Một năm sau cú vạ miệng lịch sử của tỷ phú Jack Ma, Alibaba mất những gì?

Huỳnh Dũng Thứ năm, ngày 28/10/2021 08:12 AM (GMT+7)
Ít ai có thể dự đoán được vòng xoáy đi xuống thê thảm của Alibaba, khi người sáng lập Jack Ma đưa ra lời chỉ trích thẳng thừng về hệ thống tài chính của Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái.
Bình luận 0

Cú vạ miệng đi vào lịch sử, bắt đầu chuỗi ngày sóng gió của Alibaba

Vào ngày 24/10/2020, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính Thượng Hải lần thứ 2, Jack Ma có phát ngôn gây sốc khi chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc là "tiệm cầm đồ". Ở đây, ý ông nói tới cơ chế chỉ dựa vào thế chấp tài sản khi cho vay khiến một số công ty phải thế chấp toàn bộ những gì họ có, gây áp lực rất lớn. Không chỉ vậy, ông còn cho rằng chính quyền đang kìm hãm nỗ lực đổi mới, "dùng cách quản lý ga tàu để vận hành sân bay" trong thời buổi thế giới bước vào nền tài chính điện tử.

"Ngày hôm đó, Jack Ma đã vượt qua cái ranh giới vô hình vốn phân định cái gì nên và không nên nói ra", nhà phân tích Trung Quốc Chrisitina Boutrup nhận định.

Alibaba xoa dịu nước nhà, giúp Trung Quốc đạt được 'sự thịnh vượng chung'. Ảnh: @AFP.

Alibaba xoa dịu nước nhà, giúp Trung Quốc đạt được 'sự thịnh vượng chung'. Ảnh: @AFP.

Điều gì đến cũng phải đến, giới truyền thông cho rằng phát ngôn trên đã làm phật lòng giới lãnh đạo và khởi động cho chuỗi ngày khó khăn đối với không chỉ Jack Ma mà còn cả tập đoàn Alibaba.

Không lâu sau bài phát biểu của Jack Ma, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu đình chỉ vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group, công ty công nghệ tài chính thuộc Alibaba. Không dừng tại đó, Bắc Kinh còn tiến hành một chiến dịch siết chặt kiểm soát đối với một loạt lĩnh vực đang phát triển bùng nổ ở Trung Quốc gồm công nghệ, giao hàng thực phẩm, giáo dục trực tuyến…, khiến giá cổ phiếu thuộc các lĩnh vực này lao dốc chóng mặt.

Tiếp tục vào tháng 4/2021, Cục Quản lý nhà nước về quy chế thị trường (SAMR) Trung Quốc đã đưa ra mức án phạt 18,23 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỷ USD) đối với Alibaba vì tội Alibaba lợi dụng vị thế thống trị thị trường của mình để trục lợi, cạnh tranh không công bằng. Mức phạt này tương đương 4% doanh thu của Alibaba và đây cũng là khoản phạt lớn nhất về độc quyền đến nay tại Trung Quốc.

Sau đó, Alibaba cũng bị yêu cầu triển khai "các biện pháp khắc phục, tái cơ cấu hoạt động toàn diện, bao gồm luôn cả tăng cường kiểm soát nội bộ, duy trì cạnh tranh công bằng, bảo vệ các doanh nghiệp trên nền tảng của mình và quyền lợi của người tiêu dùng.

Alibaba bay màu 344 tỷ USD vốn hóa một năm sau sự cố vạ miệng của Jack Ma. Ảnh: @AFP.

Alibaba bay màu 344 tỷ USD vốn hóa một năm sau sự cố vạ miệng của Jack Ma. Ảnh: @AFP.

Như vậy, tính đến nay một năm sau sự cố, theo trang Bloomberg đưa tin thì giá trị vốn hóa của gã khổng lồ thương mại điện tử này đã mất 344 tỷ USD, và đây cũng được xem là mức sụt giảm lớn nhất trên toàn cầu. Đứng sau Alibaba là các tập đoàn Kuaishou Technology, Ping An Insurance, Tencent, Zoom...cũng rơi và thảm cảnh tương tự.

Không chỉ dừng tại đó, giá cổ phiếu Alibaba vì vậy đã giảm từ đỉnh kỷ lục vào tháng 10/2020 xuống mức thấp nhất từ trước đến nay cách đây 3 tuần trên thị trường Hong Kong, trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường giám sát các hoạt động của hãng công nghệ này và thúc giục Alibaba tái cấu trúc mảng fintech.

Tính đến nay, giá cổ phiếu Alibaba đã phục hồi 30% từ mức thấp ngày 5/10. Tuy nhiên, mức giá phục hồi này vẫn thấp hơn 43% so với đỉnh hồi tháng 10/2020. Nhìn chung thì giá trị cổ phiếu của Alibaba giảm mạnh nhất trong năm qua trên toàn cầu.

