"Bất ổn" ở Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn: Ai chịu trách nhiệm?

Thành An Thứ tư, ngày 16/03/2022 19:00 PM (GMT+7)
Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH, trước đây nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế cho rằng việc ký kết hợp đồng kinh tế tại Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam và đến nay kết quả rõ ràng đã hiện hữu.
Bình luận 0

Sáng 16/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, điều hành giá xăng dầu thời gian qua và nhiều nội dung khác.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tình hình xuất nhập khẩu, cung cấp xăng dầu, điều hành giá trong bối cảnh khó khăn "kép" khi nguồn cung trong nước bị ảnh hưởng một phần do cung ứng nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn không bảo đảm, cùng với tình hình phức tạp địa chính trị thế giới. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề cân đối xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng là rất quan trọng nên cần có câu trả lời dứt khoát làm rõ việc bảo đảm nguồn cung, trả lời thấu đáo biện pháp chắc chắn để bảo đảm vấn đề này.

Trong phiên chất vấn buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu, quản lý các cửa hàng bán lẻ…trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong nước giảm, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. 

"Bất ổn" ở Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn: Ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế nhận thấy bất ổn ở Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Trao đổi với PV Dân Việt ngay sau khi kết thúc buổi chất vấn sáng nay, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH đánh giá liên quan đến vấn đề giá xăng dầu, Bộ trưởng cũng nắm chắc khi đề cập đến các nguồn cung từ nhập khẩu rồi đến việc chúng ta bố trí tổ chức Nhà máy lọc hóa dầu ở Nghi Sơn và Bình Sơn...

"Hiện nay cơ sở ở Bình Sơn đang phải tăng công suất 100%, còn riêng Nghi Sơn là liên doanh kinh tế giữa Việt Nam và nước ngoài (Kuwait, Nhật Bản) việc này làm giảm sút sản lượng xuống còn 45-50%, hiện công suất cao nhất cũng chỉ còn 80% cho nên đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khan hiếm xăng dầu hiện nay", TS Lưu Bình Nhưỡng nói và cho rằng đây là vấn đề chúng ta phải khắc phục hậu quả của giai đoạn trước.

"Bất ổn" ở Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn: Ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 2.

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Thành An

Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, trước đây nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế cho rằng việc ký kết hợp đồng kinh tế tại Dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam và đến nay kết quả rõ ràng đã hiện hữu

"Trước đây, ông Trần Quang Chiểu – đại biểu Quốc hội đoàn Nam Định đã đăng đàn tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV nói về sự phi lý trong việc ký kết hợp đồng tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dẫn đến hiện nay chúng ta vừa mất tiền mà lại không có xăng dầu để dùng và phải chịu bất cứ giá cả nào theo thị trường thế giới.

Nghĩa là chúng ta phải chấp nhận tất cả những rủi ro về phía mình. Nhưng cái nguy hiểm nhất ở đây chính là việc chúng ta nhận rủi ro theo hợp đồng mà hiện nay nó không thực hiện được mục tiêu đặt ra, không cung cấp được sản lượng và lọc được xăng dầu cho Việt Nam và bản thân giá cả cũng không giảm dẫn đến chúng ta là người chịu hậu quả và bây giờ phải cùng nhau giải quyết 'quả bom nổ chậm' này", TS. Lưu Bình Nhưỡng nói.

Mặc dù vậy, TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trách nhiệm chính trong việc này đương nhiên vẫn phải là của Bộ Công Thương vì đây cơ quan trực tiếp chỉ đạo các tập đoàn xăng dầu, tập đoàn điện lực… "Tuy nhiên chúng ta phải hết sức lưu ý là không được đánh đồng mà phải xác định ở điểm nào, ai phải chịu trách nhiệm đến đâu?, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm.

"Bất ổn" ở Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn: Ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Thành An.

Xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu vi phạm

Trong buổi sáng nay, là một trong những đại biểu Quốc hội đăng đàn chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, chia sẻ với  PV Dân Việt, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đánh giá, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đăng đàn trả lời chấn vấn này mặc dù rất cầu thị và có trách nhiệm nhưng vẫn gặp một vài tình huống khó trong trả lời, có những nội dung chưa được Bộ trưởng trả lời thấu đáo, hết đại ý câu hỏi của đại biểu Quốc hội nêu ra làm cho chủ tọa phải nhắc nhở…

Vị đại biểu đoàn Đồng Tháp là Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng chỉ ra một số nội dung cử tri rất quan tâm mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên "chưa trả lời được" như tình hình ách tắc hàng hóa nông sản ở cửa khẩu còn tái diễn nữa hay không? - thì Bộ trưởng "không dám hứa còn hay không?".

Trước đó, trong phần chất vấn của mình, đại biểu Phạm Văn Hòa băn khoăn có hay không việc "găm hàng" xăng dầu từ tuyến vĩ mô, chứ không chỉ đại lý, bởi các đại lý xăng dầu trên địa bàn cho biết do nguồn cung của nhà điều hành ở cấp vĩ mô không đưa xuống, nên đại lý không có hàng để bán.

