Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 386 triệu USD thịt lợn, khoảng 289.000 tấn, tăng 15,6% về giá trị và 25,8% về lượng so với năm 2020.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu trên 23.900 tấn thịt lợn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2021. Thịt lợn được nhập khẩu chủ yếu ở Brazil, tiếp đó là Nga, Đức, Hà Lan, Canada.
Về xuất khẩu, theo Agromonitor, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 43,7 triệu USD thịt lợn, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020. Trong tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu trên 723 tấn thịt, trị giá 5,6 triệu USD, tăng 78,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với thị trường xuất khẩu, Hồng Kông là thị trường xuất khẩu thịt lợn đã qua giết mổ lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch trên 95% thị phần, thứ hai là Thái Lan 3% và một lượng nhỏ qua Lào, Hàn Quốc và Trung Quốc.
So với các thị trường trong khu vực, giá lợn hơi của Việt Nam hiện thấp hơn các nước Thái Lan, Lào, Campuchia nhưng cao hơn Trung Quốc nên trong các tháng đầu năm 2022, thịt lợn Việt Nam xuất khẩu sang các nước trong khu vực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, theo Genesus Inc., giá lợn hơi tại Việt Nam tuần thứ 2 của tháng 3/2022 giao dịch ở mức 2,3 USD/kg, Trung Quốc 2,1 USD/kg, Hàn Quốc 2,9 USD/kg, Philippines 3,5 USD/kg.
Theo Agromonitor, giá lợn hơi giao ngay tại Camphuchia hiện khoảng 63.000 đồng/kg, Lào 60.000 đồng/kg, Thái Lan 62.000 đồng/kg.
Thông tin tổng hợp về giá lợn hơi các tháng đầu năm 2022, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, trong tháng 1/2022, giá lợn hơi biến động tăng tại các địa phương trên cả nước do nhu cầu tăng vào dịp cận Tết nguyên đán.
Đến cuối tháng 2/2022 giá lợn hơi tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều giảm so với đầu tháng 2/2022, nhưng vẫn tăng so với tháng trước, trung bình đạt từ 51.000–55.000 đồng/kg, tăng từ 4.000–6.000 đồng/kg so với đầu tháng 1/2022.
Giá lợn hơi đầu tháng 3/2022 ổn định và giảm nhẹ so với cuối tháng 2/2022, ở mức 51.000-54.000 đồng/kg.
Giá bán lẻ thịt lợn trong tháng 2/2022 khá ổn định so với tháng trước, tuy nhiên mức chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá lợn hơi vẫn khá cao.
Thị trường thịt lợn trong 3 tuần của tháng 3/2022 không ghi nhận sự biến động. Giá sản phẩm thịt lợn bán lẻ tại các chợ dân sinh bán ra ở mức từ 90.000-130.000 đồng/kg.
Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, so với giá thịt lợn nhập khẩu, giá thịt sản xuất trong nước bán lẻ cao hơn từ 25-40% tùy loại.
Nguyên nhân chủ yếu do chi phí ở khâu trung gian, bao gồm chuồng trại đến thương lái ban buôn cấp 1, cấp 2, lò mổ, bán buôn lợn mảnh, pha lóc và cuối cùng mới đế chợ truyền thống và siêu thị bán lẻ.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ tăng trở lại vào năm 2022, sau khi giảm vào năm 2021. Năm 2022, dự kiến Trung Quốc sẽ nhập khẩu gần 4,8 triệu tấn thịt, tăng gần 6% so với 2021.
Mở xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang Trung Quốc, cơ hội sẽ rất lớn
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus Việt Nam cho biết, dù đơn vị đã có kinh nghiệm trong xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản song vẫn đang loay hoay với bài toán xuất khẩu thịt lợn.
Theo ông Hiếu, doanh nghiệp đang hướng đến xuất khẩu thịt lợn tươi và sản phẩm chế biến nhưng thiếu thông tin về thị trường và tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Đồng thời, đại diện Tập đoàn De Heus mong muốn Bộ NNPTNT cùng các địa phương cần phải công khai kế hoạch về việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở khu vực nào, để doanh nghiệp tiến hành liên kết chuỗi chăn nuôi ngay tại địa phương.
Ông Phan Ngọc Ấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp BaF cho rằng, thủ tục xuất khẩu thịt lợn cần được khơi thông. Bởi theo đơn vị này, nhu cầu xuất khẩu thịt là yêu cầu tất yếu của các doanh nghiệp, nhưng đến nay họ vẫn chưa biết cần thủ tục gì và nước nào cần hàng.
“Chúng tôi sẵn sàng chăn nuôi toàn bộ chuỗi theo tiêu chuẩn VietGAP, nhà máy giết mổ theo tiêu chuẩn GlobalGAP”, đại diện BaF cho biết và kiến nghị Bộ NNPTNT cần có các thông tư hướng dẫn để tạo nhiều điều kiện cho các công ty có thể xuất khẩu được sang các nước.
Giai đoạn 2015-2016, Trung Quốc là thị trường chủ lực nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam, nhưng từ năm 2017 đến nay, việc xuất khẩu sang Trung Quốc gần như "đóng băng", khiến đầu ra của doanh nghiệp khó khăn.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai kiến nghị Bộ NNPTNT tham mưu Chính phủ đàm phán với Trung Quốc mở thị trường chính ngạch, nếu chỉ 1-2 tỉnh ở Trung Quốc tiêu thụ thịt lợn thì cơ hội xuất khẩu của Việt Nam rất lớn.
Chuyên gia Phạm Kim Đăng, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định, xu thế chuỗi khép kín là không thể đảo ngược được và nếu không phát triển được chế biến thì rất khó khai phá các thị trường xuất khẩu.
Mặt khác, để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn, cần xây dựng được 1 thương hiệu đủ lớn của doanh nghiệp Việt, trong đó phải chủ động trọn gói các khâu.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh làm cơ sở bảo đảm nguồn cung thực phẩm và phục vụ xuất khẩu.
Về lâu dài, theo chuyên gia này, cần phát triển một nền chăn nuôi lợn bền vững. Đó là nền chăn nuôi mà ở đó chăn nuôi được quy hoạch, chăn nuôi được sản xuất theo kế hoạch và đặc biệt vận hành trên cơ sở đảm bảo lợi ích kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
Dẫn chứng thời gian qua, việc xuất khẩu sản phẩm thịt cũng đã có những bước tiến như ngoài xuất khẩu thịt lợn sữa, lợn mảnh sang Malaysia, Hồng Kông, vừa rồi có một số sản phẩm thịt lợn khử trùng xuất sang Hàn Quốc, tuy nhiên, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) nhận định: Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là hạ giá thành sản phẩm và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường hơn nữa.
Ông Duy cũng cho biết, hiện cả nước đang có 65 nhà máy, cơ sở giết mổ chế biến thịt bao gồm lợn, gia cầm, trâu bò; Chế biến theo quy mô công nghiệp với công suất chế biến 1,1 triệu tấn/năm. Nhóm sản phẩm chế biến sâu chiếm 2-5%, còn đa phần chế biến ở cấp độ sơ chế, thịt đông lạnh, thịt mát.