Ngày 20/2, tại TP.HCM diễn ra Hội nghị thảo luận về ứng phó với dịch bệnh virus corona (Covid-19) của ngành du lịch.
TP.HCM là trung tâm du lịch lớn của cả nước, chịu những tác động thiệt hại trước tình hình dịch bệnh virus corona (Covid-19). Đối với TP.HCM, lượng khách Trung Quốc chiếm gần 15% tổng lượng khách quốc tế đến thành phố.
TP.HCM tổ chức hội nghị tìm giải pháp ứng phó dịch Covid-19. Ảnh: Tuyết Hoàng
Doanh thu giảm 60 - 80%
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó Giám đốc Thường trực Sở Du lịch TP.HCM cho biết, khách du lịch đến thành phố bằng đường hàng không vào tháng 2 giảm 28,35% so với tháng 1/2020 và giảm 22,72% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá sơ bộ của một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành lớn tại TP.HCM, mức độ thiệt hại ước tính trong tháng 2 và đến quý I/2020 khá lớn. Doanh thu giảm từ 40-60%, đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh thị trường Trung Quốc, doanh thu giảm mạnh từ 70-80% do một số doanh nghiệp chuyên thị trường Trung Quốc đã tạm ngưng hoạt động phòng du lịch.
Các doanh nghiệp kinh doanh thị trường out-bound cho biết, lượng khách đăng ký giảm mạnh, điển hình như: Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ.
Theo đánh giá sơ bộ của khối các khách sạn từ 3 - 5 sao, phần lớn các khách sạn này đều gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh kéo dài, công suất bán phòng giảm 40- 50% so với cùng kỳ năm 2019, tổng doanh thu của cơ sở lưu trú du lịch giảm 60-70% so với cùng kỳ năm 2019, nhân sự giảm 30% so với thời điểm chưa có dịch bệnh (trong đó, phần lớn người lao động xin nghỉ việc không hưởng lương).
Khử trùng khách sạn thời dịch Covid-19 là việc làm thường xuyên.
Theo số liệu cung cấp của một số nhà hàng lớn trên địa bàn TP, lượng khách giảm từ 30-50%, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, kể cả các quán ăn nhỏ. Đối với các nhà hàng Hoa, lượng khách giảm đáng kể (khoảng 70%).
Bên cạnh đó, lượng khách đến tham quan các địa điểm du lịch giảm khoảng từ 30-40% so với cùng kỳ năm 2019; lượng khách tham quan chủ yếu là đi theo các chương trình du lịch đến từ các nước châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đón đầu du lịch nội địa
Trước tình hình khó khăn của ngành du lịch, các nhà quản lý họp lại cùng các công ty lữ hành tìm giải pháp để kích cầu du lịch, sẵn sàng đón đầu khi thị trường phục hồi, dịch bệnh được kiểm soát.
Theo bà Ánh Hoa, sau khi dịch bệnh được khống chế, tình hình du lịch địa phương sẽ có khả năng hồi phục nhanh, trước hết là thị trường khách nội địa. Nếu như dịch bệnh được kiểm soát tốt trong tháng 3, du lịch nội địa có thể hồi phục ngay khi vào mùa, mà cao điểm là từ cuối tháng 5.
Du khách chọn các tour du lịch an toàn, tránh vùng dịch.
“Khi dịch qua đi là thời kỳ phát triển bùng nổ của du lịch. Với kinh nghiệm đối phó dịch SARS năm 2003, ngay lập tức du lịch Việt Nam đã áp dụng chương trình kích cầu và có sự tăng trưởng đột phá sau đó. Thông thường, thị trường nội địa sẽ hồi phục nhanh nhất. Thị trường quốc tế phải mất 3-6 tháng mới hồi phục, nếu khai thác thị trường mới, phải mất 3 năm”, bà Ánh Hoa nhấn mạnh.
Theo đó, Sở Du lịch và Hiệp Hội Du lịch thành phố triển khai chương trình kích cầu du lịch phục hồi du lịch trong và sau dịch Covid-19 từ tháng 4 đến tháng 7.
Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành xây dựng các chương trình kích cầu du lịch với các hình thức khuyến mãi, giảm giá đặc biệt và tặng thêm các dịch vụ bổ sung cho khách du lịch. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng xây dựng các chương trình du lịch về các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh miền Đông Nam bộ giảm giá sâu nhằm thu hút người dân thành phố.
Tổng Cục Du lịch, Hiệp Hội Du lịch phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM và các doanh nghiệp bàn cách tháo gỡ khó khăn và kích cầu du lịch nội địa.
Bên cạnh đó, để chương trình kích cầu du lịch thực sự có hiệu quả, Sở Du lịch đã có kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, có chính sách miễn, giảm chi phí vé tham quan (từ 50% giá vé trở lên) tại các điểm tham quan; giảm hoặc miễn phí đậu xe tại các điểm cho xe đậu chờ khách.
Ngoài ra, Sở Du lịch TP.HCM đề xuất Tổng cục Du lịch các nhóm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, như đề nghị giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế của các doanh nghiệp du lịch.
Hỗ trợ miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch, vận chuyển, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Sở cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch.
Khai thác thị trường Úc, Ấn
Sở đã đề xuất Chính phủ xem xét, mở rộng đối tượng được miễn thị thực cho các thị trường Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Áo, Hà Lan... và tiếp tục thực hiện việc cấp thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu nhằm giúp các doanh nghiệp mở được thị trường mới. Đồng thời, có chính sách miễn lệ phí visa hoặc cấp visa điện tử dành cho các thị trường khách trọng điểm, thị trường khách tiềm năng có mức chi tiêu cao.
Điểm quan trọng là tăng cường xúc tiến du lịch trong nước, quốc tế, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế. Theo đó, tăng cường khai thác các thị trường tiềm năng như Úc, đặc biệt là̀ Ấn Độ - thị trường lớn, có mức chi tiêu cao sẽ bù đắp phần nào việc thiếu hụt từ đóng cửa với thị trường Trung Quốc hiện nay; tiếp tục duy trì xúc tiến các thị trường trọng điểm đặc biệt như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và ASEAN; ngoài ra, cần tăng cường thu hút du khách từ những thị trường xa như Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada.
Khuyến khích doanh nghiệp hàng không xem xét, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành (giảm giá vé máy bay từ 40-60%) và phối hợp trong triển khai thực hiện chuỗi giải pháp kích cầu du lịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.