Theo chân anh Lưu Văn Nhanh, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi dê Sơn Dương men theo con đường mòn nhỏ hẹp đầy sỏi đá, chúng tôi đến được chân núi Sáng, nơi có đàn dê đang gặm cây cỏ. Âm thanh đầu tiên tôi nghe được là tiếng leng keng rất vui tai của những chiếc chuông lẫn với tiếng kêu be... be... be... của dê vang vọng đâu đó.
Chưa kịp hiểu vì sao có âm thanh lạ tai như thế, chúng tôi gặp anh Sầm Văn Dương, thôn Dũng Giao đang cố đuổi 5 con dê ra khỏi vườn ngô, lùa về chỗ cả đàn đang tập trung ăn lá cây.
Anh Dương bảo, dê có tính khí thất thường, hiếu động, hay chạy phá lung tung nên phải gắn chuông vào cổ để khi chúng chạy phá ở đâu còn biết mà tìm. Vừa dứt lời, lại có 2 con dê của anh Dương đang “ẩu đả” với đàn dê của một gia đình khác đang ăn gần đó.
“Tính dê như con nít, rất hung hăng và thích chọi nhau. Chúng dùng sừng, đầu húc vào mặt, đầu, bụng đối phương. Cuộc chiến có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ, khi kết thúc có con u đầu, mẻ trán. Vì vậy, anh phải thường xuyên để mắt đến chúng”- anh Dương chia sẻ.
Trước kia, gia đình anh Dương chỉ nuôi khoảng 20-30 con dê nái, thu nhập bình quân được khoảng 50 triệu đồng/năm. Năm 2015, khi tham gia hợp tác xã, đàn dê của gia đình tăng thêm 40 dê nái. Do biết cách chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, cùng sự chăm sóc chu đáo, đàn dê của gia đình đã mang lại hiệu quả kinh tế, không ngừng sinh sản, phát triển.
Đến nay, đàn dê đã tăng lên hơn 100 con, mỗi năm từ bán dê giống và dê thương phẩm, gia đình anh lãi hơn 150 triệu đồng.
Cũng ở thôn Dũng Giao, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Văn Thành. Nơi đây, xung quanh đều được phủ xanh bởi những cánh rừng, những triền ngô mơn mởn. Hơn 10 năm nay, khu vực này đã trở thành đại bản doanh của đàn dê nhà anh Thành.
Hiện, gia đình anh có hơn 40 con dê. Anh Thành cho biết, nuôi dê không khó nhưng cũng không dễ. Để thực hiện mô hình nuôi dê đạt hiệu quả, ngoài kinh nghiệm tích lũy được trong thực tiễn, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại đến việc theo dõi, quản lý đàn dê 24/24 giờ.
Vì dê là loại động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng nuôi dê phải đảm bảo thông thoáng, thuận tiện cho quét dọn vệ sinh khu vực nuôi.
Dê cũng khá nhạy cảm, dễ bị các bệnh tiêu chảy, tụ huyết trùng, đậu dê, loét miệng, đau mắt… nên khi nuôi cần thường xuyên quét dọn chuồng trại, phát hiện, cách ly và chữa trị kịp thời những con dê bị bệnh để tránh lây nhiễm, gây thiệt hại cho cả đàn.
Ngoài chăn thả dê cho ăn thức ăn tự nhiên, anh còn bổ sung thêm cám ngô, cám gạo, lá cây để đàn dê có đủ dinh dưỡng. Dê sinh sản nhanh, trung bình mỗi năm đẻ từ 2 lứa, mỗi lứa từ 1-2 con. Dê con nuôi khoảng 6 tháng có thể đạt trọng lượng từ 30-35 kg/con là có thể xuất chuồng. Với việc thực hiện chăm sóc bài bản, đúng quy trình kỹ thuật nên đàn dê luôn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt.
