Vợ trẻ “đóng băng chuyện ấy” sau khi mắc Covid-19
Từ những nghiên cứu ban đầu và thực tế ghi nhận tại một số phòng khám hậu Covid-19 cho thấy, hiện có nhiều trường hợp bị ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi hết dương tính với SARS-CoV-2. Đáng lưu ý, ngoài những ảnh hưởng về thể chất, không ít người còn bị ảnh hưởng tâm lý, từ đó kéo theo hàng loạt các vấn đề, trong đó có việc giảm ham muốn tình dục.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, các nghiên cứu cho thấy Covid-19 ảnh hưởng đến hệ sinh sản của nam giới, còn với nữ giới hiện chưa có bằng chứng về vấn đề này.
Tuy nhiên, có không ít trường hợp chị em sau khi mắc Covid-19 có tình trạng “đóng băng” chuyện tình dục vì không có ham muốn. Bác sĩ Thành từng tư vấn cho trường hợp một người phụ nữ 25 tuổi, ở Hà Nội, vừa lập gia đình, chưa sinh con.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, sau khi kết hôn một thời gian, vào dịp Tết Nguyên đán vừa rồi bị mắc Covid-19. Sau một tuần tự theo dõi, điều trị tại nhà, bệnh nhân khỏi bệnh. Dù mọi hoạt động đã trở lại bình thường, nhưng người vợ trẻ lại gặp vấn đề khó nói, đó là không có ham muốn, lảng tránh "chuyện ấy” với chồng.
“Trước khi mắc Covid-19 hai vợ chồng tôi sinh hoạt rất đều đặn và lần nào quan hệ cũng lên đỉnh. Tuy nhiên, sau khi mắc Covid-19 chuyện “giao ban” không còn như trước. Tôi không còn ham muốn, chồng chỉ đụng vào người là tôi đẩy ra. Đến nay đã hơn 2 tháng từ khi khỏi bệnh tôi không làm “chuyện ấy”, nữ bệnh nhân chia sẻ.
Lưu ý cơ quan bơm máu và ôxy sau khi mắc Covid-19
Bác sĩ Phan Chí Thành cho biết, vấn đề chị em “hóa đá” sau khi mắc Covid-19 xuất phát từ nhiều nguyên nhân và cần đi khám để biết được chính xác lý do, từ đó mới có thể xử lý tận gốc.
“Để hoạt động tình dục được tốt nhất thì việc bơm máu và bơm ôxy phải hoạt động tốt. Trong khi đó, không ít trường hợp mắc Covid-19 xong sẽ ảnh hưởng đến phổi do hội chứng hậu Covid-19, do đó việc cung cấp ôxy sẽ có vấn đề, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động tình dục”, bác sĩ Thành phân tích.
Rất nhiều người đặt ra câu hỏi với bác sĩ rằng: Liệu có phải vừa mắc Covid-19 xong làm “chuyện ấy” bị mất sức, từ đó sợ không dám quan hệ? Câu trả lời của bác sĩ Thành là: Không. Trừ trường hợp bị suy tim, suy phổi thì phải tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi quan hệ.
“Chị em có thể kiểm tra sức khỏe của mình sau khi mắc Covid-19 bằng cách thử đi bộ cầu thang, nếu sức khỏe vẫn leo được 2-3 tầng thì hoàn toàn có thể quan hệ được.
Bởi khi làm “chuyện ấy” gắng sức cũng chỉ như leo 2-3 tầng cầu thang, hơn nữa việc quan hệ cũng như một bài tập thể dục, giúp tăng cường miễn dịch, tăng sự gắn kết vợ chồng”, bác sĩ Thành tư vấn.
Ngoài vấn đề trên, bác sĩ Thành cũng lưu ý đến yếu tố tâm lý trong và sau khi mắc Covid-19. Thực tế thăm khám cho thấy, rất nhiều chị em chán chồng, không có nhu cầu tình dục mặc dù kết quả khám thể chất không có vấn đề gì, nhưng tâm lý lại bị ảnh hưởng nặng nề sau khi mắc Covid-19.
Theo bác sĩ Thành, trong giai đoạn hậu Covid-19. rất nhiều người đối mặt với những áp lực từ kinh tế đến đời sống… và tất cả đều gây nên những căng thẳng, lo âu. Khi mệt mỏi, đặc biệt là vợ chồng không chia sẻ với nhau thì chuyện “đóng băng” tình dục cũng là dễ hiểu.
Vợ chồng chia sẻ, động viên nhau cùng vượt qua những lúc khó khăn do dịch Covid-19 là vô cùng quan trọng. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Thành dẫn chứng, khi một người trong gia đình mắc Covid-19 sau đó đa số sẽ lây sang các thành viên khác, từ đó mọi thứ sẽ bị xáo trộn. Thời gian hai vợ chồng cùng mắc bệnh thường sẽ yêu thương, chia sẻ nhau rất nhiều. Thế nhưng, sau đó lại có những bất đồng phát sinh.
“Các ông chồng khi khỏi Covid-19 sẽ hồi phục nhanh hơn và nghĩ vợ cũng phải hồi phục theo nhịp của mình. Trường hợp, nếu cả hai cùng hồi phục thì sẽ rất dễ thông cảm, sẻ chia. Tuy nhiên, khi chồng khỏe - vợ mệt thì đây là giai đoạn dễ gây hiểu nhầm, từ đó dẫn đến mẫu thuẫn, gây áp lực cho nhau và kéo theo ảnh hưởng đến chuyện tình dục”, bác sĩ Thành phân tích.
Bác sĩ Thành cho rằng, tình dục là chuyện của hai người vì thế rất cần sự sẻ chia, thông cảm, thấu hiểu và giúp đỡ lẫn nhau. Hơn nữa, sinh hoạt gia đình sau Covid-19 không chỉ có chuyện thân mật, do vậy cần phải học cách tái hòa nhập để cả gia đình cũng vượt qua.