Ngoài nguyên nhân trên, có một thủ phạm khác gây ra tình trạng bất ổn trong giá cổ phiếu một phần là do trong năm nay có một số báo cáo thu nhập không đạt được kỳ vọng ở lợi nhuận cao nhất, cũng như việc tiếp tục gia tăng các cuộc tấn công pháp lý nhằm vào các gã khổng lồ internet của Trung Quốc.

Trong khi đó, cũng vào giữa tháng 8, Cục Quản lý Thị trường Nhà nước Trung Quốc cũng đã ban hành một danh sách toàn diện các quy tắc cấm các gã khổng lồ công nghệ thu thập và sử dụng bất hợp pháp dữ liệu khách hàng, hoặc sử dụng công nghệ để truy cập vào các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Là một trong những nền tảng công nghệ "kế thừa" lớn hơn và mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc, Alibaba có lẽ có nhiều thứ để mất hơn trên các mặt trận này so với các đối thủ cạnh tranh khác, bởi các quy tắc nhằm san bằng sân chơi. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cũng bắt đầu làm việc về các quy tắc để đảm bảo phúc lợi của các tài xế giao hàng, điều này có thể ảnh hưởng đến chi phí giao hàng cho các công ty con Ele.me và Freshippo của Alibaba. Chung quy lại thì hàng loạt các quy định mới đã dần làm tổn hại đến tài chính cũng như giá cổ phiếu của Alibaba.

Nhìn chung thì giá trị cổ phiếu của Alibaba giảm mạnh nhất trong năm qua trên toàn cầu. Ảnh: @AFP.

Nhìn chung thì giá trị cổ phiếu của Alibaba giảm mạnh nhất trong năm qua trên toàn cầu. Ảnh: @AFP.

Tới mục tiêu xoa dịu giúp Trung Quốc đạt được 'sự thịnh vượng chung'

Vào đầu tháng 9/2021, Alibaba thẳng thừng tuyên bố đang rót 100 tỷ nhân dân tệ (15,5 tỷ USD) vào nỗ lực đạt được "sự thịnh vượng chung" của Trung Quốc, đánh dấu cam kết lớn mới nhất của một công ty Trung Quốc nhằm ủng hộ chính sách phát triển thịnh vượng trọng tâm của nước nhà.

Cụ thể, gã khổng lồ công nghệ đã công bố rằng, họ sẽ chi tiêu số tiền đáng kinh ngạc trên từ giờ đến năm 2025 với 5 ưu tiên: đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế, tạo ra "việc làm chất lượng cao", hỗ trợ các cộng đồng dễ bị ảnh hưởng và thành lập một quỹ phát triển đặc biệt.

Alibaba cũng đưa ra 10 mục tiêu cụ thể mà họ có kế hoạch giải quyết, từ việc tăng cường đầu tư công nghệ ở các khu vực kém phát triển hơn của đất nước, cải thiện phúc lợi của người lao động đến làm mọi thứ để tăng tốc độ phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và nông nghiệp. Alibaba cũng đang thành lập cái mà họ gọi là "Ủy ban làm việc vì sự phát triển thịnh vượng", sẽ do Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Daniel Zhang điều hành.

"Alibaba là người hưởng lợi từ tiến bộ kinh tế và xã hội mạnh mẽ ở Trung Quốc trong 22 năm qua. Chúng tôi tin chắc rằng, nếu xã hội phát triển tốt và nền kinh tế hoạt động tốt thì Alibaba cũng sẽ làm tốt như vậy", Giám đốc điều hành Daniel Zhang nói trong một tuyên bố.

Ngoài ra, Alibaba cũng cho biết họ sẽ tài trợ 372 triệu đô la cho sự phát triển của khu vực nông nghiệp và các khu vực nông thôn của Trung Quốc. Tương tự, Tencent ( TCEHY ) vào tháng 8 trước đó đã thông báo rằng, họ sẽ dành 50 tỷ nhân dân tệ (7,7 tỷ USD) để đạt được mục tiêu của Bắc Kinh vì mục tiêu "thịnh vượng chung". Công ty này cho biết họ sẽ hướng tới việc giúp tăng thu nhập cho người nghèo và giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục, cùng một số các sáng kiến khác.

Mục tiêu cuối cùng là gì?

Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của "sự thịnh vượng chung" như một mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, với việc truyền thông nhà nước ngày càng nêu bật tầm quan trọng của việc phát triển thịnh vượng chung.

Bản thân cụm từ này có ý nghĩa lịch sử ở Trung Quốc, và việc ông Tập nhắc đến thuật ngữ này cũng lặp lại việc Chủ tịch Mao Trạch Đông từng sử dụng nó trong thế kỷ trước. Hồi đó, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản cũng chủ trương "thịnh vượng chung" như một cách để cải tổ, phát triển thịnh vượng cho nước nhà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem