Con người sinh ra không biết mình được sinh ra, nhưng đã được sinh ra là sống. Sống một đời người, sống đời một người. "Sống là bị tách khỏi cái ta đã là để tới gần cái ta phải là trong một tương lai thần bí". (Octavio Paz, nhà thơ Mexico, Nobel văn chương 1990). "Cái ta đã là" là cái hình hài cha mẹ cho ta nằm trong bụng mẹ, "cái ta phải là" là cái ta con người phải hiện thực hóa mình trong cõi nhân gian mà cuộc đời đã được đặt định trong gen sinh học và gen số phận nhưng không hề biết trước. Sống, như vậy, là đi trọn con đường trần hữu hạn đã được định trước cho mình mà không biết điểm dừng là đâu khi cái chết không báo trước xuất hiện. Người là người, người thành người, người làm người là ở khoảng giữa đã là và phải là ấy.
Sinh ra là để chết
Cái vòng sinh ly tử biệt
Trước sinh và sau chết ta không biết
Ta ở đâu về đâu
Nhưng giữa hai đầu ấy
Có một hình hài ta
Có một hơi thở ta
Có một xương thịt ta
Có một linh hồn ta
Tạo nên từ tinh cha huyết mẹ
Cho ta làm người và sống
Trong cõi đời mơ mộng.
"Dẫu ta đi trọn đường trần/ Chuyện riêng dễ dám một lần hé răng". Đây là hai câu thơ nói chuyện tình yêu trong một bài Sonnet nổi tiếng của thi sĩ Pháp Félix Arvers (1806 – 1850) được nhà văn Khái Hưng dịch thành lục bát. Nguyên văn hai câu "Et j'aurai jusqu'au bout fait mon temps sur la terre/ N'osant rien demander et n'ayant rien reçu" có nghĩa "Và khi anh đã tiêu hết thời gian của mình trên mặt đất/ Anh vẫn không dám đòi hỏi gì cả và không nhận được gì cả". Mở rộng ra, Anh đây là tất cả và mỗi một người, và Em đây là Cuộc Đời mà từng người đã sống. Khi đi đến cuối đường trần của mình, ai không ngậm ngùi, luyến tiếc, ai không tự mình làm một bản tổng kết sự sống đời của mình cho mình, dù có nói ra hay không. Khi thấy con đường trần của mình đã chạm vạch thời gian, người nào cũng hụt hẫng.
ĐƯỜNG TRẦN
Tác giả: John Nguyễn
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2021
Số trang: 560 (khổ 16x24cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 300.000
Tôi nghĩ tới tất cả những điều trên khi đọc cuốn "Đường trần" của John Nguyễn. Tôi chưa từng gặp mặt tác giả. Tôi hoàn toàn không biết gì về anh ngoài đời. Ngay cả đến họ tên đầy đủ của anh là gì tôi cũng không hay. Tôi nhận lời viết mấy dòng này cho anh qua lời giới thiệu của một người quen mà trước khi nhận bản thảo tôi cũng không hỏi lai lịch tác giả. Cách của tôi là vậy – thích làm việc với văn bản, bỏ tác giả -con người thực ra ngoài. Đọc vào bản thảo tôi mới biết được ít nét tiểu sử của người viết. Anh là một người đã qua tuổi "tri thiên mệnh", một nhà khoa học, từng du học nước ngoài, từng vật lộn với đời sống buôn bán, làm ăn, để cuối cùng có công ty riêng đứng được, có gia đình hạnh phúc. Người như anh đang là mẫu người hiện tại – một doanh nhân thành đạt. Ấy là tôi nhặt ra đây đó những thông tin đó đây rải rác trong điệp trùng những suy tư ý nghĩ cảm xúc chiêm nghiệm của tác giả trong cuốn sách này.