"Bất ổn" ở Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn: Ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 4.

Quang cảnh phiên rả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, điều hành giá xăng dầu thời gian qua và nhiều nội dung khác... của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, sáng 16/3. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, qua thanh tra 16.800/17.000 cửa hàng bán lẻ, có 211 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa. Trong đó, phần lớn do sự cố kỹ thuật, có nơi "găm hàng" chờ tăng giá. Còn nơi nói không có hàng vì họ nhập nguồn từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nên khi nhà máy đột ngột giảm nguồn cung thì không dễ đi nhận hàng đầu mối khác, nhưng số lượng này không nhiều. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo kịp thời chia sẻ nguồn cung từ hàng nhập khẩu và nguồn từ Nhà máy Bình Sơn nên chỉ sau một vài ngày đã khắc phục được.

"Lực lượng chức năng đang tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Nếu phát hiện doanh nghiệp đầu mối không thực hiện đúng chức năng thì dứt khoát xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ kinh doanh và rút giấy phép. Không có hiện tượng bao che, không cho qua chuyện", ông Diên nhấn mạnh.

Theo chia sẻ bên lề của phiên chất vấn, liên quan đến vấn đề xăng dầu, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) bày tỏ lạc quan khi Bộ trưởng Bộ Công Thương đã khẳng định về việc không thiếu nguồn cung xăng dầu cùng với đó Chính phủ đã có những biện pháp thích hợp trong chỉ đạo điều hành thời gian tới. Đó là sử dụng Quỹ bình ổn giá để kiềm chế độ tăng của giá xăng dầu. Đồng thời tăng hạn ngạch cho các đầu mối để tăng cường nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo được nguồn cung trong nước.

Tuy nhiên, tình trạng thiết hụt, khan hiếm xăng dầu vẫn diễn ra thì có phần trách nhiệm trong tổ chức điều hành của các cơ quan. Cùng với đó, Nghị định số 95/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có một số quy định bất cập như giảm thời gian dự trữ xăng dầu từ 30 ngày xuống còn 20 ngày; đưa ra quy định về việc nếu chu kì điều chỉnh giá xăng dầu trung với đợt nghỉ Tết thì sẽ chuyển sang kì tiếp theo. Trong bối cảnh thị trường thế giới đang biến động mạnh thì những quy định này không phù hợp gây khó khăn trong việc tiếp cận xăng dầu và giá xăng dầu tăng.

5 góp ý của TS. Lưu Bình Nhưỡng nhằm bình ổn giá xăng dầu

Trong trao đổi với PV Dân Việt, đóng góp ý về việc để bình ổn giá xăng dầu hiện nay, TS. Lưu Bình Nhưỡng đưa ra 5 vấn đề cần lưu ý.

Thứ nhất, phải đảm bảo được nguồn cung nhập khẩu, bởi hiện nay chúng sản xuất nhưng không đủ và phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nhập khẩu. Chính vì vậy, phải đảm bảo nguồn cung nhập khẩu xăng dầu cả thành phẩm dầu thô để lọc dầu. "Bản thân Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn như phiên chất vấn sáng nay là nhập khẩu dầu thô chứ không phải lấy dầu thô ở trong nước nên dẫn đến "khó khăn về tài chính". Tôi không hiểu khó khăn về tài chính của Nhà máy là gì? Đến nay chúng ta đã phải bỏ rất nhiều tiền cho nhà máy này…", TS. Lưu Bình Nhưỡng đặt nghi vấn.

Thứ hai, là nâng cao năng lực các nhà máy lọc dầu của Việt Nam như ở Bình Sơn, Dung Quất, Nghi Sơn…. Nghĩa là phải chuyển dầu thô trong nước vào các nhà máy để lọc và không bán dầu thô ra ngoài nữa.

Thứ ba, cần phải có chính sách tiết kiệm xăng dầu. Tránh sử dụng xăng dầu vào những việc không cần thiết. Đồng thời phải tổ chức dự trữ lượng xăng dầu. Ngoài ra, chúng ta phải chuyển các hoạt động không cần thiết sử dụng xăng dầu sang sử dụng các nguồn năng lượng khác để thay thế.

Thứ tư, chúng ta phải thiết lập sàn giao dịch về xăng dầu để đi theo cơ chế thị trường. Nếu để cho các "ông lớn" nắm là không được cho nên phải đảm bảo tính bình đẳng, xăng dầu phải "có sàn" thì nhà nước mới quản lý, tránh được sự lũng loạn của các ông lớn trong việc lợi ích nhóm.

Cuối cùng, TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng phải có chính sách đặc biệt đảm bảo an ninh về năng lượng đảm bảo an toàn cho cơ sở sản xuất, chế biến vận chuyển sử dụng xăng dầu. "Còn những vấn đề như giảm thuế, giảm phí thì cũng chỉ là những vấn đề tạm thời, không phải ý kiến chiến lược", ông kết lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem