Theo dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), giá nhiên liệu máy bay đã tăng gấp đôi trong năm qua. Chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng hàng đầu trong cơ cấu chi phí hoạt động của các hãng hàng không. Vì thế, việc giá xăng dầu biến động ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các hãng.
Theo đó, giá xăng dầu liên tiếp tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến nhiều doanh nghiệp hàng không đối mặt với "khó khăn kép", khi chưa kịp hồi phục sau dịch Covid-19 lại phải gánh thêm khoản chi phí lớn.
TS Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không (Vaba) cho biết giá xăng chiếm tới 40% tổng chi phí của các hãng hàng không. Đơn cử, mỗi chuyến bay từ Hà Nội - TP.HCM, nếu bay loại tàu thân hẹp, tân tiến, tiết kiệm nhất thì cũng phải dùng hơn 4 tấn, nếu tàu bay thân rộng A330 thì phải đến 10 tấn xăng. Nói thế để thấy giá xăng tăng sẽ gây bất lợi, tăng chi phí của các hãng hàng không lớn đến mức nào.
"Bên cạnh đó, các hãng vừa trải qua hơn 2 năm đại dịch đầy khó khăn, chưa kịp phục hồi. Chi phí phát sinh do phòng chống dịch khá lớn, giờ lại phát sinh chi phí xăng dầu, rõ ràng là thách thức rất lớn với các hãng hàng không", TS Bùi Doãn Nề nhận định.
Đại diện hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cho hay chi phí nhiên liệu luôn chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải hàng không (thường khoảng 30-40%). Do đó, việc giá nhiên liệu tăng cao sẽ làm tăng đáng kể giá thành và chi phí sản xuất kinh doanh.
Vietnam Airlines cho biết, hoạt động của hãng hàng không sẽ chắc chắn bị ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp vận tải hàng không vẫn còn đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid 19.
Ảnh hưởng kép của giá nhiên liêu tăng cao đột biến và dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn sẽ đẩy các hãng hàng không vào tình trạng đặc biệt khó khăn.
Đại diện một hãng hàng không khác cũng cho biết việc giá nhiên liệu tăng cao có ảnh hưởng rất lớn đến chi phí vận hành khai thác của một hãng hàng không. Ước tính, giá nhiên liệu tăng từ 90 USD/thùng lên 110 USD/thùng, mỗi chuyến bay Airbus A320 tăng thêm 16-19 triệu đồng, tương đương tốn khoảng 500 triệu - 1 tỷ đồng tùy số lượng chuyến bay mỗi ngày. Con số đó hiện đã tăng thêm nhiều khi mà hiện nay giá xăng có thời điểm đã vượt 120 USD/thùng.
Cả 2 yếu tố Covid-19 và nhiên liệu tăng đều nằm ngoài mong muốn của các hãng hàng không, đặc biệt trong điều kiện khôi phục hoạt động kinh doanh và kích cầu như hiện nay. Vì thế, trước "khó khăn kép" này, các hãng sẽ phải tính toán lại kế hoạch khai thác ở mức vừa phải để giảm thiểu chi phí, trong điều kiện giá vé vẫn áp dụng giới hạn trần, chưa có chính sách phụ thu nhiên liệu nội địa.
Vừa rục rịch phục hồi, ngành hàng không lại lao đao vì giá xăng dầu leo thang. Vì thế, các hãng phải lên kế hoạch, ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão giá xăng dầu.
Theo Vaba, hiện nay, các nước trong khu vực đã có nhiều động thái ứng phó với tình hình giá xăng dầu tăng cao. Cụ thể, Hiệp hội hàng không Thái Lan đệ trình lên xin phê duyệt tiếp tục không thu phụ phí xăng dầu. Đồng thời, các hãng tại các nước Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã bắt đầu thu phụ phí xăng dầu từ 5 – 10 USD/hành khách để giảm bớt gánh nặng chi phí.
Đại diện Vietnam Airlines cho hay, hãng đang xây dựng các phương án kinh doanh để ứng phó với bối cảnh kinh doanh mới cùng nhiều kịch bản khác nhau về giá nhiên liệu nhằm tối ưu hóa chi phí và hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, Vietnam Airlines đã kịp thời báo cáo các cơ quan nhà nước để có các giải pháp hỗ trợ cho các hãng hàng không vượt qua khủng hoảng kép. Tuy nhiên, cùng với việc điều chỉnh kế hoạch khai thác, hãng cũng sẽ tính toán duy trì giá vé hợp lý để cân đối chi phí và đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Trả lời trước lo ngại việc tăng giá vé để "bù đắp" vào khoản chi phí bị "đội" lên cho giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng, Vietnam Airlines cho hay hãng đã có tính toán để giải quyết vấn đề này. Cụ thể, hãng hiện vẫn áp dụng chính sách dải giá vé linh hoạt.
Trong đó, giá vé có nhiều mức giá từ thấp đến cao, với những điều kiện, quyền lợi khác nhau phù hợp với nhu cầu đa dạng của hành khách. Hãng khuyến nghị hành khách nên có kế hoạch mua vé từ sớm, khi các chuyến bay còn nhiều chỗ trống để có nhiều cơ hội mua mức giá vé tiết kiệm.
TS Bùi Doãn Nề cho biết một trong những giải pháp hiện nay là các hãng bay có thể kiến nghị Chính phủ xem xét việc giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu và cho phép các hãng áp dụng chính sách phụ phí xăng dầu.
Theo đó, với một chi phí xăng dầu, các hãng đang chịu 3 mức thuế chồng thuế là thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Với chính sách phụ thu, hãng sẽ áp dụng linh hoạt theo từng mức giá xăng dầu trên thị trường nhằm bảo đảm sự san sẻ chi phí hoạt động nhưng có sự cạnh tranh, tối đa quyền lợi khách hàng nhất.
"Theo tôi được biết, các hãng đều đang tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí, cố gắng ổn định giá vé. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng có lý do khách quan. Tại thị trường quốc tế, các hãng hàng không được phép tăng phụ thu xăng dầu minh bạch khi giá xăng gia tăng bất thường cao trên 20%. Khi đó, giá phụ thu xăng có tăng tương ứng, có công thức tính và niêm yết rõ ràng", vị lãnh đạo Vaba cho hay.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Vaba cũng đề xuất một số giải pháp để phục hồi hàng không và du lịch. Bao gồm việc các hãng lữ hành, khách sạn cần phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không để xây dựng gói combo hợp lý với khách du lịch. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần áp dụng các biện pháp thiết thực như miễn visa cho khách du lịch.
Với Bộ Y tế, đề nghị không cách ly khách du lịch. Đồng thời, đối xử bình đẳng về phòng chống dịch như với khách du lịch nội địa và người dân trong nước để tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.