Bởi đây là một cuốn tản văn. John Nguyễn chọn cách viết này để bộc bạch giãi bày mình. Anh muốn được người đọc cùng anh thâm nhập bãi chiến trường tâm trí và tâm hồn mình qua sáu chặng đường: độc hành – dấn thân – tìm kiếm – suy tưởng – vượt qua – lãng du. Vâng, tâm trí tâm hồn người ta là cả một bãi chiến trường, ở đó không ngừng xung đột suốt cả đời người những băn khoăn trăn trở day dứt về kiếp nhân sinh của con người. Nhà văn Pháp gốc Czech Milan Kundera có một tiểu thuyết mang cái tên rất sâu sắc triết học dịch ra tiếng Anh là "The Unbearable Lightness of Being" mà dịch giả Trịnh Y Thư đã dịch sang tiếng Việt thành "Nhẹ kiếp nhân sinh", rồi thấy chưa thỏa anh lại dịch tiếp thành "Đời nhẹ khôn kham". "Đời" hay "kiếp" thì vẫn chưa nói hết "Being", nhưng "cái nhẹ không thể mang nổi" của nó thì chao ôi là định mệnh người. Còn cụ Nguyễn Du nhà ta thì chỉ nói gọn trong ba chữ "cõi người ta" mà thăm thẳm khôn cùng cái kiếp người đã sinh ra và đã sống trên trần thế.
Dằng dặc trong cuốn sách này của John Nguyễn là dằn vặt về cái lẽ vô thường ấy của kiếp người ấy. Anh ghi lại những ý nghĩ cảm xúc suy niệm của mình trước mỗi sự việc lớn nhỏ trong đời, trước mỗi chuyến đi việc làm, trước mỗi cảnh ngộ tâm trạng, trước mỗi vui buồn lo lắng, trước mỗi lựa chọn thử thách, trước mỗi cân nhắc quyết định. Anh tìm về với Phật, luyện cách quán tâm tu thiền. Anh đi vào các sách tư tưởng triết mỹ đông tây kim cổ, tìm mình ở đó. Anh đối diện mình và đối diện thiên nhiên. Anh viết văn xuôi và làm thơ. Anh hoài nghi tự vấn tìm câu trả lời rồi lại tự vấn hoài nghi kiếm tìm. Lọc qua các câu chữ đoạn văn có thể đọc đường trần của John Nguyễn như một chuyện kể đường đời mà kết quả như tôi đã nói ở đầu sẽ thấy tác giả là một doanh nhân thành đạt sau khi đã vượt qua những khó khăn trắc trở trên con đường kinh doanh. Nhưng đường đời của một người không nói hết đường trần của người đó. Đường đời chỉ là biểu kiến của đường trần.
Theo hai con số niên đại ghi ở cuối lời "Phi lộ" cuốn sách thì toàn bộ những chữ viết ra đây là kết quả mười bốn năm sống 2007 – 2021 của John Nguyễn. Anh gửi gắm: "Nỗi ưu hoài cùng những tâm tư/ Một chặng đường chốn nhân gian/ Ngập ngừng đổ vào từng trang giấy/ Đây tình tôi trải ra với người". Đọc vào sách người đọc sẽ ngập tràn miên man trong dòng chảy những hồi ức hoài niệm nghĩ suy kéo dài thời gian kéo giãn không gian trong từng khoảnh khắc, hay có thể nói được không, trong mỗi sát-na, mà tác giả muốn chia sẻ. Hiện lên giữa đó là hình ảnh tác giả đang vật lộn với chính mình để tìm một khoảng thảnh thơi trong tâm hồn, một khoảng rỗng không trong tâm trí, một khoảng lặng sâu trong bản thể. Anh tìm được không? Bản thân sự tìm kiếm đã là một hạnh phúc. "Nhưng tôi tin là bạn và tôi sẽ tìm thấy miền phi xứ của mình trên con đường nhân gian, thức tỉnh để trở về với chính mình, tìm thấy cái tôi đích thực." John Nguyễn nói thế.
Và thế, đường trần của một người là đường trần của một con người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.