Phát biểu trước các nhà chức trách tại Quốc hội Liên bang Đức vào hôm 17/3, ông Zelensky kêu gọi Thủ tướng nước này Olaf Scholz giúp phá hủy "bức tường" mới mà Nga đang xây dựng ở châu Âu thông qua xung đột với Ukraine.
"Đó không phải là Bức tường Berlin - đó là bức tường ở trung tâm Châu Âu, giữa tự do và cầm tù. Bức tường này ngày càng lớn hơn với mỗi quả bom được thả xuống lãnh thổ Ukraine", ông Zelensky nói với các nhà lập pháp Đức qua video trực tuyến.
"Thưa ông Scholz, hãy phá bỏ bức tường này", ông Zelensky nhấn mạnh.
Tổng thống Ukraine tuyên bố các thành phố của ông liên tục bị không kích và các lệnh trừng phạt đối với Nga là "quá ít" để ngăn chặn xung đột xảy ra, đồng thời ông cũng yêu cầu Đức hỗ trợ quân sự nhiều hơn. Ông nhắc lại yêu cầu thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine. Trước đó, yêu cầu liên tục bị các nhà lãnh đạo phương Tây từ chối do lo ngại leo thang xung đột với Nga.
Trong bài phát biểu, ông Zelensky có những lời lẽ khá gay gắt đối với nước Đức vì đã đặt nền kinh tế của mình lên trước an ninh của các nước khác, đồng thời chỉ trích một số mối quan hệ mà các doanh nghiệp Đức có với Nga.
Ông cũng cáo buộc chính phủ Đức hỗ trợ dự án đường ống Nord Stream 2, nhằm chuyển khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu. Ukraine nằm trong số các quốc gia phản đối dự án này và khẳng định nó có thể là mối đe dọa đối với an ninh châu Âu.
Ngoài ra, theo trang DW của Đức, Tổng thống Ukraine “trách móc” với các nghị sĩ Đức rằng "sự trợ giúp đã đến quá muộn để ngăn chặn chiến tranh" với Nga.
“Các vị vẫn đang tự bảo vệ mình sau một bức tường không giúp các vị có thể nhìn thấy những gì chúng tôi đang trải qua", ông nói thêm.
"Hoà bình quan trọng hơn thu nhập" - Tổng thống Zelensky nói.
Những ngày qua ông Zelensky đã liên tục có các bài phát biểu trực tuyến trược Quốc hội Mỹ, Quốc hội Canada và lần này là Quốc hội Đức về cuộc xung đột với Nga.
Chính phủ Đức đã phê chuẩn việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đến giờ Đức đã gửi 1.000 vũ khí chống tăng, 500 tên lửa đất đối không, và có nguồn tin nói là cả 2.700 tên lửa thời Liên Xô cho Ukraine.
Tuần này Đức cũng thông báo sẽ mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ, được cho là máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới.
Cuối tháng 2/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng thêm 100 tỷ euro, đánh dấu buowcs chuyển mạnh trong chính sách quốc phòng lâu nay của Đức là không bán hoặc gửi vũ khí tới các vùng chiến sự.
Song Đức vẫn khẳng định việc phản đối NATO tham gia vào chiến sự ở Ukraine, và nhấn mạnh rằng việc giảm căng thẳng là sống còn.
Moscow bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2. Trước đó, Nga yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu.