UBND quận Cầu Giấy đã trao giấy chứng nhận số nhà cho người dân tại phố Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Như Uyên, Nguyễn Bá Khoản. CLIP: Tất Định - HN.
Sáng nay (12/3), UBND quận Cầu Giấy đã long trọng tổ chức lễ gắn biển tên phố Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Như Uyên và Nguyễn Bá Khoản.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Minh Cường - Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin quận Cầu Giấy - nêu lại tiểu sử và những đóng góp của bốn danh nhân được đặt tên đường.
"Việc đặt tên đường phố, không đơn thuần chỉ để phục vụ công tác quản lý đô thị và nhận biết địa chỉ giao dịch, mà còn có ý nghĩa to lớn hơn là tôn vinh những danh nhân, vùng đất lịch sử, qua đó thể hiện lòng biết ơn với tiền nhân, sự trân trọng những giá trị lịch sử của cư dân trên địa bàn", ông Cường nói.
UBND quận Cầu Giấy cũng đã trao giấy chứng nhận số nhà cho người dân thuộc 4 tuyến phố trên.
Là một trong những người đầu tiên nhận giấy chứng nhận, ông Vũ Ngọc Thanh (70 tuổi) số nhà 47 phố Xuân Quỳnh, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy phấn khởi chia sẻ: "Từ nay khu phố, số nhà tôi đã được định danh, không còn là những ký hiệu số lô, phân khu. Đặc biệt hơn nữa, con phố được mang tên nhà thơ Xuân Quỳnh - người mà thế hệ chúng tôi rất yêu quý. Thơ của bà giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình với cuộc sống của bà".
Không chỉ ông Thanh, người dân sống tại khu vực được gắn biển tên rất tự hào khi địa chỉ nhà, ngõ có tên của nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Như Uyên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản.
Vừa thấy đoàn của UBND quận đến cắt băng trên đường Lưu Quang Vũ, bà Nguyễn Thị Sử (55 tuổi) hào hứng chạy vội sang chụp ảnh, thậm chí bà Sử còn quên luôn điện thoại ở nhà vì sợ muộn và nhờ chúng tôi chụp giúp.
Bà Sử cho hay, nhà bà trước có địa chỉ tại số 3, Trung Yên 3 nay là số 5 phố Lưu Quang Vũ.
"Tự hào lắm chú ạ, từ khi nghe chính quyền báo đổi tên thành phố Lưu Quang Vũ, tôi và hàng xóm mừng lắm. Hội phụ nữ tổ tôi đã có kế hoạch việc làm xanh, sạch và đẹp con phố này. Phố mang tên nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ phải thật đẹp, thật sáng", bà Sử vui mừng nói.
11h trưa, khi lễ gắn biển tên đã xong, phóng viên Dân Việt gặp ông Ngô Khắc Nghĩa (77 tuổi, trú tại phố Xuân Quỳnh, phường Trung Hòa, Cầu Giấy) trên đường Lưu Quang Vũ.
Ông Nghĩa với bộ vest đen trên con xe cub theo chân đội gỡ phông bạt của buổi lễ. Ông bảo, "tôi theo đội từ phố Xuân Quỳnh sang đây để xin phông có tên nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà viết kịch Lưu Quang Vũ về treo".
"Tôi và bà nhà thích vợ chồng này lắm. Thời chúng tôi, ai cũng mê văn, mê thơ, mê kịch của bà Xuân Quỳnh, ông Lưu Quang Vũ. Đến nay tên của họ được gắn với những con đường tại Hà Nội không đơn thuần chỉ để nhận biết địa chỉ giao dịch, mà còn có ý nghĩa to lớn hơn là tôn vinh những giá trị mà họ đã để lại cho người thế hệ sau.
Nhà tôi còn nằm gần đoạn giao cắt của hai con phố này", ông Nghĩa vui vẻ nói.
Sau khi lấy được tấm phông trên, ông Nghĩa bảo sẽ treo ở nhà văn hóa tổ để mọi người biết và nhớ đến.
Phố Lưu Quang Vũ nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện trường THCS Yên Hòa. Chiều dài phố là 430 m, rộng 17,5-26 m (lòng đường 7,3-13 m, vỉa hè mỗi bên từ 5-6,5 m).
Phố Xuân Quỳnh cũng nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (số 5 Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà Trung Yên Plaza (UDIC) tại tổ dân phố 28, phường Trung Hòa. Phố dài 470 m, rộng 10 m (trong đó lòng đường rộng 6 m, vỉa hè mỗi bên rộng 2 m).
Phố Nguyễn Bá Khoản bắt đầu từ đoạn ngã tư giao cắt phố Vũ Phạm Hàm tại số nhà 134 Vũ Phạm Hàm đến ngã ba giao cắt tại tòa nhà Ánh Dương (Sky Land). Phố dài 470 m, rộng 17 m (trong đó lòng đường rộng từ 5-7 m, vỉa hè mỗi bên từ 3 đến 5 m).
Phố Nguyễn Như Uyên bắt đầu từ ngã tư giao cắt phố Trung Kính (số 299 phố Trung Kính) đến ngã tư giao cắt phố Nguyễn Chánh - Nguyễn Quốc Trị (số 150 Nguyễn Chánh). Phố dài 730 m, rộng 21,25 m.