Dân Việt

Chuyên gia nêu lý do không thể tăng lương vào thời điểm này

Thùy Anh 20/03/2022 07:04 GMT+7
Hết dịch Covid-19 lại tới "bão giá", đời sống công nhân lao động đang rất khó khăn, người lao động mong được tăng lương. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, không thể tăng lương vào thời điểm này.

Đề xuất tăng lương có khả thi?

Như thường lệ, khoảng tháng 4 hàng năm sẽ là thời điểm Hội đồng tiền lương Quốc gia họp bàn để tính toán, thương thảo về kế hoạch tăng lương tối thiểu vùng (mức lương áp dụng cho khu vực doanh nghiệp - phóng viên).

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là tới ngày họp của hội đồng tiền lương nhằm bàn giải pháp tăng lương tối thiểu vùng năm 2023, nhưng tới nay vẫn có khá nhiều ý kiến trái chiều.

2 năm kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, nền kinh tế đất nước đối mặt với nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, giải thể khá nhiều. Vì thế đời sống công nhân, lao động cũng gặp rất nhiều khó khăn. 

tăng lương năm 2022

Đời sống khó khăn, lao động đang rất mong sẽ được tăng lương để có thêm thu nhập chi tiêu sinh hoạt. Ảnh: Viết Niệm

Thực tế, theo quan sát, lương tối thiểu vùng chỉ là căn cứ để doanh nghiệp không trả lương thấp hơn mức này cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay đa phần các doanh nghiệp đều đã trả cao hơn mức này.

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động cho rằng, dù vậy nhưng lương tối thiểu vẫn có vai trò quan trọng trong việc điều tiết quan hệ tiền lương trong khối doanh nghiệp. Nếu lương tối thiểu tăng lên, một số doanh nghiệp đang trả mức lương thấp hơn hoặc bằng mức này sẽ phải tăng lương, như vậy sẽ góp phần nâng cao đời sống cho một bộ phận lao động nghèo, lao động có tiền lương thấp.

"Hơn nữa đã hơn 2 năm chúng ta không thực hiện tăng lương, đời sống công nhân lao động thì rất khó khăn, đây cũng có thể là nguyên nhân làm gia tăng các yếu tố khiến cho quan hệ lao động bất lợi, dễ xảy ra đình công, ngừng việc tập thể", ông Quảng nói.

Trước thông tin việc Hội đồng tiền lương sắp họp vào tháng 4/2022 để bàn phương án tăng lương năm 2023, ông Quảng cho rằng việc nhóm họp là định kỳ, còn việc có thể tăng lương tối thiểu năm 2023 được hay không thì còn tùy thuộc nhiều yếu tố.

Thực tế, trong 2 năm 2020 và 2021, dù Hội đồng tiền lương đã tổ chức họp nhưng kết luận cuối cùng vẫn là không thể tăng lương vì doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Không riêng vấn đề tiền lương của khối doanh nghiệp, tiền lương của nhóm công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cũng được nói khá nhiều. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng vừa qua Chính phủ cũng chỉ điều chỉnh tăng lương hưu với nhóm người về hưu. Đề án cải cách tiền lương, trọng tâm là tăng lương hưu cho nhóm công chức, viên chức có thu nhập thấp vẫn chưa thể thực hiện.

Theo các chuyên gia lao động, tiền lương nếu kéo dài tình trạng này, sẽ tạo sức ì, sự chán nản trong một bộ phận công chức, viên chức và lâu dài làm giảm năng suất lao động, hiệu quả làm việc của lao động trong bộ máy công quyền.

Lý do không thể tăng lương

Mặc dù thấy rõ tính cấp thiết của việc phải tăng lương cho cả khu vực công và khu vực tư nhưng nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lao động tiền lương lại cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để tăng lương.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Nguyễn Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động cho rằng tăng lương vào thời điểm này là "con dao hai lưỡi" bởi nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, nếu "bơm" tiền vào thì sẽ gây nên tình trạng lạm phát khó mà kiểm soát.

