Tôi lớn lên ở làng Quất Tỉnh (xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội). Ở làng tôi, có đền thờ Mẫu mà ông ngoại tôi trước kia làm ông thủ từ nên tôi thường cùng ông lên đền dọn dẹp, chơi đùa ở sân.
Làng tôi nhỏ và nằm ngay cạnh con đường thiên lý cái quan (đường quốc lộ 1A) nên từ xa xưa người làng đã biết đi buôn bán, mở rộng quan hệ với nhiều nơi. Làng tôi nhỏ đến nỗi chỉ có một trục đường duy nhất chạy dài vài trăm mét từ cổng Đông đến cổng Tây, hai bên xung quanh là nhà và chỉ có vài trăm nóc nhà.
Ông ngoại tôi kể lại rằng, tên làng Quất Tỉnh ban đầu nghe khó hiểu nhưng thực ra cũng rất dễ hiểu. Cạnh làng là làng Quất Lâm và Quất Động, cả ba làng đều chung chữ Quất (có thể là chỉ cây quất vì chữ Quất có bộ Mộc trong chữ Nho), còn chữ Tỉnh được hiểu là nơi tập trung dân cư chứ không phải tỉnh lỵ nào cả.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, làng tôi vẫn còn giữ được 2 chiếc cổng làng cổ ở đầu làng và cuối làng, gọi là cổng Đông Lý và Tây Ấp. Cổng đầu làng hơi nhỏ, ô tô không vào được và được xây từ năm 1931, có nhiều người muốn phá cổng đi nhưng cũng rất nhiều người muốn giữ lại vì cổng rất cổ kính và gắn với một sự kiện trong kháng chiến chống Pháp, đó là chiếc xe tăng của giặc Pháp đã kẹt ở cổng không vào được làng, từ đó cũng giúp nhiều người theo cách mạng có thời gian trốn thoát.
Tuy nhỏ nhưng làng tôi lại có hệ thống các công trình tín ngưỡng đầy đủ gồm đình, chùa và đền. Đình làng thờ Thành hoàng làng Đào Văn Lôi - một vị tướng tài thời Lý, chùa thờ Phật, còn đền thờ Mẫu tam phủ, cả ba công trình đều quay về hướng Tây hướng ra cánh đồng làng và nằm cách nhau chừng trăm mét.
Đền có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người làng tôi và nhiều làng xung quanh, bởi nhiều khách thập phương cũng thường về đây dâng lễ, hầu đồng. Tôi nghe ông tôi kể lại rằng, xưa đền vốn thờ tam phủ, rồi sau đó các cụ cao niên xin rước chân linh của mẫu Liễu Hạnh ở đền Phố Cát (Thanh Hóa) về thay tượng mới. Nhưng lúc về, xin phép âm dương để thay tượng thì không được nên bèn giữ cả tượng cũ và tượng mới, thế là có hai tượng mẫu Liễu Hạnh (một áo đỏ, một áo trắng) nên người ta thường gọi là miếu hai cô. Ông tôi cũng không rõ đền được xây dựng từ năm nào, chỉ biết rằng trong đền vẫn còn đạo sắc phong cổ nhất thời vua Tự Đức nhà Nguyễn.
Ông ngoại tôi khi còn sống thường dành nhiều thời gian ở trên đền. Sau đền là vườn nhỏ, ông tôi thường trồng bưởi và một số loại rau, kể cả khi lúc ông tôi đã yếu, ngày nào ông cũng lên đền. Ông bảo, cứ lên đền là cảm thấy trong tâm trí thoải mái, lại thêm không gian đền có nhiều cây xanh mát mẻ làm ông yêu đời hơn. Ông tôi sinh ra từ làng, cả cuộc đời gắn bó với làng nên khi có tuổi, ai mời đi đâu du lịch ông tôi cũng không đi, dường như cái không gian làng là món ăn tinh thần hằng ngày không thể thiếu của ông tôi.
Ông tôi cũng rất "bận rộn" với công việc của một thủ từ, bởi đền nổi tiếng linh thiêng nên thường có nhiều người đến dâng lễ. Người xin tài lộc, người xin sức khỏe, trẻ xin học hành.... họ đến đều rất tín tâm, cho dù có xin được hay không thì họ vẫn đến thường xuyên, ít nhất thì đến đền cũng "gột rửa" được tâm hồn, tìm về một nơi an yên, cho mình những phút giây được buông xả.
Ngày nhỏ, tôi thường theo chân ông ngoại lên đền cùng mấy đứa em nhà cậu. Tuy không đi vào trong đền nhưng ông ngoại luôn yêu cầu chúng tôi phải ăn mặc chỉnh tề, tác phong ngay ngắn, không được nói tục và không được "nghịch quá chớn" trong đền, nếu không ông sẽ không cho đi theo. Tôi và đứa em con nhà cậu luôn ghi nhớ điều đó nhưng rồi cũng có lần "phá rào". Đứa em tôi mon men ra chơi gần bờ ao, chẳng may trượt chân xuống ngã, lúc đó ông tôi ở sau vườn chạy tới, cho dù sức ông đã yếu, trời lại lạnh buốt nhưng ông không cần tri hô ai đến trợ giúp mà nhảy ngay xuống ao cứu đứa cháu.
Lên đến bờ, ông tôi vội đưa nó về nhà rồi thay quần áo cho nó đỡ bị cảm lạnh. Nhưng rồi ông cũng chẳng trách mắng chúng tôi, ông chỉ bảo rằng "thôi lần sau ở nhà nhé, ông không cứu được mãi đâu", đứa em tôi sợ vàng mắt và từ đó chẳng dám bén mảng tới ao nước trước đền nữa.
Ông ngoại tôi có vẻ bề ngoài thì cao lớn, trông hơi khó tính nhưng thương chúng tôi lắm, chị em chúng tôi lớn nhưng ông vẫn thường bế trên tay, dắt đi chơi khắp làng. Đi qua hàng quán nhỏ của bà Nhàn, chúng tôi nhõng nhẽo một lúc là lại được ông mua quà cho, bố mẹ tôi có mắng chuyện gì thì ông ngoại luôn là người đầu tiên đứng ra bảo vệ chúng tôi... Bây giờ, quán nhỏ bà Nhàn vẫn còn nguyên đó chưa hề bị phá đi, mỗi lần đi qua nhìn bọn nhỏ mua quà, tôi lại nhớ đến hình ảnh ông ngoại bế chúng tôi, dỗ dành chúng tôi ngày nào.
Tôi rất thích đến ngày hội làng, làng tôi hội không quá lớn nhưng được cái mọi người trong làng đều gác lại mọi công việc để tham gia. Hội làng rước thánh từ đình sang đền, tuy là đoạn đường ngắn nhưng dường như ai cũng muốn đi thật lâu để thưởng thức không khí lễ hội...
Tuổi thơ của tôi là những ngày tháng vui đùa, được yêu thương bởi ông ngoại, gắn liền với ngôi làng nho nhỏ ven đường sắt Thống Nhất, mỗi đêm ngủ đường sắt đi qua là tôi cảm nhận rung cả giường như cơn địa chấn nhỏ. Thấp thoáng thời gian đã trôi qua gần hai chục năm, ông ngoại tôi đã mất và đền đã có cụ thủ từ mới. Cơ duyên đưa tôi trở lại định cư tại làng làm bao ký ức tuổi thơ trỗi dậy và dĩ nhiên tôi vẫn thường duy trì thói quen lên đền vừa để lễ mẫu, lễ thánh vừa để tìm lại những kỷ niệm xưa, nơi có bóng dáng của ông ngoại đang quét sân, làm cỏ vườn....
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!