Nép mình khiêm tốn ở dãy nhà phố san sát trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, chè Hiển Khánh là một tiệm chè rất nổi tiếng tại Sài Gòn suốt 60 năm qua.
"Thử chè thạch ở đây đi, quán này dùng hoa lài nấu với nước đường, nên vừa thơm vừa thanh, đặc biệt lắm", người bạn đi cùng bảo tôi khi đến chè Hiển Khánh (quận 3, TP.HCM).
Gọi thạch thập cẩm, chúng tôi được quán dọn ra 2 chén chè vun đầy bắt mắt. Thành phần trong đó gồm có thạch trắng, hạt sen, nhãn nhục, củ năng, thốt nốt và vải.
Thạch trắng ở đây chính là rau câu, tạo dạng sợi nhuyễn, ăn vào cứ trôi mướt trên đầu lưỡi.
Bà Nguyệt Minh, chủ quán, chia sẻ: "Lúc đầu, quán chỉ có bán 2 loại chè là thạch trắng với đậu xanh, sau này mới thêm nhiều món".
Quả thật, menu quán hiện có 23 món, là sự kết hợp của các thành phần nguyên liệu kể trên, cũng như đã tính cả các món khác ngoài chè thạch như yaourt, sâm bổ lượng, rau câu…
Cùng với thạch trắng, các nguyên liệu khác được quán chế biến kỹ lưỡng. Hạt sen mềm bùi. Củ năng giòn. Thốt nốt trong đục, dạng sáp dẻo. Nhãn nhục nở mọng… Tất cả đều mang hương vị ngọt ngào.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất có lẽ là hương vị nước đường. Bí quyết ở đây chính là hoa lài, được chọn lựa kỹ từng bông, cho vào nấu cùng, nên nước đường vừa thơm vừa ngọt, vừa thanh vừa mát, để lại hậu vị khó quên.
Một phần chè thạch thập cẩm ở Hiển Khánh có giá 30.000 đồng. Các loại chè khác giá từ 20.000 đến 27.000 đồng, riêng yaourt, rau câu chỉ 10.000 đồng.
Chủ quán cho biết tiệm cố gắng chọn nguyên liệu loại tốt để nấu chè, nên thực ra chỉ lấy công làm lời là chính.
Đến tiệm chè Hiển Khánh, nhiều người còn không quên thưởng thức các loại bánh mang đậm phong vị Bắc như bánh cốm, bánh phu thê, bánh đậu xanh… Bánh được bày "mời" sẵn trên bàn, khách không cần gọi, cứ tự nhiên lấy thưởng thức, ăn bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu.
Đứng trước tiệm chè Hiển Khánh tại số 718 Nguyễn Đình Chiểu, ấn tượng ban đầu đối với thực khách là tấm biển tên quán đầy nét hoài cổ. Dòng chữ "Hiển Khánh" theo lối kẻ tay cổ điển, dễ gợi nhắc người ta kỷ niệm của một thời.
Bước vào trong quán, bàn ghế bày thấp, một số bàn vẫn còn trải những tấm bạt nhựa phong cách "vintage" như ngược dòng thời gian, mà những năm gần đây rộ lên thành xu hướng. Thậm chí, quầy kính, nơi quán bày biện, phục vụ món cũng mang nét xưa.
Bà Nguyệt Minh cho biết "Hiển Khánh" vốn là tên một ngôi làng ở Nam Định, quê hương của 2 ông Nguyễn Quý Quyền và Trần Nghệ, những chủ nhân đầu tiên của tiệm. Vào Nam, mở tiệm chè mang lấy tên làng, đó chính là cách họ muốn nhắc nhở về cội nguồn, cũng như gửi gắm bao nỗi nhớ nhung.
Địa chỉ đầu tiên của tiệm chè Hiển Khánh nằm ở đường Đinh Tiên Hoàng, khu Đa Kao, quận 1. Đến năm 1965, chủ quán mở thêm một quán nữa ở đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 bây giờ, còn tiệm trước đó nay không còn nữa.
Đã qua 3 thế hệ, dễ hiểu vì sao, chè Hiển Khánh thường được nhắc đến như một phần ký ức khó phai của người Sài Gòn.
Trên tường quán hiện có treo những bài thơ cảm tác, cũng trong kiểu chữ kẻ tay trước năm 1975, mà ai bước vào cũng phải ấn tượng. Lẩm nhẩm đọc, thì đó là những dòng thơ vần dễ nhớ dễ thuộc, miêu tả các món ăn chính của tiệm như thạch trắng, chè đậu xanh, bánh phu thê…
Song, điểm nhấn ở đây có lẽ là bài thơ như "tuyên ngôn" đáng tự hào của quán:
"Ở đời hữu xạ tự nhiên hương
Ba thế hệ rồi Khách vẫn thương
Âu Á đi về tìm bảng hiệu
Bắc Nam qua lại nhớ tên đường
Chè ngon, bánh ngọt hương êm dịu
Thạch mát, đậu thơm vị khác thường
Hiển Khánh chỉ mong tròn chữ Tín
Ở đời hữu xạ tự nhiên hương"
Đọc xong bài thơ, hẳn không ít người sẽ gật gù, quả đúng như vậy.
Chè Hiển Khánh mở cửa từ 9h sáng tới gần 22h tối, song quán có thời gian nghỉ trưa, đóng cửa từ 12h30 đến 14h30 mới mở bán lại, nên khách tìm đến quán cũng cần lưu ý điểm này.
Trước đại dịch Covid-19, tiệm chè Hiển Khánh là một trong những địa chỉ ẩm thực được các công ty du lịch đưa vào city tour hoặc food tour, để du khách nước ngoài ghé đến thưởng thức.
Tới đây, khi đường bay quốc tế mở lại, hoạt động du lịch khởi sắc, tin rằng nơi đây cũng như nhiều quán ăn nổi tiếng khác ở Sài Gòn sẽ lại thêm đông vui như đã từng.