Được thúc đẩy bởi chi phí khí đốt, thực phẩm và nhà ở tăng cao, lạm phát tiêu dùng của Mỹ đã tăng 7,9% trong tháng 2 vừa qua. Đây là mức tăng "khủng" nhất kể từ năm 1982.
Kể từ khi xảy ra chiến sự Nga - Ukraine, giá xăng trung bình ở Mỹ đã tăng khoảng 62 cent Mỹ lên 4,32 USD/gallon , theo Hiệp hội Ô tô Hoa Kỳ (AAA).
Ngay cả trước khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra thúc đẩy tăng giá, chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, tăng lương ổn định và tình trạng thiếu cung liên tục đã khiến lạm phát tiêu dùng của Mỹ lên mức cao nhất trong 3 thập kỷ.
Hơn nữa, chi phí nhà ở, chiếm khoảng một phần ba chỉ số giá tiêu dùng của chính phủ, đã tăng mạnh, một xu hướng khó có thể sớm đảo ngược.
Đối với hầu hết người Mỹ, lạm phát đang vượt xa mức tăng lương mà nhiều người đã nhận được trong năm qua. Điều này khiến họ khó có thể chi trả cho những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, khí đốt và tiền thuê nhà.
Do đó, lạm phát đã trở thành mối đe dọa chính trị hàng đầu đối với Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Dân chủ trong quốc hội khi cuộc bầu cử giữa kỳ đến gần. Trong các cuộc khảo sát, những người kinh doanh cho rằng đó cũng là mối quan tâm kinh tế hàng đầu của họ.
Tìm cách ngăn chặn sự gia tăng lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang dự kiến sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay, bắt đầu bằng một mức tăng khiêm tốn vào tuần tới. Tuy nhiên, Fed phải đối mặt với một thách thức khác: nếu thắt chặt chính sách quá mạnh trong năm nay, nền kinh tế có nguy cơ bị suy yếu và gây ra suy thoái.
Giá năng lượng, vốn đã tăng vọt sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, đã càng tăng mạnh hơn trong tuần này sau khi Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Giá dầu đã giảm hôm qua nhờ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang thúc giục các thành viên OPEC tăng sản lượng. Dầu của Mỹ giảm 12% xuống 106,70 USD/thùng, mặc dù vẫn cao hơn nhiều so với mức khoảng 90 USD trước thời điểm chiến sự Nga.
Tuy nhiên, thị trường năng lượng thế giới vẫn biến động mạnh. Nếu châu Âu tham gia cùng với Mỹ và Anh trong việc cấm nhập khẩu dầu của Nga, các nhà phân tích ước tính rằng giá có thể tăng cao tới 160 USD/thùng.
Giới phân tích cho rằng lạm phát của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong tháng 3 do giá xăng dầu tại Mỹ vừa vọt lên vào tuần trước.
Ông Eric Winograd, nhà kinh tế cấp cao tại công ty quản lý tài sản AllianceBerntein, ước tính rằng lạm phát có thể lên tới 9% vào tháng 3 hoặc tháng 4 nếu giá khí đốt vẫn ở mức hiện tại.
Giá lúa mì, ngô, dầu ăn và các kim loại như nhôm và niken cũng đã tăng vọt kể từ cuộc xâm lược. Vì Ukraine và Nga là những nhà xuất khẩu hàng đầu của những mặt hàng này.
Ngay cả trước khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, lạm phát không chỉ tăng mạnh mà còn mở rộng sang các lĩnh vực bổ sung của nền kinh tế. Nhiều mức giá đã tăng vọt trong năm qua do nhu cầu lớn làm thiếu hụt nguồn cung các mặt hàng như ô tô, vật liệu xây dựng và hàng gia dụng.
Ngay cả đối với một số dịch vụ không bị ảnh hưởng bởi đại dịch, như giá thuê, cũng đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ. Việc làm ổn định nhiều lên và giá nhà cao đang khuyến khích nhiều người chuyển đến sống ở các căn hộ, làm tăng chi phí thuê nhà cao nhất trong hai thập kỷ. Tỷ lệ trống căn hộ đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 1984.
Trong ba tháng cuối năm ngoái, tiền lương và tiền công đã tăng 4,5%, mức tăng mạnh nhất trong ít nhất 20 năm. Nhưng bù lại, những khoản tăng lương đã khiến nhiều công ty phải tăng giá để bù đắp chi phí lao động cao hơn của họ.
Chi phí năng lượng tăng cao đặt ra một thách thức đặc biệt khó khăn cho Fed. Giá khí đốt cao hơn có xu hướng vừa đẩy nhanh lạm phát vừa làm suy yếu tăng trưởng kinh tế. Đó là bởi vì tiền lương của họ bị hao hụt khi trả phí năng lượng, ví dụ như xăng. Điều này khiến người tiêu dùng thường chi tiêu ít hơn ở những chi phí sinh hoạt khác.
Các chuyên gia cảnh báo diễn biến này có xu hướng dẫn đến "lạm phát đình trệ" – sự kiện đã làm cho nền kinh tế Mỹ của những năm 1970 trở nên khốn khổ. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế nói rằng họ cho rằng nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng đủ mạnh nên một cuộc suy thoái như thế khó có thể xảy ra, ngay cả khi lạm phát vẫn tăng cao.