"Chúng ta đã thống nhất chỉ khi mặt bằng GDP phải tăng trên 7% thì mới có thể tăng lương tối thiểu vùng được.  Kinh tế tăng trưởng thì mới có tiền để tăng lương. Vì thế phải tập trung giải pháp cho tăng trưởng kinh tế chứ không phải giải quyết tăng lương. Khi nền kinh tế mạnh, doanh nghiệp sản xuất ổn định có tiền sẽ dùng tiền đó để tăng lương. Nếu giờ tăng lương sẽ vô tình làm tăng thêm tình trạng lạm phát", bà Hương nói.

tăng lương năm 2022

Các chuyên gia cho rằng tăng lương sẽ là "con dao hai lưỡi" làm gia tăng lạm phát. Ảnh: N.T

Ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Quốc hội cũng đồng tình với ý kiến chưa thể tăng lương vào thời điểm này.

"Phải khẳng định với nhau rằng, lương thì cần phải tăng, nhưng phải tính toán cặn kẽ, chu đáo, nếu không thì "lợi bất cập hại", ông Lợi nhấn mạnh.

Lý do ông Lợi đưa ra là bởi, nếu tăng lương thì giá cả lại tăng theo. Lương tăng 1 đôi khi giá cả lại "tát nước theo mưa" tăng ồ ạt hơn. Trong khi đó, đời sống người dân đã khó khăn, doanh nghiệp thì đang trên đà phục hồi, cần dùng tiền tích lũy sản xuất không đủ lực để tăng lương.

Từ những phân tích trên, ông Lợi cũng cho rằng không nên tăng lương vào thời điểm này.

"Tôi cho rằng lương khối tư (lương tối thiểu vùng) đã phần nào đảm bảo được tính cân đối bởi đáp ứng được 95% mức sống tối thiểu của người dân. Lương cho cán bộ, công chức mới là vấn đề cần quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, thời điểm này không thể tăng lương cả khu vực công và khu vực tư", ông Lợi nói.

Chuyên gia nêu lý do tuyệt đối không thể tăng lương vào thời điểm này - Ảnh 3.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng không thể tăng lương vào thời điểm này vì nó có thể làm gia tăng lạm phát.

Trao đổi thêm về câu chuyện thực hiện Đề án cải cách tiền lương đang bị chậm tiến độ, ông Lợi nói: Năm 2022 - 2023 theo lộ trình chúng ta bắt buộc phải cải cách tiền lương. Chúng ta đã khất nợ công nhân, viên chức gười lao động quá lâu, họ cũng đã "thông cảm" nhiều lần nên giờ nếu không thực hiện thì khó giữ được lòng tin của người dân.

"Tuy nhiên, để tạo đà cho việc cải cách thì trước tiên Nhà nước phải tinh giản biên chế, giảm lao động sự nghiệp trong đơn vị công; để địa phương giữ lại 40% ngân sách tăng thu để thực hiện cải cách tiền lương...", ông Lợi nói.

Đời sống công nhân lao động đang rất khó khăn trước sự bủa vây của dịch Covid-19 và giá cả leo thang. Nếu không thể tăng lương các chuyên gia cho rằng Chính phủ nên ưu tiên các giải pháp để kiểm soát lạm phát. Đầu tư phục hồi nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo tích lũy, tăng lương, chăm lo cho người lao động.

Điều tra tiền lương, mức sống tối thiểu ở 18 tỉnh, thành

Đầu tháng 4/2022, Bộ LĐTBXH sẽ tổ chức điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023 và các chính sách liên quan.

Cuộc điều tra sẽ được tiến hành trên 2.000 doanh nghiệp, thuộc nhiều nhóm ngành nghề sản xuất, kinh doanh, như: Nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ. Đây đều là các doanh nghiệp có quy mô hoạt động đa dạng từ hàng trăm lao động tới hàng nghìn lao động.

Các nội dung chính điều tra là: quỹ tiền lương theo công việc; doanh nghiệp điều chỉnh lương ra sao trong quý I/2022... từ đó cơ quan quản lý sẽ thống kê mức lương thấp nhất thực trả cho người lao động tại 4 vùng lương trong cả nước.

Dự kiến, 18 địa bàn sẽ được đồng loạt điều tra đợt này gồm: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Long An, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ.

Qua hoạt động điều tra, cơ quan chức năng đồng thời tiếp thu những kiến nghị, góp ý của doanh nghiệp về chính sách tiền lương tối thiểu có cần điều chỉnh trong năm 2023 hay không.