Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đặt tên đường Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh - thành phố đang tôn vinh giá trị văn hóa

Bình Nguyên - HN Chủ nhật, ngày 13/03/2022 08:44 AM (GMT+7)
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - việc lấy tên hai cố thi sĩ đặt cho phố không chỉ có ý nghĩa tôn vinh cá nhân mà còn thể hiện rằng thành phố đang tôn vinh giá trị văn hóa, nghệ thuật.
Bình luận 0

Sáng 12/3, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chính thức gắn biển tên phố Lưu Quang Vũ và phố Xuân Quỳnh. Hai phố cạnh nhau, chiều dài mỗi phố hơn 400 m, rợp bóng mát phượng vỹ, bằng lăng.

Đặt tên đường Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh: “Thành phố đang tôn vinh giá trị văn hóa”  - Ảnh 1.

Quận Cầu Giấy chính thức gắn biển tên phố Lưu Quang Vũ và phố Xuân Quỳnh. Ảnh: HN.

Nhân sự kiện này, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ niềm vui khi Hà Nội ngày càng có thêm nhiều con đường mang tên danh nhân trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Ông dẫn câu chuyện về nhà thơ Chế Lan Viên từng dạy phải chịu khó học hành: "Nếu tiến lên, con thành nhà văn, mà con có lùi xuống, con cũng là nhà văn hóa".

Đặt tên đường Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh: “Thành phố đang tôn vinh giá trị văn hóa”  - Ảnh 2.

Chân dung nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Ảnh: GĐCC.

"Như thế để thấy rằng, không phải nhà văn hóa nào cũng thành được nhà văn. Nhưng đã là nhà văn, nghệ sĩ, nhân sĩ trí thức, thì đồng thời phải là nhà văn hóa. Những danh nhân như Chế Lan Viên, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh xứng đáng được đặt tên đường. Đó không chỉ là tôn vinh, tưởng nhớ cá nhân mà còn thể hiện rằng thành phố đang tôn vinh giá trị văn hóa, nghệ thuật", Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ, Hà Nội đặt tên phố Lưu Quang Vũ và phố Xuân Quỳnh cạnh nhau ở quận Cầu Giấy rất có ý nghĩa. "Tôi từng đề xuất đặt tên một con đường chung mang tên Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Bởi họ sống, yêu và tên tuổi tỏa sáng cùng nhau, qua đời không rời nhau. Ngoài việc đặt biển, địa phương có thể thêm chú giải về thân thế, sự nghiệp của họ để du khách nước ngoài, thế hệ sau hiểu rõ hơn", ông Khoa nói.

Đặt tên đường Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh: “Thành phố đang tôn vinh giá trị văn hóa”  - Ảnh 3.

Anh Lưu Minh Vũ, con trai đầu của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Ảnh: Bình Nguyên.

Đến dự buổi lễ gắn biển tên phố từ sớm, anh Lưu Minh Vũ, con trai đầu của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ bày tỏ niềm xúc động: "Tên của bố và má được vinh danh, đặt tên phố ở Thủ đô, là người con, chắc ai cũng có cảm xúc tự hào giống như tôi. Hai con phố được chọn để đặt tên có không gian rất đẹp.

Tên phố sẽ gắn liền với người sinh sống ở đây, người dừng chân hay chỉ đi ngang qua. Tôi nghĩ mọi người sẽ có ký ức thật thơ khi nghĩ về hai phố này", anh Vũ chia sẻ.

Nhận tấm biển số nhà mới phố Xuân Quỳnh (trước đây là đường Trung Yên 11), chị Trần Hải Yến, 32 tuổi, kể trước kia, chị hay phải ra tận đầu đường để đón bạn bè, người quen vào nhà. Vì đây là khu đô thị mới, số nhà kèm cả số lô, khu nên rất khó tìm.

Đặt tên đường Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh: “Thành phố đang tôn vinh giá trị văn hóa”  - Ảnh 4.

Hai con phố được chọn để đặt tên có không gian rất đẹp.

"Thế hệ của chúng tôi biết tới nhà thơ Xuân Quỳnh từ hồi học phổ thông qua bài thơ Sóng trong sách giáo khoa. Sau này tôi đọc thêm về bà, cùng mối tình với nhà thơ Lưu Quang Vũ. Tôi ấn tượng với bà, một người phụ nữ dám yêu, dám sống hết mình cho tình yêu. Thật vui khi khu mình sống được mang tên nữ thi sĩ", chị Yến bày tỏ.

Từ năm 2018, trong buổi lễ tưởng niệm và hội thảo "Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh với thơ ca đương đại Việt Nam", Hội Nhà văn Việt Nam kiến nghị đặt tên đường Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh.

Cuối năm 2021, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đề xuất thành phố đề xuất đặt tên đường phố Hà Nội theo tên của cố nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh.

Trải qua quy trình 8 bước, khảo sát, lấy ý kiến người dân, liên ngành, đầu tháng 1/2022, UBND TP Hà Nội đã quyết định điều chỉnh độ dài 9 tuyến phố và đặt tên 38 đường, phố mới, trong đó có các phố Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Chế Lan Viên.

Phố Lưu Quang Vũ nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện trường THCS Yên Hòa. Chiều dài phố là 430 m, rộng 17,5-26 m (lòng đường 7,3-13 m, vỉa hè mỗi bên từ 5-6,5 m).

Phố Xuân Quỳnh cũng nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (số 5 Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà Trung Yên Plaza (UDIC) tại tổ dân phố 28, phường Trung Hòa. Phố dài 470 m, rộng 10 m (trong đó lòng đường rộng 6 m, vỉa hè mỗi bên rộng 2 m).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem