Cơ quan chức năng nói gì?
Báo Dân Việt đăng bài "Mở lại du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhưng không cho mở ... nhà vệ sinh", đã phản ánh các bất cập từ cơ quan chức năng TP.HCM, khi cho phép Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn hoạt động trở lại sau dịch Covid-19.
Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn cho rằng, để phục vụ tốt du khách và tạo mỹ quan thu hút du lịch, thì việc đầu tư xây dựng công trình trên bờ, tại vị trí các bến thuyền nhằm phục vụ du khách là rất cần thiết. Cụ thể: xây dựng nhà điều hành, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, khu vực giữ xe…
Các bất cập xung quanh việc sử dụng đất hành lang trên bờ kênh rạch ở TP.HCM từng khiến nhiều cơ quan chức năng tại TP này bàn cãi.
Vào tháng 4/2020, đại diện UBND quận 1 và UBND quận 3, đều thống nhất với kiến nghị của Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn là phải đầu tư nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng… tại các bến thuyền.
Đặc biệt, Sở Quy hoạch Kiến trúc, cũng khẳng định "công trình thuộc hành lang bảo vệ trên bờ có thời hạn sử dụng từ 30 ngày trở lên, cần trình UBND TP chấp thuận bản vẽ, phương án kiến trúc công trình".
Theo Sở này, các công trình thuộc hành lang trên sông, kênh, rạch như: nhà điều hành, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, khu vực giữ xe… phục vụ du lịch đường thủy, có quy mô không vượt quá 1 tầng và kết cấu vật liệu nhẹ.
Sở Văn hóa – Thể thao cũng đồng tình, việc đầu tư xây dựng công trình trên bờ tại bến thủy nội địa là cần thiết để phục vụ phát triển du lịch đường thủy. Với Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm làm cơ sở thực hiện các thủ tục đất đai theo đúng quy định,
Tuy nhiên, Sở Xây dựng thì không đồng tình để cho nhà đầu tư du lịch trên kênh rạch được xây dựng các công trình phụ trợ (nhà vệ sinh công cộng, nhà chờ…) trên đất hành lang, thuộc bờ kênh rạch.
Vì đất này, theo Sở Xây dựng, là đất công viên cây xanh, thuộc đất công, nên việc sử dụng đất cần phải qua đấu giá…
Một tour du lịch dành cho khách quốc tế du ngoạn lúc chiều tà trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Clip: Xuân Anh
Nhà vệ sinh, nhà chờ… tại bến thuyền du lịch, tại sao không?
Trong khi đó, đề cập tới sự vụ đang gây tranh cãi này, ông Bùi Hòa An – Phó Giám đốc Sở GT-VT TP.HCM – cho biết: Từ tháng 11/2018 trở về trước, các công trình xây dựng thuộc diện trên do Sở GT-VT quản lý. Nhưng từ sau tháng 11/2018 trở về sau, chức năng quản lý các công trình này được chuyển cho Sở Xây dựng.
Thẩm quyền xem xét, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng công trình, thuộc Sở Xây dựng. Tuy nhiên, Sở Xây dựng không đồng ý với các kiến nghị của nhà đầu tư.
Song, theo ông Bùi Hòa An, tại khoản e, mục 3.1, Điều 5 – Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND ngày 18/4/2017 của UBND TP.HCM về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng, thuộc địa bàn TP.HCM.
Trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch được xây dựng các công trình nhà điều hành, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, khu vực giữ xe của các bên thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách công cộng, du lịch đường thủy với mục đích kinh doanh, có quy mô một tầng, kết cấu vật liệu nhẹ.
Từ đó, Sở GTVT đã đề nghị Sở Xây dựng căn cứ lưu lượng hành khách thông qua các bến nêu trên, để tạo điều kiện cho Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn tồn tại và hoạt động các nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng trên bờ, đảm bảo phục vụ du khách chờ tàu tại bến, theo Quyết định số 22 của UBND TP.HCM.
Ông Bùi Hòa An khẳng định: "Việc đầu tư các công trình phụ trợ (nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng) tại các bến thủy nội địa Nhiêu Lộc – Thị Nghè, để nâng cao hiệu quả, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách là cần thiết.
Mặt khác, việc đầu tư bằng hình thức xã hội hóa sẽ tiết kiệm được ngân sách nhà nước, tăng cường sự kết nối với hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM".
Một cán bộ của Sở GT-VT cho biết, hơn 7 năm qua, Sở GT-VT luôn luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn hoạt động du lịch trên tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Vì đây là sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo đã định hình được thương hiệu ở TP.HCM. Nhưng thời điểm này, quan điểm của nhiều cơ quan sở, ngành có sự thay đổi, nên quá trình gia hạn quyết định hoạt động 2 bến thuyền du lịch của doanh nghiệp, Sở GT-VT bắt buộc phải chấp hành quy định chung, không thể khác, mặc dù tại quyết định có những chi tiết chưa phù hợp với thực tiễn.
Năm 2018, UBND TP.HCM yêu cầu Sở GT-VT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng một cơ chế về việc tổ chức, cá nhân thuê đất trong phạm vi hành lang trên bờ để xây dựng các công trình phục vụ hoạt động dịch vụ có thời hạn để tạo nguồn thu cho ngân sách TP.
"Tuy nhiên, đến hôm nay (tháng 3/2022), việc xây dựng cơ chế trên vẫn… dậm chân tại chỗ. Vì thiếu một cơ chế, nên những gì đang diễn ra với doanh nghiệp như Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn - cho phép mở của hoạt động du lịch, nhưng không cho sử dụng khai thác nhà vệ sinh – khác nào gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp?" – ông Phan Xuân Anh – Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn than thở.