Bỏng nặng, thủng ruột... do cha mẹ "tự chữa" khi trẻ mắc Covid-19
Mới đây, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã tiếp nhận 1 trẻ mắc Covid-19 (2 tháng tuổi) trong tình trạng sốt cao 40 độ, li bì, co giật nhiều cơn kéo dài, tím tái, bỏng vùng bụng độ I. Bé đồng thời cũng mắc Covid-19.
Khai thác tiền sử bệnh của bé từ gia đình cho biết, bé bị nhiễm Covid-19 ngày thứ 4, sốt cao, bú kém, ở nhà uống thuốc hạ sốt không giảm sốt, gia đình đã đắp tỏi vùng bụng của bé để chữa Covid-19 và đắp lá vùng thóp để hạ sốt.
Tuy nhiên tình trạng bé ngày càng nặng, sốt li bì, vùng bụng phồng rộp nên gia đình phải đưa đi cấp cứu.
Bé nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, các bác sĩ phải chạy đua để có thể cấp cứu kịp thời cho bé. Hiện tại tình trạng bé ổn định hơn và được chăm sóc đặc biệt.
Hướng dẫn điều trị Covid-19 của Bộ Y tế không hề có "bài thuốc" nào cho biết đắp tỏi chữa được Covid-19 và đắp lá có thể hạ sốt.
Trước đó, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cũng đã điều trị cho bé trai 4 tháng tuổi với tình trạng da khô, bong nứt, nổi mụn dày đặc. Cha mẹ bé cho biết do con bị mắc Covid-19 nên đã kiêng tắm cho trẻ trong 6 ngày.
Bác sĩ nhận định do bé không được tắm trong nhiều ngày dẫn tới tình trạng viêm da. Nếu không xử trí sớm, da trẻ sẽ bị nứt, bong vảy, nổi mụn mủ, có thể gây nhiễm khuẩn ngoài da, nhiễm khuẩn tụ cầu, liên cầu... rất nguy hiểm.
Trước đó, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã phải phẫu thuật cấp cứu cho 2 bệnh nhi bị thủng ruột do cha mẹ tự ý cho dùng thuốc điều trị Covid-19.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hải - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, gia đình cho biết, khi phát hiện con bị sổ mũi, ho và test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 nên đã ra hiệu thuốc mua về cho con uống. Tại đây, gia đình được bán thuốc chia thành từng gói sẵn, bên trong có những thuốc dạng viên.
"Việc 2 bệnh nhi bị thủng tạng rỗng, rất có thể tác nhân gây ra do dùng thuốc không đúng cách. Vì vậy, chúng tôi khuyên phụ huynh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc chống viêm khi chưa có chỉ định của bác sĩ" - BS. Hải khuyến cáo.
Ngày 10/3, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, gần đây đơn vị này ghi nhận liên tiếp các ca trẻ em mắc Covid-19 bị bỏng nặng liên quan xông lá thuốc.
Gần nhất là bé trai 12 tuổi đến từ Long An. Do mắc Covid -19 nên được người nhà cho xông lá. Khi đang xông, người lớn đùa giỡn, đá vào chậu xông, nước văng lên người nên bị phỏng nặng nửa thân dưới và bộ phận sinh dục. Đến nay, qua 21 ngày nằm viện, được đặt sonde tiểu 2 tuần nhưng tình trạng bé vẫn chưa ổn định và chưa tự tiểu.
Một trường hợp bỏng khác là một bé gái 10 tuổi. Mặc dù triệu chứng Covid-19, không nặng, nhưng bé đang phải chịu nhiều đau đớn và mệt mỏi vì phải uống nhiều kháng sinh, an thần, giảm đau. Bệnh nhi cũng bị bỏng nặng toàn thân liên quan nước sôi xông lá do mẹ nấu, đang được các y bác sĩ nỗ lực điều trị, cứu chữa.
Hãy tìm hiểu thông tin một cách sáng suốt để chăm sóc trẻ mắc Covid-19
Những cách tự điều trị Covid-19 của không ít ông bố bà mẹ đã khiến con bị bệnh nặng, vừa mắc Covid-19 vừa bị tổn thương thân thể, thậm chí gây hại về lâu dài.
Khuyến cáo khi gia đình có trẻ em mắc Covid-19, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện nay đang có nhiều trẻ em mắc Covid-19, tuy nhiên đa phần các em đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, khỏi sau 2-3 ngày nên chỉ cần điều trị tại nhà.
