Kể chuyện làng: Trắng màu hoa bói

Lê Nguyên Khôi Thứ bảy, ngày 12/03/2022 06:38 AM (GMT+7)
Làng Giảng Hòa quê tôi nằm phía bờ Bắc sông Thu Bồn, hai bãi cát chạy dài ôm lấy làng trông thật kiều diễm, mùa đông trông làng như một ốc đảo bởi nước lũ vây quanh. Đầu làng về phía thượng nguồn là bãi bồi rộng, quanh năm bãi bồi lặng thầm chở che cho đất, cho làng.
Bình luận 0

Năm 1999 để bảo vệ người dân trước sự xâm lấn ngày càng khốc liệt của các "cơn hồng thủy", chính quyền đã cho di dời người dân làng tôi đến tái định cư tại khu Đồng Cát thuộc thôn Phú Thuận, xã Đại Thắng. Nhịp sống của người dân tại khu dân cư mới ngày càng ổn định, làng mới được xây dựng khang trang, tiện ích hơn. Tuy vậy, người dân vẫn không nỡ từ bỏ mảnh vườn quê và không gian sống đã bao đời gắn bó nên tiếp tục bám trụ với vườn tược, những người lớn tuổi đến mùa mưa lũ mới rời làng về khu tái định cư rồi lại tiếp tục quay về làng sinh sống, canh tác trên đất, một số gia đình ban ngày làm lụng, gắn bó với làng cũ đến đêm thì về nghỉ tại khu tái định cư mới, cuộc sống cứ thế đi về giữa làng cũ và mới.

Kể chuyện làng: Trắng màu hoa bói - Ảnh 1.

Hoa bói làng Giảng Hòa. Ảnh: Lê Nguyên Khôi

Kỳ lạ là từ sau khi chuyển đến khu tái định cư mới đến nay, làng không bị sạt lở thêm và một số vị trí lại được bồi đắp phù sa màu mỡ, quang cảnh làng quê nhộn nhịp trở lại, xanh và khang trang hơn. Con đường chính chạy giữa làng giờ đã được mở rộng và bê tông hóa thật đẹp, không còn cảnh mưa bùn, nắng bụi. Chiếc cầu tre ọp ẹp bắt qua con lạch dẫn vào làng đã được thay thế bằng chiếc cầu bê-tông kiên cố. Xe ô tô của những người con xa quê về thăm làng giờ được đi tới tận nhà, không còn cảnh gửi xe rồi cuốc bộ qua bãi cát dài như trước đây.

Nỗi lo mất làng ngày một lùi xa trong suy nghĩ của nhiều người dân quê tôi. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Đại Thắng cho biết, chủ trương của Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã Đại Thắng là thực hiện đề án xây dựng khu vực làng Giảng Hòa (cũ) thành làng du lịch văn hóa sinh thái nhằm thu hút khách du lịch cộng đồng, tạo cảnh quang và sinh kế cho bà con.

Thiết nghĩ đây là hướng đi đúng, bởi lẽ làng Giảng Hòa có tiềm năng để phát triển thành làng du lịch cộng đồng. Đây là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, giàu truyền thống văn hóa, quê hương của danh sĩ Tú Quỳ. Trong sự hồi sinh và ngăn chặn sự xói lở của làng có sự chung tay và góp công thầm lặng của cây bói, chính là "vị thần" đã giữ cho làng khỏi bị "thủy thần" làm sạt lỡ, cuốn trôi. Với bộ rễ chùm cắm khá sâu và bám chặt xuống mặt cát nên không chỉ bảo vệ làng, cây bói còn giúp giữ phù sa của dòng sông vào mùa mưa lũ để phủ lên mặt cát, tạo đất sản xuất người dân nơi đây.

Kể chuyện làng: Trắng màu hoa bói - Ảnh 2.

