Ngay sau vụ cô gái 22 tuổi tử vong sau khi nâng mũi ở Hà Nội ngày 16/3 thì ngày 18/3, tại TPHCM, 1 phụ nữ sinh năm 1989 đã tử vong sau phẫu thuật nâng ngực.
Nạn nhân là chị N.T.N.N (sinh năm 1989, quê Đồng Tháp), được gia đình phát hiện đã tử vong tại Bệnh viện 1A (TP.HCM). Theo lời người nhà, 11h30 ngày 18/3, chị N. nhập viện để phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện 1A . Đi cùng có người nhà, bạn thân của nạn nhân.
Đến chiều cùng ngày, thấy nạn nhân vẫn chưa có hồi âm nên đi hỏi, tìm thì phát hiện chị N đã tử vong trong phòng bệnh của bệnh viện.
Hiện công an quận Tân Bình, TP.HCM đã làm việc với Bệnh viện 1A về vụ việc.
Trước đó, ngày 6/12/2021, Bệnh viện Nhân Dân 115, TP.HCM đã tiếp nhận 1 trường hợp bị tai biến thẩm mỹ. Nữ bệnh nhân là chị H.T.N. (31 tuổi, ngụ tại Quận 8) được chuyển đến cấp cứu vào rạng sáng cùng ngày trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn, tím tái toàn thân.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, vào chiều 5/12, nữ bệnh nhân đã được thực hiện phương pháp hút mỡ bụng và nâng mũi làm đẹp tại 1 cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn Quận 1.
Ngoài ra, các bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân 115 cũng cấp cứu 1 trường hợp tai biến sau thẩm mỹ khác nhưng bệnh nhân cũng không qua khỏi. Cụ thể, bệnh nhân nữ 24 (ngụ Quận 10) vào một thẩm mỹ viện trên đường Độc Lập, quận Tân Phú để thẩm mỹ vùng lưng.
Sau khi được ủ tê da vùng lưng, bệnh nhân bị co giật và sau đó diễn tiến nặng, khó thở, tím tái. Thẩm mỹ viện đã gọi xe cấp cứu chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân Dân 115. Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, đặt nội khí quản. Tuy nhiên, đến 16h30' cùng ngày, bệnh nhân đã tử vong.
Kết luận ban đầu, bệnh nhân tử vong do ngưng tuần hoàn hô hấp khi thực hiện thủ thuật thẩm mỹ có dùng thuốc tê.
Ngày 16/10/2021, bà N.T.N.Th. (50 tuổi, ngụ Q. Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cùng chồng là ông Bùi Ngọc Vĩnh đến Bệnh viện thẩm mỹ GangWhoo (Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) để hút mỡ bụng.
Chỉ đến 15h ngày 17/10/2021, bà Th được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Tuy nhiên, đến 21h ngày 18/10, bà T. qua đời. Kết luận của Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, viêm cân hoại tử, hậu phẫu hút mỡ bụng ngày 3, bệnh lý tăng huyết áp.
Đáng kể đến là vụ chủ cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ chết người sau đó cùng con gái chở xác đi "lang thang" nhờ mai táng tại Trà Vinh.
Cụ thể, khoảng 22h30 ngày 4/7, Công an tỉnh Trà Vinh nhận tin báo của người dân về việc 2 người từ TP Hồ Chí Minh lái ôtô chở thi thể một cô gái đến trại hòm ở xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè nhờ khâm liệm và mai táng. Qua làm việc, công an xác định hai người đi ôtô là Phan Đức H. (59 tuổi) và con gái (17 tuổi), ở phường Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP Hồ Chí Minh.
Theo lời khai ban đầu của ông H. sáng 3/7, chị N.T.T. (30 tuổi, ngụ phường Bình Trị Đông, Q. Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) đến phòng khám của ông H. để phẫu thuật nâng ngực. Trong quá trình phẫu thuật, cô gái này tím tái, khó thở rồi tử vong. Sau đó, chủ phòng khám đưa thi thể nạn nhân lên ôtô rồi cùng con gái chở đến huyện Cầu Kè.
Nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ cải thiện nhan sắc ngày càng cao, kéo theo đó là các ca tử vong, nhan sắc biến dạng, tàn tật do làm đẹp xuất hiện ngày càng nhiều. Nhất là khi bệnh nhân lựa chọn làm đẹp ở các cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép phẫu thuật, thủ thuật.
Trước đó, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) từng chia sẻ, ông từng điều trị cho không ít các cô gái trẻ với những biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ ở những cơ sở chui, không đảm bảo. Những biến chứng này để lại những hậu quả rất nghiêm trọng như biến dạng mặt, ngực đến mù mắt, mất mũi và tệ hơn là tử vong.
"Với những cô gái mới ngoài 20 mà đi tiêm chất làm đầy mũi (filler-PV) dẫn đến mũi bị hoại tử, mù mắt hay cô gái trên bị biến dạng mặt thì thật chua xót" – bác sĩ Sơn nói.
Theo bác sĩ Sơn, khi làm đẹp, dù là phẫu thuật hay không đụng dao kéo (tiêm filler - chất làm đầy, botox và các chất độn da) thì đều có những rủi ro nhất định. "Chẳng hạn biến chứng do tiêm filler là biến dạng, co kéo khuôn mặt do tiêm không đúng kỹ thuật. Nếu không được điều trị kịp thời có khả năng bị áp xe, dẫn đến viêm, teo tổ chức cơ.
Một yếu tố khác là nếu người tiêm không nắm vững giải phẫu, khi tiêm vào mạch sẽ gây hoại tử, hoặc tổn thương chức năng đặc biệt làm tắc mạch gây mù mắt, tiêm vào các vùng khác gây hoại tử phải cắt bỏ các bộ phận đó" - bác sĩ Sơn khuyến cáo.
PGS, TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã cho biết, khi đã phẫu thuật ở dạng nào thì đều có nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên, nếu ca phẫu thuật được thực hiện ở bệnh viện, bác sĩ có tay nghề cao, thực hiện đúng quy trình thì biến chứng giảm xuống thấp nhất.
Do đó, từ phẫu thuật nhỏ nhất đến lớn nhất nếu không được thực hiện ở trung tâm y tế được chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị và các bác sĩ được đào tạo bài bản, được cấp phép hành nghề thì nguy cơ biến chứng tiềm ẩn cao.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Trừ - nguyên Trưởng phòng khám da liễu Viện trung ương Quân đội 108 cũng khuyến cáo, người dân khi đi làm đẹp cần lưu ý, tất cả các can thiệp chảy máu đều phải được thực hiện ở bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám thẩm mỹ do bác sĩ thực hiện. Các dịch vụ cũng phải được Sở Y tế cấp phép tùy theo xếp loại của phòng khám, bệnh viện.
"Hiện nay, có khá nhiều người ham rẻ, nghe theo lời quảng cáo, tin tưởng người thân, quen nên đã thực hiện các kỹ thuật như phun xăm, cắt mí, tạo lúm đồng tiền… tại các cơ sở thẩm mỹ chỉ được cấp phép chăm sóc da, thậm chí tại cả các cơ sở "cắt tóc gội đầu".
Điều này vô cùng nguy hiểm. Dù chỉ cắt mí nhưng thực hiện ở các cơ sở không được cấp phép thì người dân cũng có thể gặp nhiều nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng, thậm chí bị sốc thuốc… mà mất mạng", bác sĩ Nguyễn Xuân Trừ nhận định.