Dân Việt

Giá xăng tăng kỷ lục: Gỡ nút thắt thuế chồng thuế 'đánh' lên mặt hàng xăng dầu

Nhóm PV Kinh tế 14/03/2022 15:19 GMT+7
"Có ý kiến cho rằng, tình trạng thuế chồng thuế với mặt hàng xăng dầu là vấn đề bất cập của Việt Nam hiện nay. Ví dụ thuế giá trị gia tăng tính trên thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Tất cả đều đúng luật, nhưng luật cũng do con người sinh ra và tính toán".

Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam tại tọa đàm "Làm gì khi giá xăng dầu tăng kỷ lục?" do báo Dân Việt tổ chức ngày 14/3.

Hiện nay, trong cơ cấu giá xăng dầu có 4 loại thuế, trong đó thuế chiếm 38% giá bán xăng và 20% đối với giá bán dầu.

Giá xăng tăng kỷ lục: “Thuế chồng thuế là đúng luật, nhưng luật do con người sinh ra” - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm "Làm gì khi giá xăng dầu tăng kỷ lục?" do báo Dân Việt tổ chức ngày 14/3.

Kìm đà tăng của giá xăng dầu bằng thuế là biện pháp tình thế

TS. Nguyễn Tiến Thỏa –Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam đánh giá, so với các quốc gia khác trên thế giới, mức thuế xăng dầu của Việt Nam ở mức trung bình.

Theo quan sát của ông Thỏa, rất nhiều nước mức thuế này chiếm tỷ trọng từ 45 – 60% trong giá bán xăng, dầu, ngoại trừ một số nước có lượng dự trữ dầu mỏ lớn. Đơn cử như Hàn Quốc thuế xăng dầu chiếm 49%, Thái Lan chiếm 45%, Malaysia chiếm 29%,…

"Chúng ta cần hiểu tất cả các loại thuế là công cụ để điều tiết cho một mục đích nào đó, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng vậy", ông Thỏa nhấn mạnh.

Giá xăng tăng kỷ lục: “Thuế chồng thuế là đúng luật, nhưng luật do con người sinh ra” - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Tiến Thỏa –Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Trước những ý kiến cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào hàng xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng. Trong khi đó, xăng dầu là tối cần thiết, không phải hàng xa xỉ, theo TS. Nguyễn Tiến Thỏa, thuế tiêu thụ đặc biệt là để điều tiết việc tiêu dùng xăng dầu, hạn chế tiêu dùng lãng phí. Có thể nhìn thấy trong chính các loại xăng, xăng sinh học được áp thuế thấp hơn để khuyến khích sử dụng.

Vấn đề đặt ra hiện nay, theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam là có giảm được thuế không? Nhưng, nếu sử dụng biện pháp thuế để kìm tốc độ tăng của giá xăng dầu thường là biện pháp tình thế - theo TS. Thỏa.

Dẫn giải cho nhận định của mình, ông Thỏa lấy ví dụ, tại thời điểm giá dầu 147 USD/thùng, giá xăng trong nước chỉ 25.000 đồng/lít xăng, nhưng hiện nay giá dầu chỉ hơn 110 USD/thùng, giá xăng trong nước lên tới gần 30.000 đồng/lít. Điều này là do, khi giá dầu 147 USD/thùng, Việt Nam giảm thuế nhập khẩu về 0% - biện pháp tình thế để kiểm soát lạm phát. Thậm chí, có lúc nhà nước đã áp dụng thêm biện pháp yêu cầu các doanh nghiệp không được tăng giá các mặt hàng thuộc danh mục quản lý giá của nhà nước.

"Đấy là một sự vô lý, đầu vào thì theo cơ chế thị trường nhưng đầu ra lại áp đặt giá. Ví dụ như ngành điện, nếu chạy bằng xăng hay dầu thì khi 2 nguyên liệu này biến động, không thể bắt các đơn vị này không được tăng giá", ông Thỏa nhấn mạnh.

Giá xăng tăng kỷ lục: “Thuế chồng thuế là đúng luật, nhưng luật do con người sinh ra” - Ảnh 3.

Giá xăng dầu tăng kỷ lục. (Ảnh: TP)

Cần nghiên cứu lại thuế xăng dầu

Liên quan đến vấn đề lâu nay dư luận xã hội đánh giá rất bất cấp là đang có tình trạng thuế chồng thuế với mặt hàng xăng dầu. Ví dụ thuế giá trị gia tăng tính trên thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. TS.Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định, tất cả những điều trên đều đúng luật.

"Tuy nhiên, luật cũng do con người sinh ra và tính toán. Theo tôi, chúng ta cần nghiên cứu lại để vẫn giữ bản chất điều tiết thị trường của thuế và đảm bảo nguồn thu ngân sách. Qua đó, tránh tình trạng thuế chồng thuế", ông Thỏa nhấn mạnh.