Dân Việt

Giá xăng tăng kỷ lục: Ngân sách không "thất thu", lộ diện hàng loạt tác động tiêu cực

Nhóm PV Kinh tế 14/03/2022 19:26 GMT+7
Theo các chuyên gia, giá xăng dầu tăng kỷ lục chỉ ngân sách nhà nước và một số doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi cục bộ. Thậm chí, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu 2.000 đồng/lít cũng không ảnh hưởng đến thu ngân sách.

Căng thẳng địa chính trị giữa Nga, Ukraine và phương Tây dẫn đến việc giá dầu trên thế giới đã tăng mạnh. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có 6 lần tăng giá xăng và có thể còn tăng.

Giá xăng tăng kỷ lục: Giảm thuế bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng tới thu ngân sách

Về mặt tích cực, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, giá xăng dầu tăng mang lại lợi ích cho một số bộ phận của nền kinh tế (chủ yếu là cục bộ).

Thứ nhất, làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ dầu thô.

Năm 2021, nguồn thu thực tế từ dầu thô đã đạt 35,2 nghìn tỷ đồng (tăng 51% so với dự toán năm 2021), góp phần giúp thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 16,4%.

Trong giai đoạn 2017-2021, thu từ dầu thô đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 2-4%. Ngoài ra, các loại thuế từ xăng, dầu (như thuế xuất - nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt…) cũng tăng lên làm tăng nguồn thu ngân sách, góp phần giảm thâm hụt ngân sách, nợ công.

Theo tính toán của ông Lực, dầu thô tăng giá sẽ góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách (khoảng 10.000-16.000 tỷ đồng, nếu giá dầu tăng bình quân 30-40% năm 2022 so với năm trước).

Giá xăng tăng kỷ lục: Ngân sách không "thất thu", lộ diện hàng loạt tác động tiêu cực - Ảnh 1.

Hai là, đối với một số doanh nghiệp khai thác dầu khí là hoạt động cốt lõi như PVN, PVD, GAS… giá dầu tăng sẽ làm tăng nguồn doanh thu; từ đó thúc đẩy các kế hoạch khai thác, thăm dò của năm 2022, cũng như các năm tiếp theo.

Theo đó, tiền nộp thuế thu nhập từ cổ tức của những doanh nghiệp này vào ngân sách nhà nước cũng tăng tương ứng.

Đồng tình với ý kiến cho rằng, giá xăng dầu tăng sẽ có lợi cho "nồi cơm" ngân sách, thậm chí theo tính toán cơ học của TS. Vũ Đình Ánh, giảm phí môi trường ngân sách vẫn "có lợi" khi giá xăng dầu tăng.

"Cứ lấy bình quân 50% giá bán xăng hiện nay là thuế, phí, nếu giá xăng 20.000 đồng/lít thì chúng ta thu 10.000 đồng/lít, xăng tăng lên 30.000 đồng, ngân hàng thu về 15.000 đồng, nên "ăn ra" 5.000 đồng, nếu có trừ đi 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường thì vẫn còn 3.000 đồng/lít. Dư địa không ảnh hưởng đến thu ngân sách", ông Ánh dẫn chứng.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất mới đây, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm.

Giá xăng dầu tăng: Áp lực lạm phát, tăng trưởng GDP giảm tốc

Cái lợi chỉ có tính chất cục bộ, trong khi đó, toàn bộ nền kinh tế bị thiệt hại khi giá xăng dầu tăng cao kỷ lục – theo TS. Cấn Văn Lực.

Theo đó, giá xăng dầu tăng làm tăng chi phí nhập khẩu xăng dầu, qua đó làm tăng nhập siêu, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam nhập siêu xăng, dầu từ năm 2015 đến nay.

Đối với kịch bản giá dầu năm 2022 trung bình tăng 30% so với năm 2021 cùng dự báo nhu cầu xăng dầu tăng khoảng 10% do các hoạt động kinh tế xã hội được phục hồi khi đó ước tính nhập siêu xăng dầu sẽ thâm hụt khoảng 9 tỷ USD.

Giá xăng tăng kỷ lục: Ngân sách không "thất thu", lộ diện hàng loạt tác động tiêu cực - Ảnh 3.

TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV.

Giá xăng dầu tăng cũng tác động tiêu cực đối với tiêu dùng của người dân. Chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Đồng thời, việc giá xăng dầu tăng cũng là áp lực khiến các mặt hàng tiêu dùng tăng giá theo gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Như vậy, khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này sẽ làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, giá dầu tăng ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Khi giá dầu tăng làm tăng giá nguyên vật liệu đầu vào làm tăng chi phí sản xuất (chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất năm 2021).

Trong đó, một số ngành sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn do có chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng lớn như: Vận tải, hóa chất, phân bón, sản xuất nhựa...

Một tác động tiêu cực khác từ việc giá xăng dầu duy trì ở mức cao, đó là sẽ làm giảm đà phục hồi kinh tế của Việt Nam nói chung và hiệu quả của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 của Chính phủ nói riêng.

Đồng thời, giá xăng dầu tăng cao khiến áp lực lạm phát tăng cao. Giá xăng dầu tăng mạnh sẽ tác động trực tiếp đến nhóm giao thông, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (các nhóm này chiếm đến 28,5% trong rổ hàng hóa tính CPI), đồng thời tác động vòng 2, vòng 3… đến các nhóm hàng hóa khác và gây áp lực lên CPI tổng thể.

Ông Lực ước tính, nếu giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 30-40% so với năm 2021, GDP sẽ giảm tốc độ tăng trưởng từ 1,2 – 1,5 điểm % năm 2022 và lạm phát sẽ đội lên từ 0,8 – 1 điểm %.

Ngoài ra, giá xăng dầu tăng sẽ có tác động tới tâm lý của người dân. Bởi khi giá xăng dầu tăng, các mặt hàng khác cũng tăng theo phong trào "té nước theo mưa".

Giá xăng tăng kỷ lục: Ngân sách không "thất thu", lộ diện hàng loạt tác động tiêu cực - Ảnh 4.

TS. Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế: Trước đây, tính giá xăng dầu tăng 10% thì lạm phát tăng lên 0,33%, đến khi tăng thêm 10% lần thứ 2 thì lạm phát giảm còn 0,27%, tăng 10% lần thứ 3 thì lạm phát giảm còn 0,23%.

Tương tự đối với GDP, cùng tính theo tương quan hội tụ, 10% đầu tiên giảm 0,5%, 10% thứ 2 giảm còn 0,27, 10% thứ 3 giảm còn 0,21%. Do đó, khi tính giá xăng dầu chúng ta không nên tính tới tác động vòng thứ 3 sẽ gây ra hoang mang.