Dân Việt

Những dấu mốc đáng nhớ trong nghiệp và đời của nhạc sĩ Hồng Đăng

Ngọc Mi 21/03/2022 14:03 GMT+7
Nhạc sĩ Hồng Đăng đã để lại cho đời hơn 700 tác phẩm xuyên suốt chặng đường dài sáng tác của mình. Những ca khúc của tác giả "Hoa sữa" đã kết nối trái tim những người yêu nhạc và có sức sống bền bỉ vượt thời gian...

Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936 trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, Hồng Đăng đã mày mò đọc sách về âm nhạc bằng tiếng Pháp. 12 tuổi, tác giả "Hoa sữa" bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình với ca khúc như: Đời học sinh, Nắng về Tây Bắc, Nhớ ơn Cụ Hồ...

Năm 1956, khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) mở khóa học đầu, nhạc sĩ Hồng Đăng là một trong những học viên khóa đầu tiên chuyên ngành Sáng tác. Đó là khóa học có những tác giả lớn của nền âm nhạc nước nhà như: Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Ngô Huỳnh, Huy Thục, Vĩnh Cát, Tô Ngọc Thanh, Hồng Thao...

Ông viết nhiều ca khúc nổi tiếng như: Đường đi có nắng mặt trời, Quà tháng năm (lời viết cùng Thế Bảo), Giữa mùa sa nhân, Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn (lời viết cùng Nguyễn Liệu)... Năm 1960, nhạc sĩ Hồng Đăng viết hợp xướng Lửa rực cháy (phỏng thơ Tố Hữu).

Những dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời và nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hồng Đăng - Ảnh 1.

Những dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời và nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hồng Đăng. (Ảnh: TL)

Tuy quê gốc Nghệ An nhưng nhạc sĩ Hồng Đăng gắn bó cả cuộc đời mình ở Hà Nội. Ông cũng được đánh giá là một trong những nhạc sĩ biểu trưng của Hà Nội nhờ loạt tác phẩm về mảnh đất và con người nơi đây như: Tác phẩm thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm (kịch bản Dương Viết Á) đã được Đoàn Ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964; Người sông Hồng, Duyên Hà Nội, Tiếng hát trên pháo đài thành phố...

Năm 1968, nhạc sĩ Hồng Đăng viết hợp xướng Trận địa gang thép. Năm 1972, ông viết hợp xướng 5 chương Đêm lửa Trường Sơn, hợp xướng Câu chuyện Việt Nam (Đài Tiếng nói Việt Nam, 1976)... Nhiều nhạc phẩm nhạc không lời của ông đã được biểu diễn và phát trên làn sóng phát thanh như: Tứ tấu đàn dây Nắng quê hương (1960), violoncelle và piano Ước mơ tuổi trẻ (1958), concerto piano Rừng Tây Nguyên (1960)...

Ca khúc "Hoa sữa" do ca sĩ Thanh Lam thể hiện. (Nguồn clip: YouTube Thanh Lam Hat)

Đáng chú ý, ca khúc Hoa sữa được đánh giá là một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội gắn với tên tuổi của nhạc sĩ Hồng Đăng. Được biết, ông viết ca khúc này cho bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ năm 1978 của cố đạo diễn Đức Hoàn. Thời điểm sáng tác ca khúc này, ông phải theo đoàn làm phim hàng tháng để lấy cảm hứng. Khi ông đang trăn trở với phần nhạc cho phim này thì một người bạn nói với ông rằng, Hà Nội có loài hoa tên là hoa sữa. Chỉ trong khoảng 20 phút, nhạc sĩ Hồng Đăng đã hoàn thành bài hát này. Ca khúc Hoa sữa với sự thể hiện của NSND Lê Dung đã trở thành ca khúc "đi cùng năm tháng" và sống mãi trong lòng người yêu nhạc. Sau này, nhiều tỉnh thành đua nhau trồng hoa sữa như để thêm yêu Hà Nội.

Ngày 28/10/2021, "cha đẻ" của những tác phẩm đã thành biểu tượng về Hà Nội như: Hoa sữa, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ… được xướng tên nhận Giải thưởng Lớn "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội".

Chia sẻ về những ca khúc do nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha từng đánh giá, ở ca khúc Hoa sữa là thiên nhiên ẩn hiện trong tình yêu đôi lứa. Còn ở Kỷ niệm thành phố tuổi thơ thì thiên nhiên đã ùa chật vào ba lô của người lên đường ra mặt trận biên giới. Giai điệu của nhạc sĩ Hồng Đăng đã làm thổn thức những con tim trai trẻ không cách gì kìm nổi: "Trưa nay qua đường phố quen, gặp những tiếng ve đầu tiên, chợt nghe tâm hồn xao xuyến. Điệp khúc tiếng ve triền miên"…

Những dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời và nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hồng Đăng - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Hồng Đăng (trái) bên vợ tại nhà riêng trong ngày ông được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái vào tháng 10/2021. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Trước khi nhận giải thưởng cao quý này, tác giả của Hoa sữa được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với các ca khúc: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy...

Chia sẻ về những "đứa con tinh thần" của mình, An ninh thế giới online từng dẫn lời nhạc sĩ Hồng Đăng: "Bài hát cũng như con người, luôn có số phận. Có những số phận sinh ra đã được trải hoa hồng, đi trên những con đường thênh thang, rộng mở. Có những số phận ngay từ lúc sinh ra đã bị thiệt thòi, sống lay lắt rồi vượt qua thời gian lại trở nên huy hoàng rực rỡ. Nhiều ca khúc của tôi để đến được với công chúng yêu âm nhạc là cả một chặng đường dài, thậm chí rất dài, và có số phận long đong...".

Nhạc sĩ Hồng Đăng nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá IV và V. Tổng biên tập tạp chí Âm nhạc (từ 1989) và tờ Thế giới Âm nhạc (từ 1996). Ông còn là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội…

Về cuộc đời riêng của nhạc sĩ Hồng Đăng cũng trải qua không ít thăng trầm. Khi đã ở tuổi 54, nhạc sĩ Hồng Đăng kết hôn với nữ kỹ sư xây dựng Lê Anh Thúy. Tác giả của Hoa sữa từng hạnh phúc chia sẻ: "Được sinh ra trong đời là đã hạnh phúc rồi. Với người nghệ sĩ, có được tác phẩm mà công chúng yêu thích là niềm hạnh phúc lớn... Còn vợ con là hạnh phúc khổng lồ".

Nhiều năm gần đây, sức khỏe của nhạc sĩ Hồng Đăng suy yếu, do ông mắc nhiều căn bệnh của tuổi già. Theo thông tin từ gia đình, nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời lúc 5 giờ 57 phút sáng nay (ngày 21/3) tại Bệnh viện Hữu Nghị, hưởng thọ 86 tuổi. Sự ra đi của nhạc sĩ Hồng Đăng khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp và khán giả bàng hoàng, tiếc thương.