Giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục đã buộc công ty sản xuất phân bón Yara International do ông Svein Tore Holsether điều hành phải cắt giảm sản lượng amoniac và urê ở châu Âu xuống còn 45% công suất.
Ông Holsether dự báo chiến sự ở Ukraine sẽ có tác động mạnh đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu. Ông nói với CNN Business: "Câu hỏi không phải là liệu một cuộc khủng hoảng lương thực có xảy ra hay không mà là cuộc khủng hoảng sẽ lớn như thế nào".
Hai tuần sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, giá các sản phẩm nông nghiệp chủ chốt được sản xuất trong khu vực đã tăng chóng mặt. Ảnh hưởng lớn nhất là lúa mì, một mặt hàng thiết yếu và phổ biến đối với đa số mọi người. Nguồn cung từ Nga và Ukraine, cùng chiếm gần 30% thương mại lúa mì toàn cầu, hiện đang gặp rủi ro. Giá lúa mì toàn cầu đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào đầu tuần này.
Một vấn đề lớn khác là khả năng tiếp cận phân bón. Giá phân bón tăng lên mức kỷ lục sau khi xuất khẩu từ Nga ngừng lại. Sản lượng ở châu Âu cũng sụt giảm do giá khí đốt tự nhiên tăng cao, một thành phần chính trong phân bón có chứa nitơ như urê. Giá ngô, đậu nành và dầu thực vật cũng tăng theo.
Thực trạng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các chuyên gia toàn cầu. Bộ trưởng Nông nghiệp các nước G7 hôm 11/3 cho biết họ "vẫn quyết tâm làm những gì cần thiết để ngăn chặn và ứng phó với một cuộc khủng hoảng lương thực".
Tuy nhiên, do lo sợ thiếu hụt nên các quốc gia đều tích trữ để đề phòng, điều này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ. Ai Cập vừa cấm xuất khẩu lúa mì, bột mì, đậu lăng và đậu trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về dự trữ lương thực ở quốc gia đông dân nhất thế giới Ả Rập. Indonesia cũng thắt chặt các hạn chế xuất khẩu đối với dầu cọ, một thành phần trong dầu ăn cũng như trong mỹ phẩm, cùng với đó là một số mặt hàng đóng gói như sôcôla.
Bộ trưởng G7 kêu gọi các nước "giữ cho thị trường nông sản và thực phẩm của họ giao thương tự do, đồng thời tránh bất kỳ biện pháp hạn chế phi lý nào đối với xuất khẩu".
"Bất kỳ sự gia tăng nào về mức giá lương thực trên thị trường quốc tế có thể đe dọa an ninh lương thực và dinh dưỡng ở quy mô toàn cầu, đặc biệt là những nước dễ bị tổn thương nhất sống trong môi trường an ninh lương thực không đảm bảo", tuyên bố của G7 cho biết.
Bên cạnh đó, các nước phương Tây giàu có hơn cũng sẽ bị ảnh hưởng không kém. Người tiêu dùng tại đây lo lắng về mức giá lương thực tăng cao, điều này khiến họ có xu hướng tích trữ thêm và tình hình có thể sẽ xấu đi nhiều hơn nữa.