Dân Việt

Trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương: Chuyên gia thấy "có vấn đề"

Huyền Anh 16/03/2022 19:30 GMT+7
Cái cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khiến không ít chuyên gia nhận định là "có vấn đề", thiếu trách nhiệm.

Đáp ứng nguồn cung là trách nhiệm của Bộ Công Thương

Trong phần trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội sáng nay (16/3) của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có nhiều nội dung khiến không ít chuyên gia thất vọng. Ví như khi bị chất vấn về việc nhiều cửa hàng đóng cửa để găm hàng đợi tăng giá thì Bộ trưởng này trả lời "nguồn nguyên liệu đầu vào của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn 100% nhập khẩu từ Kuwait. Trong bối cảnh nguồn cung tăng giá, dẫn tới việc khan hiếm nguồn cung, hay như việc các cửa hàng lấy xăng dầu nguồn từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, khi đơn vị này giảm công suất việc thiếu hàng khó tránh khỏi"

Bình luận về cách lý giải nguồn nguyên liệu đầu vào của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, TS Lê Đăng Doanh trao đổi với Dân Việt là thấy "có vấn đề". 

"Cách nói của Bộ trưởng Bộ Công Thương khiến cho người nghe có cảm giác Bộ này không hề có trách nhiệm trong câu chuyện cung – cầu xăng dầu trong nước. Hãy thử tưởng tượng xem, nếu như xăng dầu ở Hà Nội hay TP.HCM thiếu thì lúc đó dẫn tới tình huống như thế nào? Ở đây rõ ràng trách nhiệm là của Bộ Công Thương và người đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Cần phải xem xét kỹ trách nhiệm về dự báo, cân đối vĩ mô đối với nhu cầu trọng yếu như xăng dầu của Bộ Công Thương", ông Doanh nhấn mạnh.

Thấy gì từ câu trả lời chất vấn về xăng dầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: Thanh Phong)

Nói thêm về việc cho rằng, nguồn nguyên liệu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nhập từ Trung Đông, trong bối cảnh giá tăng cao nguồn cung khan hiếm là không thể tránh khỏi – theo lời Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, theo ông Doanh "làm gì có chuyện đó". Bởi, thế giới chưa đến mức khan hiếm như thế, do đó không đủ nguồn này thì phải tìm nguồn khác bù đắp. Nếu Bộ Công Thương làm tốt công tác dự báo, phân tích thị trường thì rõ ràng những vấn đề này sẽ không thể xảy ra. Tất cả hoàn toàn có thể quy trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Đồng quan điểm, TS.Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh với Dân Việt: "Không thể để xảy ra như thế lại đổ tại ông sản xuất. Quản lý nguồn cung xăng dầu là một trong những vấn đề quan trọng nhất của quản lý an ninh năng lượng, trong đó có 2 loại dự trữ là dự trữ lưu thông và dự trữ chiến lược.

Phải có những dự báo dự đoán để dự trữ từ trước. Bây giờ, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tuyên bố 2 tháng tới không cung cấp được đầu ra thì làm thế nào? Thế nên, đó là vấn đề điều hành năng lượng quốc gia mà người điều hành chiến lược năng lượng quốc gia, trong đó dự trữ lưu thông là Bộ Công Thương phải có trách nhiệm, phải có phương án trong trường hợp khẩn cấp".

Thấy gì từ câu trả lời chất vấn về xăng dầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Ảnh 2.

Một số cây xăng rơi vào tình trạng hết xăng do thiếu nguồn cung. (Ảnh: TP)

Biện pháp hỗ trợ an sinh không thể "nói suông"

Về việc điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu giảm tiếp các loại thuế, phí khác... Khi sử dụng hết công cụ thuế phí mà giá vẫn cao thì sẽ kiến nghị áp dụng các biện pháp hỗ trợ an sinh (sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền sử dụng các quỹ an sinh hỗ trợ các đối tượng nghèo, hỗ trợ thuế doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu) để giữ ổn định vĩ mô, giữ chỉ số CPI, không để đối tượng dễ tổn thương khó khăn thêm.

Bình luận về vấn đề này, theo ông Doanh đó chỉ là biện pháp xã hội không có tính chất giải quyết vấn đề về kinh tế vĩ mô. Mà vấn đề kinh tế vĩ mô ở đây chính là chúng ta phải tìm cách ứng phó với việc tăng giá xăng dầu trước những biến động giá xăng dầu trên thế giới.

TS.Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế lại cho rằng, giảm các loại thuế phí xăng dầu nhưng giá xăng vẫn tăng, thì trợ cấp cho người nghèo cũng là việc tốt, bởi vì giá cả leo thang người chịu tác động nhất chính là người nghèo.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý, không quốc gia nào có thể làm được như thế, vì xăng dầu là một trong những nguồn thu lớn của ngân sách nên sẽ chỉ có thể giảm mà không thể cắt hết các loại thuế, phí.

Còn theo TS.Vũ Đình Ánh, việc kiến nghị áp dụng các biện pháp hỗ trợ an sinh như đề cập ở trên, những người lãnh đạo có trách nhiệm nói thì phải rõ nguồn ở đâu, là cái gì?. Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói đề xuất hỗ trợ thì là hỗ trợ như thế nào. "Nói tóm lại là không thể nói suông như thế được", ông Ánh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Ánh, chúng ta đưa nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vào hoạt động nhưng không chủ động được nguồn cung xăng dầu, không có nguồn xăng dầu dự trữ bảo đảm, không chủ động được giá xăng dầu trong nước là câu chuyện lớn cần phải được làm rõ.

Ông Ánh khẳng định, với biến động giá xăng dầu thế giới như hiện nay, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu phải là giải pháp hàng đầu. "Nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước không được thiếu bằng bất cứ giá nào. Bộ Công Thương phải có trách nhiệm và có giải pháp kịp thời trong mọi thời điểm", ông Ánh nói.