Lễ Gắn biển tên đường Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh đã được tổ chức long trọng sáng 12/3. Clip: Hồng Nhân - Tất Định.
Gia đình nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và thi sĩ Xuân Quỳnh có mặt đầy đủ tại buổi lễ gắn biển tên đường.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Minh Cường - Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin quận Cầu Giấy nêu lại tiểu sử và những đóng góp của bốn danh nhân được đặt tên đường.
"Việc đặt tên đường phố, không đơn thuần chỉ để phục vụ công tác quản lý đô thị và nhận biết địa chỉ giao dịch, mà còn có ý nghĩa to lớn hơn là tôn vinh những danh nhân, vùng đất lịch sử, qua đó thể hiện lòng biết ơn với tiền nhân, sự trân trọng những giá trị lịch sử của cư dân trên địa bàn", ông Cường nói.
Tiểu sử của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được nhắc đến là một tài năng lớn của văn chương và sân khấu Việt Nam. Ông là tác giả của 50 vở kịch từng được nhiều đoàn kịch, nhà hát xây dựng thành những vở diễn nổi tiếng, tầm cỡ…
Một số vở kịch trở thành mẫu mực của sân khấu Việt Nam như: Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Lời thề thứ 9; Bệnh sĩ; Khoảnh khắc và vô tận; Tôi và chúng ta; Tin ở hoa hồng; Nàng Sita…
Ông còn là tác giả của nhiều truyện ngắn, bài thơ nổi tiếng đã đi vào lòng nhiều thế hệ như: Và anh tồn tại, Tiếng Việt, Vườn trong phố, Bầy ong trong đêm sâu.... Thơ Lưu Quang Vũ không chỉ bay bổng, tài hoa mà còn giàu cảm xúc, trăn trở, khát khao. Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.
Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942-1988) tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh. Nhà thơ Xuân Quỳnh nổi tiếng với nhiều bài thơ được nhiều người biết đến như: Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa Thu, Tiếng gà trưa...
Thơ của nữ thi sĩ giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình với cuộc sống của bà. Những bài thơ khi thì hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ.
Bà được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017 với hai tập thơ Lời ru trên mặt đất và Bầu trời trong quả trứng.
Nhận tấm biển gắn số nhà trên phố Lưu Quang Vũ, ông Phan Văn Mạnh, 71 tuổi, cán bộ hưu trí chia sẻ: "Từ nay khu phố, số nhà tôi đã được định danh, không còn là những ký hiệu số lô, phân khu . Đặc biệt, phố còn có tên một nhà viết kịch nổi tiếng càng trở nên ý nghĩa hơn".
Trước đó, thông tin HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết đặt tên một số tuyến đường, phố tại Hà Nội đã thu hút sự chú ý của người dân khi lần đầu tiên, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cùng vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh có tên trên đường phố Thủ đô.
Phố Lưu Quang Vũ nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện trường THCS Yên Hòa. Chiều dài phố là 430 m, rộng 17,5-26 m (lòng đường 7,3-13 m, vỉa hè mỗi bên từ 5-6,5 m).
Phố Xuân Quỳnh cũng nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (số 5 Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà Trung Yên Plaza (UDIC) tại tổ dân phố 28, phường Trung Hòa. Phố dài 470 m, rộng 10 m (trong đó lòng đường rộng 6 m, vỉa hè mỗi bên rộng 2m).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.