. Hy vọng anh sẽ còn cho ta được đọc những bản dich các tác phẩm hay khác.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác!
Hà Nội 7/3/2022.