Cụ thể, theo Công an tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian gần đây, một số "hiện tượng tôn giáo mới" trong quá trình tuyên truyền và phát triển đạo đã liên hệ đến mặt trái, tiêu cực trong đời sống xã hội, đặc biệt là vấn đề tham nhũng, tiêu cực, lãnh đạo điều hành của chính quyền để gián tiếp phê bình thể chế chính trị của nước ta.
Hoạt động của các "hiện tượng tôn giáo mới" làm phương hại đến chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Nhận thức của những người theo "hiện tượng tôn giáo mới" đôi khi thái quá và sai lệch về Đảng và Nhà nước. Do đó, họ dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, xúi giục, dẫn đến hành vi chống đối, gây mất an ninh, trật tự…
Thậm chí, một số "hiện tượng tôn giáo mới" bị biến thành công cụ của các thế lực thù địch, nhận sự chỉ đạo, hỗ trợ về vật chất, tinh thần của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, có không ít "hiện tượng tôn giáo mới" tuyên truyền tín đồ theo "đạo" sẽ được sung sướng, không làm mà có ăn, khiến họ lười lao động, sản xuất kinh doanh.
Ví dụ, người theo Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ phải đóng 10% thu nhập cho người đứng đầu. Người theo Long Hoa Di Lặc yêu cầu tín đồ tu tại gia, không cần làm, chỉ cần cầu khấn là có ăn; khi ốm không cần uống thuốc, chỉ uống rượu pha nước lã đặt trên bàn thờ là khỏi, kể cả gia súc và cây cối.
Hoạt động của các "hiện tượng tôn giáo mới" thường mang tính lén lút tại các địa điểm do họ tự thuê, hoặc được tổ chức luân phiên tại nhà riêng của những người tham gia. Khi sinh hoạt tập trung thường khóa cổng, khóa cửa, khi bị phát hiện thì nhanh chóng thu dọn đồ đạc hành lễ.
Nhìn vào hoạt động của các "hiện tượng tôn giáo mới" thời gian qua cho thấy, các đối tượng cầm đầu đã đưa ra nhiều lý lẽ ma mị về ngày tận thế, gây hoang mang cho quần chúng nhân dân, xúi giục người dân đập phá bàn thờ tổ tiên của gia đình, cổ vũ cho việc từ bỏ công việc, học tập để đi truyền đạo, trục lợi... trái với thuần phong mỹ tục, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và gây mất đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Sự ra đời của các "hiện tượng tôn giáo mới" thường có xu hướng phá vỡ khỏi sự ràng buộc trong một số luật lệ, những điều cấm kỵ của tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống nên ở góc độ nhất định nó sẽ có những tác động tiêu cực đến tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống.
Các "hiện tượng tôn giáo mới" đều ít nhiều bài xích các tôn giáo truyền thống, đả kích vào các vị giáo chủ của tôn giáo chính thống.
Điều này đã gây búc xúc trong chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo chính thống, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tiềm ẩn nguy cơ có sự xung đột về tôn giáo bởi những mâu thuẫn phát sinh trong việc lôi kéo, tranh giành tín đồ; sự cởi mở của các "hiện tượng tôn giáo mới" và sự chặt chẽ trong giáo lý, lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống.
Hoạt động của các "hiện tượng tôn giáo mới" gây khó khăn trong xã hội về phân biệt mê tín dị đoan với tín ngưỡng, tôn giáo đã được Nhà nước công nhận.
Vì vậy, cơ quan an ninh đề nghị mọi người dân cảnh giác, nhận diện đúng, không tham gia và tích cực đấu tranh, tố giác, lên án các hoạt động trái quy định pháp luật của "hiện tượng tôn giáo mới"; báo cáo cơ quan chức năng khi cần thiết để kịp thời giải quyết, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.