"Đối với trẻ em mắc Covid-19 điều trị tại nhà có 2 thuốc cần dùng đó là thuốc giảm sốt hạ nhiệt và bù nước điện giải, dùng khi trẻ em bị sốt. Còn các loại thuốc khác và đặc biệt là thuốc kháng virus thì không có chỉ định dùng cho trẻ em.
Mọi người cần lắng nghe, tìm hiểu thông tin từ các kênh thông tin chính thống, từ những người có chuyên môn y tế để đưa ra lựa chọn tốt nhất cho bản thân mình và con em mình khi mắc Covid-19. Đừng chạy theo các lời khuyên trên mạng xã hội, cách kinh nghiệm truyền miệng mà gây nguy hiểm đến sức khỏe của con", PGS Điển khuyến cáo.
Theo PGS Điển, trẻ mắc Covid-19 chỉ cần theo dõi sát sức khỏe và điều trị các triệu chứng ho, sốt với thuốc hạ sốt, thuốc ho, uống nhiều nước, ăn uống đủ dinh dưỡng là được.
Tuyệt đối không dùng kháng sinh, kháng đông cho con tại nhà vì các thuốc này phải theo dõi tác dụng chính, tác dụng phụ, đánh giá tác dụng của thuốc…
Về việc nhiều gia đình đổ xô đi mua chanh, xả về xông hơi để phòng Covid-19, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, chuyên gia nhi khoa, nguyên Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều người lầm tưởng xông hơi sẽ giúp "diệt virus SARS-CoV-2" nhưng suy nghĩ này là sai lầm.
"Xông hơi đối với người lớn, trẻ lớn có thể mang lại cảm giác dễ chịu, đối với người có các triệu chứng ngạt mũi có thể làm thông mũi, dễ thở hơn chứ hoàn toàn không có tác dụng diệt virus.
Xông hơi với trẻ em dưới 5 tuổi lại chỉ gây hại. Nguyên nhân là đường hô hấp của trẻ dưới 5 tuổi với các niêm mạc, lông tơ rất mỏng manh, mềm mại, tinh dầu và hơi nóng từ nước lá xông sẽ dễ làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp của trẻ.
Khi đường hô hấp của trẻ bị tổn thương lại càng tạo điều kiện cho virus xâm nhập, trẻ dễ mắc virus SARS-CoV-2 và nhiều loại virus đường hô hấp khác.
Ngoài ra, trẻ hiếu động nên việc cho trẻ lại gần, tiếp xúc gần với nồi nước lá nóng bỏng sẽ rất dễ xảy ra tai nạn bỏng. Thời gian qua, đã có nhiều trẻ em bị bỏng do cha mẹ cho xông hơi chữa hoặc phòng Covid-19. Có em bỏng nặng, để lại di chứng rất nặng nề", PGS Dũng chia sẻ.
Trẻ mắc Covid-19 không kiêng tắm
Trước tình trạng nhiều người dân cho rằng khi mắc Covid-19 mà tắm thì bệnh nặng hơn, các bác sĩ khuyến cáo, quan điểm này là sai lầm.
Kinh nghiệm dân gian cho rằng ốm không nên tắm là do điều kiện kinh tế xưa không cho phép tắm ở các phòng kín gió, có nước ấm nên người ốm tắm ở nơi có gió lạnh thì dễ bị cảm nên cơ thể đang yếu có thể ốm thêm.
Còn ngày nay, khi điều kiện cho cho phép, người ốm vẫn cần tắm nước ấm để loại bỏ bụi bẩn, da chết làm cơ thể thoải mái hơn đồng thời hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.
Đặc biệt đối với trẻ mắc Covid-19, việc sốt cao ra mồ hôi càng cần phải tắm rửa, lau người. Nếu không tắm khiến da khô, da cáu bẩn sẽ khiến trẻ bị viêm da, thậm chí nhiễm trùng, bệnh nặng hơn.
Do đó, trẻ mắc Covid-19, cha mẹ vẫn nên tắm hàng ngày cho con ở phòng kín gió, với nước ấm và tắm nhanh khoảng 5-10 phút, lau khô người nhanh và mặc lại quần áo ấm trước khi ra ngoài. Cơ thể có sạch sẽ, không ngứa ngáy trẻ mới thoải mái, dễ chịu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.