Trước những lo ngại về chống độc quyền và an ninh mạng, các nhà quản lý Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện một cách tiếp cận mạnh tay hơn, nhằm kiềm chế sự phát triển của những gã khổng lồ công nghệ nước này trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mới đây, Tập đoàn Alibaba (9988.HK) và Tencent Holdings (0700.HK) đang chuẩn bị cắt giảm hàng chục nghìn nhân viên trong năm nay trong một trong những đợt sa thải lớn nhất của họ, khi các công ty internet này cố gắng đối phó với sự càn quét của Trung Quốc, tờ Reuters dẫn tin.
Mặc dù Alibaba vẫn chưa xác định sẽ cắt giảm nhân viên thuộc bộ phận nào, song tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc này dự kiến sẽ sa thải khoảng 39.000 nhân viên, chiếm tới 15% tổng số nhân lực của tập đoàn. Trong khi đó, Tencent, ông lớn sở hữu nền tảng ứng dụng nhắn tin WeChat của Trung Quốc được cho cũng có kế hoạch tương tự. Các nguồn tin dự báo đơn vị giám sát các hoạt động kinh doanh bao gồm phát trực tuyến video và tìm kiếm sẽ bị cắt giảm 10% -15% số nhân lực trong tổng số hơn 94.000 nhân viên của họ.
Hiện tại, Alibaba và Tencent chưa đưa ra phản hồi gì trước thông tin này. Nếu được triển khai, đây sẽ là đợt sa thải lớn đầu tiên của họ kể từ khi các cơ quan quản lý Trung Quốc khởi động một chiến dịch chưa từng có cách đây một năm rưỡi nhằm kiềm chế sự "bành trướng" của các công ty công nghệ khủng này, khi họ nắm giữ kho dữ liệu khổng lồ từ hàng trăm triệu người dùng, sau nhiều năm tiếp cận theo phương thức tự do đã thúc đẩy họ tăng trưởng với tốc độ chóng mặt.
Trước khi xuất hiện thông tin mới này, các nguồn tin từ truyền thông địa phương tại Trung Quốc gần đây cho biết, Alibaba đã bắt đầu sa thải dần nhân viên vào tháng trước. Nguồn tin này cho biết thêm, họ đã thảo luận về việc cắt giảm việc làm với một số đơn vị kinh doanh vào tháng trước để họ lên kế hoạch cụ thể quy mô hơn. Thế là, lần lượt một số đơn vị kinh doanh được đưa vào tầm ngắm nhanh chóng kể từ đó.
Nguồn tin khác cho biết, mảng dịch vụ tiêu dùng địa phương của Alibaba, bao gồm doanh nghiệp giao đồ ăn Ele.me và các dịch vụ giao hàng và lập bản đồ hàng tạp hóa khác có ý định sa thải tới 25% nhân viên của mình, trong khi đó đơn vị phát trực tuyến video Youku của công ty cũng đang có kế hoạch sa thải. Nguồn tin cho biết, điều đó bao gồm việc dự kiến sa thải một nhóm chịu trách nhiệm sản xuất các chương trình cho trẻ em.
Có thể thấy, cuộc đàn áp quy định, cùng với nền kinh tế chậm lại đã làm chậm tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng của hầu hết các công ty internet, phá vỡ giá cổ phiếu của họ, đồng thời khiến việc huy động vốn mới và mở rộng kinh doanh trở nên khó khăn hơn nhiều ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, buộc các công ty như Alibaba và Tencent để tìm cách cắt giảm chi phí hoạt động.
Vào tháng 2/2022, Alibaba đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu hàng quý chậm nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2014, do doanh số bán hàng ở mảng kinh doanh cốt lõi của mình giảm và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Alibaba cho biết doanh thu của tập đoàn đã tăng khoảng chỉ 10% trong tháng 10-12 năm 2021 lên 242,6 tỷ nhân dân tệ (38,37 tỷ USD), đánh dấu lần đầu tiên mức tăng trưởng doanh thu hàng quý giảm xuống dưới 20%.
Trong khi đó, doanh thu quản lý khách hàng, một số liệu quan trọng theo dõi số tiền mà người bán chi tiêu cho quảng cáo và khuyến mại trên các trang web của Alibaba cũng đã giảm 1% so với cùng kỳ năm 2020. Điều đó đánh dấu lần đầu tiên doanh thu của mảng này (vốn chiếm 41% tổng doanh thu của Alibaba) đã giảm kể từ khi công ty IPO. Thậm chí, trong sự kiện khuyến mại Ngày Độc thân hàng năm của Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái, công ty đã ghi nhận mức tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa là 8,5%, đó là một mức thấp kỷ lục.
Alibaba cũng đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các đối thủ như Douyin thuộc sở hữu của ByteDance và Kuaishou, những công ty đã tận dụng xu hướng phát trực tiếp thương mại điện tử đang bùng nổ.
Oshadhi Kumarasiri, một nhà phân tích tại Lightstream Research cho biết: "Có vẻ như Alibaba đang gặp khó khăn trong việc duy trì quỹ đạo tăng trưởng ở hầu hết các thị trường bao gồm cả mảng kinh doanh đám mây". Các cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của công ty này đã mất khoảng 60% giá trị trong 12 tháng qua, trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục áp dụng chính sách đàn áp đối với một số ngành nhất định.
Alibaba cũng đã phải chịu áp lực kể từ cuối năm 2020 khi người sáng lập tỷ phú Jack Ma công khai chỉ trích hệ thống quản lý của Trung Quốc, gây ra một chuỗi sự kiện chứng kiến Bắc Kinh "tát" công ty này với khoản tiền phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD và đưa ra một loạt quy định mới cho lĩnh vực internet của họ.
Theo các nguồn tin khác về kế hoạch của Tencent, việc sa thải công ty cũng sẽ bắt đầu từ các mảng kinh doanh thua lỗ hoặc ít sinh lời hơn như Tencent Video và Tencent Cloud. Trong cuộc họp nội bộ tại Tencent vào cuối năm 2021, giám đốc điều hành Pony Ma nói với nhân viên rằng, công ty nên chuẩn bị cho một "mùa đông", theo hai nguồn tin khác cho biết điều này khiến một số nhân viên bất an về công việc của họ. Tencent có 94.182 nhân viên vào tháng 6 năm 2021 so với 70.756 một năm trước đó, theo báo cáo tạm thời của năm 2021.
Không riêng gì Alibaba và Tencent, tập đoàn chia sẻ xe lớn nhất Trung Quốc là Didi Global Inc cũng đang có kế hoạch cắt giảm 15% lực lượng lao động do hoạt động kinh doanh trong nước bị ảnh hưởng bởi các quy định mới.