Hướng đến sinh kế bền vững
Thôn Dũng Giao, xã Đại Phú nằm dưới chân núi Sáng, có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê núi. Đặc biệt, người dân nơi đây có kinh nghiệm chăn nuôi dê núi từ lâu đời với các giống dê cỏ được chăn thả tự nhiên nhưng quy mô nhỏ lẻ.
Với mong muốn hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương dựa vào các thế mạnh tự nhiên và tập quán sản xuất, từ năm 2015 tổ chức Good Neighbors International (GNI) đã hỗ trợ thành lập và vận hành Nhóm sinh kế chăn nuôi dê (nay là Hợp tác xã chăn nuôi dê Sơn Dương).
Sau hơn 6 năm hoạt động, với sự quyết tâm và không ngừng cố gắng của các thành viên, chăn nuôi dê đã trở thành hoạt động sinh kế mang lại nguồn thu nhập chính cho các thành viên.
Anh Lưu Văn Nhanh, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi dê Sơn Dương cho biết, được sự đồng hành và hỗ trợ từ tổ chức GNI, các thành viên trong hợp tác xã không chỉ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, tham quan học hỏi các mô hình chăn nuôi dê ở các tỉnh lân cận mà còn được hỗ trợ các trang thiết bị và vay vốn để mở rộng và phát triển chăn nuôi, sản xuất.
Trên cơ sở đó, các thành viên tập trung phát triển cải thiện giống dê cũng như phương thức chăn nuôi, mở rộng quy mô đàn mà vẫn đảm bảo chất lượng thịt dê.
Hiện, hợp tác xã có 7 hộ nuôi dê, quy mô hơn 500 con, với giá bán dê giống 120.000 đồng/kg, dê thịt 150.000 đồng/kg, thu nhập trung bình mỗi thành viên đạt khoảng 100-250 triệu đồng/năm.
Với phương pháp chăn thả và thức ăn từ tự nhiên, thịt dê của hợp tác xã có chất lượng tốt, ít mỡ, thịt mềm vừa phải, vị ngọt đậm đà và hiện đang được cung cấp cho các thị trường tại địa phương, các tỉnh lân cận Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội...
Trong thời gian tới, hợp tác xã sẽ mở rộng quy mô và đa dạng hóa hoạt động, không chỉ cung cấp thịt dê mà còn cung ứng dê giống, sản xuất thức ăn tổng hợp, cung ứng phân dê đã qua sơ chế để phục vụ sản xuất trồng trọt.
Là một trong những hộ nghèo của xã được dự án hỗ trợ vốn mua 2 con dê giống, sau hơn 6 năm chăn nuôi, đến nay đàn dê của gia đình anh Trần Văn Thì, thôn Dũng Giao đã tăng lên 40 con.
Năm 2021, anh Thì bán 20 con dê thương phẩm, với giá bán 150.000 đồng/kg, thu lãi hơn 60 triệu đồng.
Từ nuôi dê, giờ đây gia đình anh Thì trở thành hộ có thu nhập khá, xây được ngôi nhà kiên cố. Thời gian tới, gia đình anh sẽ nhân thêm con giống, mở rộng khu chuồng nuôi dê.
Đồng chí Vũ Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Phú cho biết, thời gian qua, tổ chức GNI đã hỗ trợ thành lập và vận hành Hợp tác xã chăn nuôi dê Sơn Dương tạo thu nhập cho người dân. Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình, “cầm tay chỉ việc” của cán bộ dự án, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi dê, đem lại sản phẩm thịt dê chất lượng được thị trường ưa chuộng.
Hy vọng thời gian tới, tổ chức GNI sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con trong việc tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm để để đảm bảo sinh kế cho người dân, hướng tới giảm nghèo bền vững. Đồng thời, UBND xã sẽ phối hợp với hợp tác xã tiếp tục hướng dẫn bà con thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo chất lượng thịt ngon, ngọt, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm thịt dê Sơn Dương là sản phẩm OCOP.