Giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk đã vượt mốc 41.000 đồng/kg. Trong hai ngày qua, cà phê Robusta tại Đắk Lắk đã có đợt tăng giá khá cao với mức tăng 1.000 đồng/kg.
Hiện cà phê nhân xô tại các vùng trọng điểm cà phê của Đắk Lắk như Buôn Hồ, Ea H'Leo, Cư M'gar được mua ở mức trung bình 41.400 đồng/kg. Tuy nhiên, trong sáng 18/3, giá cà phê tại tỉnh này có chiều hướng đi xuống. Ghi nhận của chúng tôi, các đại lý thu mua đang giảm giá mua vào, mức giảm từ 100-200 đồng/kg.
Tại các vùng trọng điểm cà phê Robusta khác của Tây Nguyên, trong hai ngày qua cũng có một đợt tăng giá khá cao. Mức tăng đạt 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cũng như tại Đắk Lắk, thị trường cà phê hôm nay lại đảo chiều.
Hiện các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, cà phê Robusta được mua ở mức 41.300 đồng/kg, giảm 100-200 đồng/kg so với hôm 17/3. Tại các huyện Di Linh, Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng, cà phê nhân được mua ở mức 40.800 đồng/kg.
Nhiều nông dân cho rằng cà phê bị cháy lá là hiện tượng bình thường, xảy ra do thời tiết bất lợi. Tuy nhiên theo các kỹ sư nông nghiệp đây là một loại bệnh. Bệnh này có ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng cà phê.
Kỹ sư nông nghiệp Lê Văn Định cho biết, bệnh cháy lá trên cây cà phê xuất hiện ở cả cây non và cà phê kinh doanh. Đối với cây cà phê kinh doanh, bệnh cháy lá có thể làm giảm 40-50% năng suất.
Triệu chứng của bệnh cháy lá ban đầu là các đốm màu nâu nhỏ trên cả lá non và cả lá già. Sau đó, các vết bệnh lớn hơn, lá bị tổn thương như bị bỏng nước sôi. Khi khô, những đốm này có màu nâu sáng. Khi bệnh nặng, phần cây phía trên có thể bị khô và chết.
Theo kỹ sư Định bà con cần nhận biết dấu hiệu của bệnh cháy lá và hiện tượng lá cây bị khô, héo do thiếu nước, sương muối... để kịp thời phòng trị. "Bệnh cháy lá không phải do thời tiết gây ra mà là do một loại vi khuẩn. Bệnh thường lây nhanh trong điều kiện ẩm ướt, nhiệt độ mát mẻ. Khi bị bệnh, cây bị giảm quang hợp nên sẽ ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, kết quả của cây cà phê"- kỹ sư Định nói.
Theo kỹ sư Định, để phòng bệnh đốm lá, bà con có thể tránh được bằng cách tưới nước thường xuyên nhưng không tưới quá ẩm. Đối với các vườn ươm, khi có cây con bị bệnh bà con nên để cách xa các cây khác để tránh lây lan.
Khi cây bị bệnh, bà con có thể chữa trị bằng cách phun lên lá các loại thuốc như Monceren, ThioM, Ridomil MZ Validamycin Benomyl... hoặc có thể tưới trực tiếp lên đất vào giai đoạn cây con.
Trong vườn cây lớn, ngoài việc phun thuốc, bà con nên cắt bỏ cành, lá bị bệnh nặng. Việc tthường xuyên vệ sinh vườn cũng là một cách làm giảm mầm bệnh. Đối với các vườn ươm, bà con nên để cây ở mật độ cây vừa phải, không tưới quá thừa nước....
"Điều kiện mỗi vườn cây sẽ khác nhau, do đó cách phòng trị bệnh cũng sẽ không giống nhau hoàn toàn. Vì vậy, tốt nhất bà con nên tư vấn cán bộ nông nghiệp địa phương để có cách phòng trị bệnh cháy lá hiệu quả nhất"- kỹ sư Định khuyến cáo.