Đường vào làng Giảng Hòa ngày nay. Ảnh: Lê Nguyên Khôi

Tuổi thơ tôi gắn liền với bãi bói đầu làng trắng xóa cát bay, với những rừng bông bói trắng thật đẹp, yên bình. Mỗi ngày ngoài giờ đi học, tôi và các bạn chăn bò trên bãi bói, những ngọn bói non là thức ăn những chú bò rất thích, cảm giác đứng giữa bãi bói nghe tiếng bò ngặm cỏ rào rạc thật thích. Những lúc hứng chí, chúng tôi bày trò đánh trận giả, lấy bông bói làm cờ, bò làm ngựa, trên lưng bò lũ trẻ ai cũng tranh nhau làm tướng, có khi đánh trận giả biến thành đánh trận thật bởi không ai chịu nhường ai.

Những lúc gần đến mùa thi thì mỗi người lại tìm một bãi cỏ, xung quanh có những bụi bói vươn cao để học bài, học chán chúng tôi lại nằm dài trên cỏ ngước nhìn lên bầu trời xanh, nhìn những đám mây với hình thù khác lạ gối đầu lên nhau hoặc đang lững lờ trôi, bao cảm giác mệt mỏi như tan biến theo những làn mây trắng xanh. Nhưng ký ức tuổi thơ khó có thể phai mờ trên bãi bói là những lần chúng tôi đuổi bắt chim cuốc. Trong bãi bói rất nhiều chim cuốc. Chim cuốc đuôi ngắn, khoác lên mình một bộ cánh màu xám nâu trên lưng, màu trắng dưới bụng, "những con chim cuốc cụt đuôi, sống ngoài bờ bãi ai nuôi mập ù", thoạt nhìn khiến người ta thích thú và luôn mong muốn được chinh phục những chú chim nhỏ.

Thường chúng tôi chuẩn bị trước những tấm mành tre để rào chắn phía đầu bãi bói, chừa một chiếc lồng nhỏ để chim cuốc chui vào. Chúng tôi dàn thành hàng ngang, mỗi người trên tay cầm một chiếc vỏ lon sữa bò, bên trong có đựng vài ba hạt sạn, chúng tôi vừa đi vừa rung mạnh lon tạo âm thanh lớn để đuổi chim cuốc chạy về phía đầu bãi bói, khi vòng vây được siết chặt, chim cuốc chạy về phía bờ rào đã được giăng ngang và chui vào chiếc lồng đã chờ sẵn.

Thật khó có thể diễn tả niềm vui của chúng tôi khi nhìn thấy những chú chim cuốc nháo nhác, quẫy đạp khi đã sập bẫy trong chiếc lồng nhỏ. Người ta nói chim cuốc rất chung thủy, nên những con chim cuốc lẻ bạn sẽ suốt này kêu Quốc! Quốc! Quốc… thanh âm tiếng kêu đó cứ dội vào bãi bói, lan ra chạm vào tâm hồn non trẻ chúng tôi những điều day dứt mà mãi sau này chúng tôi mới hiểu được. Khi đã thấu hiểu tiếng kêu than của loài chim cuốc, chắc rằng mỗi chúng tôi đều không muốn quay về với trò đuổi bắt chim cuốc ngày nào và trò đuổi bắt chim cuốc nơi bãi bói chỉ còn là ký ức khó phai mờ trong mỗi chúng tôi.

Những người con xa quê hẳn không thể quên màu trắng hoa bói, những cây bói như chứng nhân nuôi dưỡng bao ký ức tuổi thơ, những cây bói thầm lặng đang hàng ngày chở che, giữ đất cho làng như người dân quê tôi đã âm thầm, lặng lẽ, chống chịu trước bao hiểm họa ngoại xâm và sự khắc nghiệt, tàn phá của thiên nhiên để giữ đất, giữ làng. Chợt nghĩ, nếu một ngày làng quê tôi trở thành làng du lịch sinh thái cộng đồng, có lẽ trong bức tranh đa sắc màu níu chân du khách, màu hoa bói sẽ bật lên như một điểm nhấn khó phai mờ. Nhớ về làng, mãi không thể quên vùng cát quê tôi trắng màu hoa bói.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem